Hàng trăm doanh nghiệp Singapore và nước ngoài hào hứng tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam
Hàng trăm doanh nghiệp Singapore và nước ngoài hào hứng tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam
V.N
Thứ sáu, ngày 07/07/2023 20:56 PM (GMT+7)
Diễn đàn Doanh nghiệp Khu vực Singapore (SRBF) lần thứ 7 diễn ra sáng nay 7/7 tại Hà Nội. Hơn 800 lãnh đạo doanh nghiệp, quan chức chính phủ cấp cao và nhà ngoại giao từ hơn 420 công ty và tổ chức của 32 quốc gia và nền kinh tế đã tham dự trực tiếp và trực tuyến.
Trong số đó gần 300 nhà lãnh đạo kinh doanh từ 20 nước đã có mặt trực tiếp tại Hà Nội, tham gia diễn đàn, đại diện cho hơn 150 công ty thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm dịch vụ chuyên nghiệp, vận tải & logistics, phát triển đô thị, đổi mới công nghệ và giáo dục. Đây là dịp để các bên kết nối, tìm hiểu cơ hội đầu tư, tìm hiểu
Sau 6 lần tổ chức tại Singapore, đây là lần đầu tiên SRBF được tổ chức tại một quốc gia khác và nó có ý nghĩa đặc biệt khi tổ chức tại Việt Nam, đúng dịpkỷ niệm lần thứ 50 thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, và lần thứ 10 thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Singapore.
"Điều này cho thấy các nhà lãnh đạo kinh doanh này tới đây vừa mong muốn củng cố sự có mặt của doanh nghiệp họ ở Việt Nam, hoặc nắm bắt những cơ hội mới thông qua Việt Nam và hợp tác với Singapore" – ông Lim Ming Yang, chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Singapore, đơn vị tổ chức sự kiện cho biết.
Tham dự lễ khai mạc diễn đàn sáng nay, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ mong muốn Diễn đàn sẽ là cơ hội để các bên cùng nhau đi sâu trao đổi, đề xuất và khởi tạo những ý tưởng mới, cơ hội mới về đầu tư kinh doanh trong giai đoạn phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch, góp phần đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước nói riêng, với khu vực và thế giới nói chung ngày càng gắn kết và thành công hơn nữa.
Trước hàng trăm doanh nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cam kết của Chính phủViệt Namvề nỗ lực tạo lập môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp hai nước cùng hợp tác kinh doanh thuận lợi, hướng đến các chuẩn mực của OECD. Đó là: Giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao và thực thi minh bạch.
Chia sẻ với các doanh nghiệp về những xu hướng mới nổi tạo ra nhiều cơ hội cho khu vực, Bộ trưởng Nguồn nhân lực, Bộ trưởng Thứ hai Bộ Công thương nước Cộng hòa Singapore - Tiến sĩ Tan See Leng cho biết, đó chính là kinh tế số và kinh tế xanh.
Bộ trưởng cho biết, kinh tế số của Đông Nam Á dự kiến đạt 1 nghìn tỉ USD vào năm 2030. Tầng lớp trung lưu hiểu biết về kỹ thuật số với sức mua ngày càng tăng mang đến một thị trường đang phát triển cho các nhà bán lẻ và công ty thương mại điện tử. Số hóa cũng đang chuyển đổi các ngành công nghiệp, tạo điều kiện cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực hậu cần, tài chính, công nghệ sạch và công nghệ nông nghiệp.
Kinh tế xanh ở Đông Nam Á cũng có tiềm năng tương tự với các cơ hội kinh tế xanh ước tính trị giá 1 nghìn tỷ USD dự kiến sẽ được tạo ra vào năm 2030. 8 trong số 10 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Singapore và Việt Nam, đã cam kết thực hiện các mục tiêu phát thải ròng bằng không (net zero). Các công ty cũng đã bắt đầu áp dụng các sáng kiến kinh tế xanh để hỗ trợ các nỗ lực khử cacbon. Kể từ năm 2020, đầu tư tích lũy vào nền kinh tế xanh trong khu vực đạt 15 tỷ USD, tập trung vào môi trường xây dựng và năng lượng tái tạo.
Bộ trưởng nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi sang một khu vực net zero và có thể tương tác kỹ thuật số không phải là một quá trình đơn giản. Do đó cần có sự hợp tác giữa các chính phủ và doanh nghiệp và đây là cơ hội cho sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Singapore và Việt Nam.
Singapore là nhà đầu tư lớn thứ 2 ở Việt Nam (3.200 dự án và 73,4 tỷ USD vốn đăng ký). Các doanh nghiệp Singapore đã tham gia hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam và luôn triển khai các dự án đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao.
Các nhà đầu tư Việt Nam có gần 150 dự án ở Singapore với tổng mức đầu tư đăng ký gần 700 triệu USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hoạt động chuyên môn và khoa học công nghệ.
Về thương mại,Singapore tiếp tục là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trong khu vực với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 9,2 tỷ USD theo hướng ngày càng cân bằng hơn (tăng 11,6% so với năm 2021).
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm MInh Chính đến Singapore tháng 2/2023, hai bên đã ký MOU Đối tác Kinh tế Xanh - Số, có ý nghĩa làm sâu sắc hơn hợp tác hai bên.
Bộ trưởng Tan See Leng đề xuất 3 lĩnh vực mà hai bên có thể tăng cường hợp tác trong thập kỷ tới: 1, Đổi mới sáng tạo - hai nước nằm trong top 3 hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu Đông Nam Á, có mục tiêu chung là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua công nghệ và đổi mới; 2, Kết nối năng lượng - Singapore và Việt Nam chia sẻ tầm nhìn chung hướng tới đạt mục tiêu net zero vào năm 2050; 3, Phát triển bền vững - Singapore và VIệt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác về chứng chỉ carbon và có nhiều cơ hội cho hai bên từ thị trường carbon.
Trao đổi tại diễn đàn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng cho rằng doanh nghiệp hai bên cần tận dụng các cơ hội mới về chuyển đổi năng lượng, kết nối 2 nền kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực… mà Việt Nam rất cần. Ông cho rằng một thách thức lớn của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là có sự tách rời giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam khó có điều kiện vươn lên kết nối vào các chuỗi giá trị. "Làm sao có thể hợp tác, bổ sung cho nhau cả 2 bên cùng thắng để doanh nghiệp Việt Nam vươn lên, cùng doanh nhgiệp Singapore tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu" – Bộ trưởng nói.
Tại SRBF 7, các doanh nghiệp hai bên đã ký kết 12 Biên bản ghi nhớ (MOUs) về bền vững, số hóa, dịch vụ tài chính và phát triển nhân sự nhằm đẩy mạnh cơ hội hợp tác giữa Singapore và Việt Nam cũng như trong khu vực.
Song hành cùng sự kiện, SBF tổ chức đưa một phái đoàn kinh doanh đến Hà Nội, phái đoàn gồm 28 đại biểu đến từ 25 doanh nghiệp Singapore hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ kinh doanh, sản xuất, phong cách sống/tiêu dùng. Các đại biểu đã tích lũy thêm những kinh nghiệm quý báu về môi trường kinh doanh và những tinh hoa văn hóa của miền Bắc Việt Nam cũng như kết nối với các doanh nghiệp Singapore. Đoàn sẽ tiếp tục đi thăm các khu kinh tế trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh và được Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh giới thiệu về các cơ hội kinh doanh tiềm năng tại đây.
Ngoài ra, Hội đồng Công nghiệp Nội thất Singapore (SFIC) cũng dẫn đầu một phái đoàn gồm 20 lãnh đạo doanh nghiệp đến từ 15 công ty thành viên tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các công ty Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.