Cầu Zhenhai dài 133 mét, hơn 400 năm tuổi trước khi bị mưa lũ phá hủy.
Cầu Thải Hồng được xây dựng từ cách đây 800 năm ở thị trấn Thanh Hoa, huyện Vụ Nguyên, tỉnh Giang Tây, hôm 9.7 đã bị hư hại nặng do lũ quét.
Cây cầu này tồn tại từ thời nhà Nam Tống, là một trong những công trình lịch sử mang ý nghĩa quan trọng của Trung Quốc.
Hôm 7.7, cầu Zhenhai ở huyện Shexian, tỉnh An Huy, cũng sụp đổ. Zhenhai được xây dựng năm 1536, là cây cầu cổ xưa nhất trên địa bàn. Cây cầu được coi là di tích văn hóa nằm trong danh mục được bảo tồn ở Trung Quốc.
Hôm 6.7, cư dân mạng Trung Quốc bị sốc khi xem video quay cảnh cầu Lecheng ở huyện Jinde, tỉnh An Huy, bị mưa lũ gây hư hại nặng. Cây cầu được xây dựng năm 1543 từ thời nhà Minh, tính đến trước khi bị mưa lũ phá hủy đã tồn tại được 477 năm.
Việc 3 cây cầu lịch sử bị sụp đổ, hư hại nặng chỉ trong chưa đầy một tuần đã khiến dư luận Trung Quốc phẫn nộ.
Hiện trạng của cây cầu sau khi mưa lũ tràn qua.
Tờ China Daily, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, bình luận: “Thật đau buồn khi nhìn thấy 3 cây cầu cổ xưa này, từng trụ vững qua nhiều trận bão, nay đã bị lũ quét khuất phục”.
Tình cảnh mưa lũ hiện vẫn diễn biến phức tạp ở miền đông và miền nam Trung Quốc. China Daily thẳng thừng chỉ trích cơ quan bảo vệ di tích văn hóa và chính quyền địa phương vì “không làm tròn trách nhiệm”.
“Lũ lụt là thảm họa thiên nhiên nhưng không vì thế mà các cơ quan địa phương không phải chịu trách nhiệm cho các sự kiện tồi tệ trên”, China Daily báo viết.
Theo China Daily, những cây cầu cổ này lẽ ra phải được bảo vệ đặc biệt, nhưng suốt một thời gian dài phải chịu tải trọng vượt mức thiết kế do đô thị hóa nhanh chóng ở các khu vực lân cận.
Nước sông dâng cao tạo thành lũ quét càng khiến các cây cầu cổ xưa chịu áp lực lớn. Cuối cùng, tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã làm xói mòn các cột trụ của cầu, China Daily viết.
China Daily báo coi việc 3 cây cầu sụp đổ trong vòng chưa đầy một tuần là tổn thất vô cùng lớn, đề nghị chính quyền địa phương phải có phương án sửa chữa, gia cố, khôi phục hiện trạng, cũng như đánh giá trên địa bàn còn những cây cầu cổ nào có nguy cơ để kịp thời ứng phó.
“Công nghệ xây dựng ngày nay đã rất tiên tiến, có thể được áp dụng để giúp bảo vệ những công trình lịch sử này”, China Daily viết.
China Daily báo cho rằng, chính quyền địa phương phải xây thêm một cây cầu hiện đại song song với cầu cũ, để giảm tải cũng như biến những cây cầu cổ làm nơi chuyên phục vụ du lịch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.