Hàng loạt “bom tấn” M&A bất động sản được khởi động ngay từ đầu năm

Quốc Hải Thứ tư, ngày 02/03/2022 14:56 PM (GMT+7)
Nhiều dự án quy mô lớn ở TP.HCM và các tỉnh lân cận lần lượt được sang tay ngay những ngày đầu năm, dự báo một thị trường M&A bất động sản sôi động trong năm nay…
Bình luận 0

Mới đây, "ông lớn" Novaland gây sửng sốt với giới đầu tư khi tiếp nhận dự án Kenton Node từ Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên để phát triển với tên gọi mới - Grand Sentosa.

Hàng loạt “bom tấn” M&A bất động sản được khởi động ngay từ đầu năm - Ảnh 1.

Dự án Kenton Node "trơ gan cùng tuế nguyệt" trước khi về tay Novaland. Ảnh: Quang Duy

M&A bất động sản: Nhiều dự án dồn dập đổi chủ

Trước khi về tay Novaland, Kenton Node từng có tên là Kenton Residence, khởi công từ năm 2009 và được ví như khu đô thị mới tỷ USD phía Nam Sài Gòn. Dự án có tổng diện tích hơn 10ha, gồm 3 phân khu Plaza, Sky Villa và Residences với 9 tòa nhà, 16 tòa tháp và 1.683 căn hộ. Tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 300 triệu USD, tương ứng 5.400 tỷ đồng.

Theo quy hoạch, tổ hợp này gồm căn hộ ở, căn hộ lưu trú, khách sạn, trung tâm mua sắm, trung tâm dịch vụ ăn uống giải trí, nhà hát biểu diễn và trường học, phòng khám quốc tế.

Tuy nhiên, đến giữa năm 2010, dự án buộc phải tạm ngưng do sự đóng băng toàn thị trường. Đến tháng 5/2017, Kenton Residences "hồi sinh" với tên gọi mới Kenton Node cùng số vốn hơn 1 tỷ USD. Thời điểm đó, hai ngân hàng BIDV và MSB rót hơn 1.000 tỷ đồng, thế nhưng dự án cũng bị ngưng lại sau đó một năm vì vấn đề tài chính.

Với sự tham gia của Novaland lần này, dự án lại được đổi tên một lần nữa thành Grand Sentosa – được định vị là tổ hợp thương mại dịch vụ, nhà ở cao cấp, dự kiến đi vào vận hành trong năm 2024.

Hàng loạt “bom tấn” M&A bất động sản được khởi động ngay từ đầu năm - Ảnh 2.

Các DN đẩy mạnh M&A cũng là cơ hội để tăng nguồn cung cho thị trường BĐS.Ảnh: Quang Duy

Cũng đình đám không kém ngay những ngày đầu năm là thông tin dự án Sài Gòn Bình An cũng chính thức về tay Masterise Homes với tên gọi The Global City.

Dự án trước đây của Công ty HimLam, sau đó được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua lại, trước khi về tay Masterise Homes mới đây. Cụ thể, dự án có diện tích hơn 117 ha, dự án nằm mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp (TP.Thủ Đức), kết nối vào đường dẫn cao tốc TP.HCM - Dầu Giây.

Ban đầu, dự án được quy hoạch là khu sân golf 18 lỗ, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và khu nhà ở thấp, cao tầng nhưng hiện đã được điều chỉnh thành một khu đô thị cao cấp với sự tham gia quy hoạch và thiết kế của công ty kiến trúc hàng đầu thế giới Foster+Partners.

Dự kiến trong tháng 3 tới, dự án sẽ mở bán những sản phẩm đầu tiên.

Chủ đầu tư dự án SwanBay Đại Phước (Đồng Nai) là Vina Đại Phước cũng vừa có sự thay đổi về cổ đông khi 2 nhà đầu tư nước ngoài là SNC Investments 27 và SNC Investments 28 (thuộc China Fortune Land Development) không còn nắm 92% vốn điều lệ.

Liên quan đến dự án này, một số thông tin trên thị trường cho hay, Công ty CP Địa ốc Phú Long (thuộc Tập đoàn Sovico) đang trong quá trình thực hiện M&A với những thủ tục pháp lý cuối cùng.

Hàng loạt “bom tấn” M&A bất động sản được khởi động ngay từ đầu năm - Ảnh 3.

Xu hướng M&A BĐS được dự báo sẽ tiếp tục sôi động thời gian tới. Ảnh: Quang Duy

Bên cạnh các dự án M&A đã và đang được doanh nghiệp triển khai, một số doanh nghiệp BĐS lớn khác cũng đang xúc tiến thâu tóm quỹ đất bằng hoạt động mua vốn cổ phần.

Chẳng hạn, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền mới đây đã thông qua chủ trương cho phép Địa ốc Gia Phước (công ty con do Khang Điền nắm giữ 99,9% vốn), nhận chuyển nhượng 60% vốn điều lệ Công ty CP Đầu tư Bất động sản Phước Nguyên. Giao dịch dự kiến hoàn tất chậm nhất vào tháng 3/2022 với giá sang tay 620 tỷ đồng.

Được biết, BĐS Phước Nguyên lại đang sở hữu 100% vốn điều lệ của Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Nhà Đoàn Nguyên - chủ đầu tư dự án Khu nhà ở quy mô 60.732 m2 tại phường Bình Trưng Đông, Cát Lái, TP.Thủ Đức, TP.HCM (dự án Đoàn Nguyên).

Do vậy, động thái của Nhà Khang Điền được lý giải là doanh nghiệp muốn nhắm đến dự án hơn 6ha này.

Động lực cho sự bật dậy của thị trường BĐS

Theo các chuyên gia kinh tế và bất động sản, xu hướng M&A sẽ tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới. Bởi các công ty địa ốc lớn như Vinhomes, Novaland, Phát Đạt, An Gia, LDG... vẫn đang triển khai các chiến lược nhằm tiếp tục tìm kiếm và thâu tóm các quỹ đất chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường BĐS còn nhiều biến động do quỹ đất ngày càng khan hiếm, thủ tục triển khai dự án bị siết chặt. Các chủ đầu tư yếu kém không trụ được trước khó khăn sẽ buộc phải bán trao tay dự án hoặc chấp nhận chuyển nhượng cổ phần cho các chủ đầu tư khác có tiềm lực hơn. Khi đó, thị trường M&A dự án càng sôi động cũng là điều dễ hiểu.

Mặt khác, cuộc đua M&A được dự báo tiếp tục nóng lên là bởi đây là một trong những chiến lược "nhanh và mạnh", giúp doanh nghiệp đi sâu vào chuỗi giá trị của mình, gia tăng thị phần, sản phẩm, tiếp cận với thị trường, mang lại các giá trị chung cho cộng đồng.

"Sau 2 năm dịch bệnh Covid-19, theo xu hướng chung của thế giới thì nhu cầu về sở hữu BĐS tăng đột biến, tạo ra một cơn sốt BĐS trên thế giới cũng như ở cả Việt Nam. 

Trong khi đó, ở Việt Nam từ sau đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đến nay (từ tháng 10/2021), trong vòng chưa tới 6 tháng mà giá BĐS đã tăng 20-30%, có những nơi tăng 50%. 

Điều này đã khuyến khích các doanh nghiệp tìm các quỹ đất mới để phát triển dự án", ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS này nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem