Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết, mới đây đã gửi loạt văn bản đề xuất UBND TP.HCM tháo gỡ khó khăn cho hàng loạt doanh nghiệp (DN) bất động sản và đang chờ được cơ quan có thẩm quyền giải quyết để các dự án sớm triển khai.
Hàng loạt doanh nghiệp BĐS đang rất cần được sớm tháo gỡ những khó khăn (Ảnh: IT)
Chẳng hạn, HoREA đã có văn bản (số 43/2020/CV-HoREA) đề nghị UBND thành phố xem xét, cho phép Công ty Bình Dân được sớm nộp tiền sử dụng đất khu nhà ở phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức (hồ sơ bị kéo dài đã 10 năm nay). Đề nghị xem xét điều chỉnh quy hoạch chi tiết phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư nhà vườn - du lịch - sinh thái (khu 2) phường Long Phước, quận 9 của Công ty Sài Gòn Garden (Văn bản 41/2020/CV-HoREA). Đề nghị quyết định chủ trương đầu tư dự án trường mầm non tư thục (hoặc trường dạy nghề) tại phường Tam Phú, quận Thủ Đức của Công ty Cổ phần N.V.T (Văn bản 36/2020/CV-HoREA)...
Theo HoREA, sau các đề xuất của hiệp hội, UBND TP.HCM và các cơ quan chức năng đã có những chỉ đạo giải quyết các khó khăn của DN đề ra như: Xem xét, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp về đề nghị quyết định chủ trương đầu tư dự án trường mầm non tư thục (hoặc trường dạy nghề) tại phường Tam Phú, quận Thủ Đức của Công ty Cổ phần N.V.T và trình UBND TP trong tháng 4; chuyển Cục Thuế giải quyết về ưu đãi thuế đối với dự án Nhà ở Xã hội Lê Thành An Lạc; cập nhật, bổ sung dự án tại danh mục Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2016-2020 khi công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở…
Đặc biệt, tại văn bản 1225/UBND-ĐT gửi Thủ tướng kiến nghị giải quyết khó khăn vướng mắc trong thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn TP.HCM do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan ký, một trong những nội dung quan trọng được UBND thành phố đề xuất là hướng xử lý các vướng mắc về “đất xen cài” chưa phải là đất ở trong các dự án nhà ở - vốn đang gây ách tắc cho rất nhiều dự án hiện nay.
Cụ thể, theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong năm 2019 các DN bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, quy mô thị trường và nguồn cung sản phẩm bất động sản sụt giảm. Theo đó, năm 2019, UBND TP chỉ chấp thuận đầu tư và công nhận chủ đầu tư 4 dự án nhà ở thương mại có đầy đủ pháp lý (giảm 24 dự án so với năm 2018); chấp thuận đầu tư 16 dự án nhà ở thương mại (giảm 64 dự án so với cùng kỳ năm 2018)… Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Nhiều dự án trong quá trình kiểm tra, kiểm toán, điều tra rà soát thủ tục pháp lý.
Theo thống kê của HoREA, trên địa bàn TP hiện có khoảng 158 dự án dính đất công. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết, trong số 158 dự án này, có 124 dự án được TP cho vận hành trở lại, nhưng thực tế nhiều dự án vẫn chưa thể triển khai bình thường…
|
Nếu không có giải pháp tháo gỡ vướng mắc kịp thời sẽ giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ các hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản.
Để tháo gỡ vướng mắc này, TP kiến nghị Chính phủ 2 giải pháp: Đối với quỹ đất công có tổng diện tích dưới 1.000m2 trong các dự án (đất xen cài giữa các thửa đất, mương, rạch...), kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho TP giao chủ đầu tư để chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện theo quy hoạch. Còn đối với quỹ đất có tổng diện tích đất công trên 1.000m2, kiến nghị Thủ tướng cho TPHCM hoán đổi với chủ đầu tư để có quỹ đất tương đương, tập trung ngay tại dự án để chủ đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước quản lý, sử dụng.
Cũng tại văn bản này, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng gỡ vướng đối với quy định phải có 100% đất ở hợp pháp mới được xem xét công nhận chủ đầu tư. Hiện, TP.HCM đang có khoảng 63 dự án đang vướng theo dạng này chưa được tháo gỡ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.