Hàng loạt vướng mắc "nóng" từ doanh nghiệp 5 tỉnh thành phía Nam gửi đến Tổng cục Thuế

Gia Linh - Thuý Liên Thứ sáu, ngày 27/09/2024 12:59 PM (GMT+7)
Hàng trăm đại biểu là các doanh nghiệp thuộc 5 tỉnh thành phía Nam bao gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An đã tham dự Hội nghị đối thoại với Tổng cục Thuế để làm rõ các vướng mắc, quy định về thuế.
Bình luận 0

Tổng Cục thuế đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp

Ngày 27/9, Hội nghị đối thoại giữa Tổng cục Thuế với người nộp thuế tại 5 tỉnh, thành phố phía Nam năm 2024 đã được tổ chức tại TP.HCM. Hội nghị có sự tham gia của hàng trăm đại biểu là các doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý ngành thuế.

Ông Mai Sơn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hội nghị là dịp để ngành thuế kịp thời lắng nghe, giải đáp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định, chính sách pháp luật thuế.

Hội nghị đối thoại lần này sẽ tập trung vào các nội dung chính bao gồm các nhóm vấn đề về hóa đơn, chứng từ; chính sách thuế giá trị gia tăng (gồm cả hoàn thuế); thuế thu nhập doanh nghiệp (gồm cả thuế nhà thầu); thuế thu nhập cá nhân; các ưu đãi miễn giảm, các khoản thu từ đất...

Hàng loạt vướng mắc "nóng" từ doanh nghiệp 5 tỉnh thành phía Nam gửi đến Tổng cục Thuế - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp trình bày những khó khăn, vướng mắc tại Hội nghị đối thoại giữa Tổng cục Thuế. Ảnh: Gia Linh

"Trên tinh thần cầu thị và lắng nghe, không né tránh, Tổng cục Thuế tổ chức hội nghị đối thoại với mục tiêu thực sự mong muốn được nắm bắt, trao đổi, giải đáp và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phản ánh của người nộp thuế", ông Mai Sơn cho hay.

Tại hội nghị, các đại biểu, người nộp thuế tại địa bàn 5 tỉnh, thành phố phía Nam đã trình bày các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của đơn vị trong việc thực hiện các quy định, chính sách thuế.

Hàng loạt vấn đề "nóng" được gửi đến Tổng Cục thuế

Trong phiên làm việc đầu tiên, các đại biểu đã có thắc mắc về thuế giá trị gia tăng (GTGT). Cụ thể, một số doanh nghiệp đã chia sẻ các câu hỏi về việc khai thuế, giảm thuế, khấu trừ thuế GTGT. 

Đơn cử, một đại biểu đã đặt câu hỏi về việc công ty đang thực hiện theo Công văn số 5366/TCT-DNL ngày 30/11/2023 của Tổng cục Thuế về việc Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ về thuế GTGT đối với hoạt động thư tín dụng. Tuy nhiên, khi khai bổ sung tính thuế (cụ thể các năm 2011, 2012, 2013), thì ứng dụng của ngành chặn không cho người nộp thuế nộp tờ khai. Như vậy, trường hợp này người nộp thuế có phải kê khai nộp thuế vào ngân sách nhà nước hay không?

Về vấn đề này, Tổng cục thuế cho biết hiện nay phát sinh các trường hợp người nộp thuế khai bổ sung thuế GTGT từ 1/1/2011 (thời điểm có hiệu lực của Luật Các tổ chức tín dụng) nhưng ứng dụng thuế điện tử không hỗ trợ tiếp nhận các tờ khai có thời hạn quá 10 năm (tính từ ngày nộp tờ khai bổ sung trở về trước), Tổng cục Thuế đang tiến hành phân tích nghiệp vụ, trường hợp cần thiết chỉ đạo nâng cấp ứng ụng để hướng dẫn đối với trường hợp người nộp thuế khai bổ sung quá 10 năm.

Hàng loạt vướng mắc "nóng" từ doanh nghiệp 5 tỉnh thành phía Nam gửi đến Tổng cục Thuế - Ảnh 2.

Các vấn đề về thuế giá trị gia tăng đang được doanh nghiệp chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Thuý Liên

Trường hợp khác, doanh nghiệp có câu hỏi công ty có trụ sở chính tại TP.HCM và có hoạt động kinh doanh sản xuất năng lượng điện mặt trời các tại địa điểm, địa phương khác thì có phải thực hiện phân bổ thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp cho từng tỉnh, nơi có hoạt động kinh doanh. 

Tổng Cục thuế cho biết trường hợp sản xuất điện mặt trời đáp ứng điều kiện là nhà máy sản xuất điện theo quy định của pháp luật điện lực thì người nộp thuế khai thuế GTGT riêng cho cơ quan thuế nơi có nhà máy sản xuất điện theo quy định. 

Trường hợp sản xuất không đáp ứng điều kiện là nhà máy sản xuất điện theo quy định thì người nộp thuế thực hiện khai thuế GTGT tập trung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở sản xuất và nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục bảng phân bổ thuế GTGT phải nộp cho địa phương nơi được hưởng nguồn thu cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp; nộp số tiền phân bổ cho từng tỉnh nơi có cơ sở sản xuất.

Hàng loạt vướng mắc "nóng" từ doanh nghiệp 5 tỉnh thành phía Nam gửi đến Tổng cục Thuế - Ảnh 3.

Tổng cục Thuế đối thoại với người nộp thuế tại 5 tỉnh, thành phố phía Nam. Ảnh: Thuý Liên

Ngoài ra, các vấn đề về hoàn thuế, khấu trừ GTGT... cũng được các doanh nghiệp chia sẻ tại hội nghị trong phiên làm việc buổi sáng.

Đáng chú ý, có doanh nghiệp gửi rất nhiều câu hỏi, vướng mắc đến hội nghị. Đơn cử, Công ty TNHH SAIGON PTS gửi tới 6 câu hỏi liên quan đến thuế GTGT, hoàn thuế gửi tới Tổng cục Thuế. Nội dung câu hỏi liên quan việc công ty xuất khẩu có liên quan đến phần tỷ trọng và việc hoàn thuế bắt buộc các nhà cung cấp phải quyết toán mới cho công ty xuất khẩu hoàn thuế. 

Vấn đề tiếp theo, công ty này thắc mắc các trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu phải đợi xác minh, các trường hợp phải chờ xác minh phải chờ thì số tiền treo đó phải được giải quyết như thế nào. Ngoài ra, công ty cũng thắc mắc đến vấn đề làm việc với các công ty chuyên mua bán hoá đơn: Thời điểm giao dịch, công ty đối tác vẫn hoạt động minh bạch (chưa bị phát hiện mua bán hoá đơn) nhưng sau này đến kỳ hoàn thuế thì công ty đóng cửa thì các hoá đơn của doanh nghiệp bị phạt, bị loại ra là thì công ty phải làm thế nào. Điều này sẽ gây "đau khổ" cho doanh nghiệp.

Hàng loạt vướng mắc "nóng" từ doanh nghiệp 5 tỉnh thành phía Nam gửi đến Tổng cục Thuế - Ảnh 4.

Đại diện công tyTNHH SAIGON PTS gửi tới 6 câu hỏi liên quan đến thuế GTGT, hoàn thuế gửi tới Tổng cục Thuế. Ảnh: Thuý Liên

Trả lời doanh nghiệp, bà Phạm Thị Minh Hiền - Phó vụ trưởng Vụ chính sách Tổng cục Thuế cho biết, đối với trường hợp doanh nghiệp kê khai sản phẩm đã chế biến thành sản phẩm khác mà quy trình sản xuất sản phẩm chưa đủ cơ sở xác định là sản phẩm khác thì Cục Thuế có trách nhiệm báo cáo Tổng cục Thuế để phối hợp với các bộ, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành căn cứ vào quy trình sản xuất sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp để xác định sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản chưa chế biến thành sản phẩm khác hay đã chế biến thành sản phẩm khác theo quy định của pháp luật. Đề nghị doanh nghiệp cung cấp hồ sơ cụ thể và nêu rõ cơ quan thuế đang giải quyết hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp để được giải đáp.

Về vấn đề đối tác của công ty là công ty mua bán hoá đơn. Đại diện Tổng cục Thuế cho biết xét về bản chất, hoạt động mua bán 2 bên thì cơ quan thuế sẽ cho nghi vấn đối với thời điểm 2 công ty xuất hoá đơn với nhau. Việc cơ quan thuế sử dụng hệ thống hoá đơn điện tử để kiểm tra thì cơ quan thuế sẽ đặt dấu chấm hỏi việc mua bán này có thật hay không để xử lý. Đồng thời, Luật Thuế GTGT sửa đổi sắp tới sẽ xem xét đây là các trường hợp bị cấm.

Đáng chú ý, tại hội nghị, một số vướng mắc doanh nghiệp đặt ra, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã phân công lãnh đạo chi cục thuế phụ trách liên hệ trực tiếp doanh nghiệp sau hội nghị để giải quyết vấn đề.

Trước đó, Tổng cục Thuế cho biết thời gian qua dưới các tác động khó khăn từ dịch bệnh, ảnh hưởng kinh tế, đơn vị đã kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí và lệ phí. Mục đích hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp với giá trị hỗ trợ lớn và nhiều giải pháp chưa có tiền lệ.

Cụ thể, đơn vị tập trung vào các giải pháp về gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Tổng số miễn, giảm, gia hạn 9 tháng đầu năm 2024 khoảng 102.676 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem