Hàng Tết ngổn ngang nỗi lo

Thế Vĩnh Chủ nhật, ngày 29/12/2019 07:38 AM (GMT+7)
Tại miền Nam, hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm Tết Canh Tý 2020 số lượng dự trữ dồi dào, mẫu mã đa dạng, sức mua dự báo tiếp tục tăng. Tuy nhiên các cơ sở làm hàng Tết vẫn đau đáu nỗi lo cũ, sức mua hàng Tết sẽ tăng hay giảm và có thoát được cảnh đổ bỏ khi không có khách mua?
Bình luận 0

Tết Canh Tý sắp đến, guồng máy cung cấp hàng Tết của các địa phương tiếp tục tăng công suất, trong đó sản lượng hàng hóa tăng, nhiều mẫu mã mới ra đời và người tiêu dùng vẫn tiếp tục thói quen “ăn Tết lớn” với nhiều dự định mua sắm cận kề.     

Chuẩn bị… ăn Tết to

Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, giá cả các mặt hàng thiết yếu những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán dự kiến tăng khoảng 20% so với năm trước. Để phục vụ cho nhu cầu mua sắm của địa phương, tổng mức lưu chuyển hàng hóa trong tháng Tết sẽ tăng 10 - 15% so với các tháng trong năm, tổng giá trị hàng hóa dự trữ ước đạt khoảng 442 tỷ đồng. Theo bà Dung, xu hướng tiêu dùng Tết ngày càng tiết giảm chi tiêu. Người tiêu dùng tập trung mua sắm vào ngày cận Tết, với các loại lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ đủ nhu cầu.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM chia sẻ, để chuẩn bị nguồn hàng Tết Canh Tý, các doanh nghiệp đã chuẩn bị cung ứng cho 2 tháng Tết là 19.027,3 tỷ đồng, tăng 602,5 tỷ đồng so với Tết Kỷ Hợi, trong đó hàng hóa bình ổn thị trường là 7.244,9 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết, tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị là 10.224,5 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.088,5 tỷ đồng. Đối với mặt hàng hoa, Tết này dự kiến tiêu thụ 600.000 - 700.000 chậu mai, 250.000 - 300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành các loại hoa cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng... “Tết năm nay, TP.HCM dự kiến tiêu thụ khoảng 45 triệu lít bia và 50 triệu lít nước giải khát, tăng khoảng 30% so với bình quân các tháng trong năm. Các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, hạt, tiêu thụ khoảng 19.000 tấn. Các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi nguồn hàng dự trữ tăng từ 2 - 3 lần so với trước đây”, bà Trang nói.

img

Hàng Tết ngổn ngang nỗi lo

Ông Nguyễn Đình Thái, Giám đốc kinh doanh Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết, Vĩnh Thành Đạt sẽ cung cấp cho Tết Canh Tý khoảng 4,5 triệu quả trứng gia cầm/tháng và sẽ sẵn sàng tăng sản lượng 20% khi thị trường có nhu cầu. Hiện công ty này còn có hai mặt hàng trứng gia cầm cho thị trường Tết là trứng gà và trứng vịt Omega 3 + DHA. Ông Thái nói rằng, nhờ có hệ thống phân phối đã được xây dựng lâu năm, các sản phẩm mới của công ty được thị trường chấp nhận.

Nỗi lo hoa Tết ế

Nhu cầu mua sắm hàng Tết của người tiêu dùng ngày càng có xu hướng thích các loại hàng hóa đậm tính thơm thảo, hình dáng độc và lạ. Các loại thực phẩm thiếu yếu thường có lợi cho sức khỏe được chiết xuất từ nguyên liệu tự nhiên, không hóa chất. Các loại hoa, trái cây được trồng tỉa kỹ và Tết là dịp để các loại sản phẩm bung nở cạnh tranh nhau.

Theo Phòng Kinh tế TP. Sa Đéc (Đồng Tháp), Tết Canh Tý, với 620 ha đất chuyên canh hoa, làng hoa Sa Đéc sẽ cung cấp cho thị trường 2,5-3 triệu giỏ hoa các loại. Riêng Trung tâm Ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp sản xuất 400.000 cành hoa cảnh như: cúc, hoa chuông, dạ yến thảo trồng bằng mô nên chất lượng hoa đẹp hơn trồng bằng giống thường.

Năm nay làng hoa Đà Lạt canh tác 2.000 ha hoa các loại, trong đó 30% trồng bằng các loại giống mới nhập khẩu. Theo các nhà vườn trồng hoa ở Đà Lạt, người tiêu dùng trước đây thích các loại hoa chiết cành, năm nay khách hàng có xu hướng thích sử dụng hoa trồng bằng chậu, vừa rẻ vừa để được lâu hơn. Ở Long An và An Giang, nhiều nông dân chuyển qua trồng bắp “Nữ hoàng đỏ” trong chậu để bán Tết với giá từ 100.000- 120.000 đồng/chậu.

Tết năm 2018, ông Nguyễn Thái Tân (xã Gia Canh, Định Quán, Đồng Nai) trồng 1.000 chậu hoa hướng dương. Ông Tân “trúng mùa” vì bán hết hàng. Tết năm 2019, ông tăng sản lượng gấp 3 lần nhưng lỗ vốn vì “dội chợ”. Tết năm nay ông trồng hoa vạn thọ dù lãi ít nhưng mà chắc ăn. Đó là cách tính của ông Tân nhưng thị trường có thuận với phép tính của người nông dân này hay không thì không ai đoán được.

Cái khổ của người sản xuất hàng Tết, nhất là các “mặt hàng hoa” thường không thuận chiều. Một khi tính sai bài toán cung - cầu, nhà sản xuất cầm chắc thất bại. Đã nhiều năm, cứ chiều 29 và 30 Tết, nhiều chậu hoa đẹp đã bị chặt bỏ… 

(Theo Thế Giới Tiếp Thị)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem