Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngay sau khi trở thành người hùng để giúp đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng trước Jordan, các phóng viên của tờ Soviet Sports (Nga) đã có cuộc trao đổi với thủ thành Đặng Văn Lâm - người mang trong mình hai dòng máu Nga - Việt.
Tưởng chừng như sự nghiệp của Lâm "Tây" đã kết thúc trong nước mắt khi anh trôi dạt khắp nơi mà không có nổi một bến đỗ ổn định, chàng trai ấy đã chiến đấu mạnh mẽ để khẳng định thực lực của bản thân với sự tự hào và niềm tin vô cùng lớn lao.
Đặng Văn Lâm từng vô địch giải bóng đá 8 người ở Nga, từng là thủ môn xuất sắc nhất tại giải VĐQG Lào. (Ảnh: I.T)
Theo Wikipedia, anh ấy tên là Đặng Văn Lâm, người Việt Nam. Nhưng chiếu theo quốc tịch trên trang định giá cầu thủ Transfermarkt, Đặng Văn Lâm lại sở hữu cả hai quốc tịch là Việt Nam lẫn Nga. Lev Shonovich Dang là tên mà Đặng Văn Lâm sử dụng tại xứ sở Bạch dương.
“Tôi là một người Nga, dòng máu Nga chảy trong tôi,” Văn Lâm nói khi kết thúc buổi phỏng vấn kéo dài 2 tiếng với Soviet Sports. Đây là buổi phỏng vấn diễn ra sau trận đấu mà Lâm - sau khi cản phá thành công một pha sút luân lưu của đối thủ Jordan - đã trở thành người hùng của ĐT Việt Nam, qua đó giúp đội bóng của Đông Nam Á tiến vào trận tứ kết lịch sử để đối đầu với Nhật Bản.
Từ năm 9 tuổi, Lâm đã học bóng đá tại học viện Spartak Moscow. Sau đó 5 năm, anh đã đi theo con đường của huyền thoại Lev Ivanovich Yashin - người cũng là cảm hứng để cho mẹ của Lâm đặt anh với cái tên Lev Shonovich Dang. Mẹ anh là nữ diễn viên người Nga, bố anh là vũ công ba-lê người Việt Nam.
Đặng Văn Lâm từng vô địch giải bóng đá 8 người ở Nga, từng là thủ môn xuất sắc nhất tại giải VĐQG Lào, một tháng trước anh là nhà vô địch Đông Nam Á và hiện giờ đang là thủ môn đắt giá nhất Việt Nam tính từ trước tới nay.
Tại sao anh là người nga, sinh ra ở Nga nhưng lại đang chơi cho đội tuyển Việt Nam?
- Tôi sinh ra ở Moscow. Mẹ tôi là người Nga và bố tôi là người Việt Nam. Mẹ tôi ngày xưa là diễn viên còn bố tôi là vũ công ballet. Họ gặp nhau khi học chung tại trường GITTIS. Thời điểm tôi gia nhập lò Spartak Moscow là khi tôi học lớp 2, khoảng 8 tuổi gì đó.
Tại sao lại là Spartak Moscow?
- Đó là học viện gần nhất. Tôi sống ở gần ga tàu điện ngầm Preobrazhenskaya Ploshchad, chỉ cần sang bên kia đường là sẽ đặt chân tới sân Almas (hiện tại là Netto). Tôi gia nhập khóa học viên 93 (tính theo năm sinh). Cầu thủ nổi tiếng nhất năm đó là Alexander Kozlov.
Ở học viện Spartak, tôi được tập luyện dưới sự hướng dẫn của Alexander Georgievich Yartsev. Nhưng sau đó thầy Yartsev lại chuyển tới học viện Dynamo Moscow.
Tại sao anh rời Spartak Moscow?
- Sau khi thầy cũ Yartsev ra đi, vị HLV mới Yevgeny Sidorov là người tiếp tục công việc dạy dỗ chúng tôi. Khi ấy, tôi đang phải chữa trị chấn thương, kh trở lại thì được gửi đến Krylya Sovetov theo dạng cho mượn. Một năm sau, tôi trở lại và lần đầu được tập luyện với HLV Sidorov.
Ông ấy đã tỏ ra rất ngạc nhiên với sự trở lại của tôi (lúc ấy tôi vẫn còn trẻ con và ngây thơ). Ông ấy bảo tôi thay quần áo để tập luyện. Sau buổi tập, Sidorov đưa tôi tới chỗ của HLV thủ môn Darwin.
Trời ơi, ông ta đã nói một câu mà làm tôi nhớ suốt đời: ”Cậu biết đấy Lev, hồi nhỏ tôi cũng từng ước mơ trở thành người thổi kèn harmonica, nhưng đã không thành công”. Câu nói ấy hàm ý rằng tôi không đủ khả năng để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.
Giờ thì mọi chuyện đã khác rồi?
- Đúng vậy. Nhưng thực sự, lúc ấy tôi rất bối rối. Tôi buộc phải chấp nhận và sau đó tôi cảm thấy đó như một câu nói xúc phạm tôi vậy. Tôi buồn bã, tự nhốt mình trong phòng 1 tuần liền. Sau đó, ông ta đến gặp bố mẹ tôi và thuyết phục tôi nên tìm kiếm một học viện bóng đá khác ở Moscow. Chúng tôi tìm kiếm theo bảng xếp hạng.
Theo thứ tự từ dưới lên trên. Đó là Dynamo Moscow?
- Vâng, họ đang đứng ở vị trí thứ 5. Ngày hôm sau chúng tôi đến Dynamo và thưa chuyện với HLV. Thật may là ông ấy đã nhận ra tôi và mời tôi tới học viện để tập luyện. Và tôi không biết gì về nơi đây và thậm chí còn chưa đưa ra được quyết định. Nhưng chỉ sau đó 1-2 ngày, tôi đã chính thức chuyển sang Dynamo Moscow.
Tại Dynamo Moscow, phải chăng họ rất vui khi có thêm một thủ môn tên Lev đến tập luyện?
- Tôi nghĩ là có. Đối với tôi thì đó là một vinh dự lớn. Ở cái nơi mà tôi đã quyết định gắn bó, Lev Ivanovich Yashin có mặt trên tất cả các áp phích. Đó là điều tôi rất thích ở học viện này. Lev Yashin chính là tên gọi của trung tâm đào tạo bóng đá mà Dynamo Moscow thành lập.
Anh đã từng đăng một tấm ảnh mình đội một chiếc mũ giống như Lev Yashin vào ngày sinh nhật của ông ấy. Có lẽ anh cũng không thể xem được nhiều trận đấu của ông ấy trong thời thơ ấu. Vậy ai là thần tượng của anh?
- Thực sự thì tôi không thích hai chữ thần tượng cho lắm.
Bức hình mà Văn Lâm đăng tải trên trang cá nhân vào ngày sinh nhật của thủ môn huyền thoại Lev Yasin. (Ảnh: Soviet Sports)
Vậy theo anh ai là thủ môn tốt nhất bây giờ?
- Lev Yashin là tấm gương cho các thủ môn trên toàn thế giới. Trong những năm gần đây, tôi thích Buffon và Casilas. Hiện giờ thì có rất nhiều thủ môn giỏi. Ta luôn có thể nhìn vào họ và ngưỡng mộ. Nhưng tôi không tôn sùng bất cứ cá nhân nào như thần tượng, họ giống như người đồng nghiệp giỏi mà tôi có thể nhìn vào để học hỏi.
Ai là thủ môn xuất sắc trên thế giới ở thời điểm hiện tại?
- Tôi nghĩ là De Gea. Ngoài ra, Courtois cũng rất xuất sắc.
Và ai là thủ môn xuất sắc nhất ở Nga? Igor Akinfeev?
- Tất nhiên là Akinfeev - đó là điều dễ hiểu. Anh ấy là một tấm gương tiêu biểu cho mọi người, nhất là theo một góc nhìn khác khi tôi đã là thủ môn của ĐTQG Việt Nam. Tôi đã đọc bài phỏng vấn về anh ấy. Tâm lý vững vàng là điều tôi thích nhất Akinfeev. Tôi thực sự cảm nhận được tầm quan trọng của tâm lý khi mình phải gánh vác trọng trách bảo vệ khung thành cho ĐTQG.
Liệu thời điểm hiện tại có là quá sớm để anh ấy từ giã đội tuyển?
- Anh ấy đã thi đấu quá tuyệt vời cho dù gặp nhiều khó khăn và không ít chỉ trích. Nhất là tại World Cup 2014, Akinfeev đã mắc sai lầm nghiêm trọng trong trận gặp Hàn Quốc. Nhưng tôi thích cách mà anh ấy đối mặt với mọi việc, không bao giờ lùi bước.
Bây giờ, quyết định đã được anh ấy đưa ra. Tất nhiên, khi so sánh với Buffon thì 32 tuổi vẫn không là gì cả. Nhưng Akinfeev đã thấy được tiềm năng ở nhiều thủ môn trẻ và họ cần cơ hội để chứng tỏ. Ở Nga hiện tại, có lẽ Selikhov là thủ môn trẻ tốt nhất. Cậu ấy chỉ nhỏ hơn tôi 1 tuổi và tôi cũng từng quen cậu ấy từ hồi ở lò Spartak.
Hiện tại, chúng tôi vẫn liên lạc và trao đổi chuyên môn cùng nhau. Sau thời của Akinfeev, có lẽ Selikhov sẽ là người kế nhiệm tốt nhất vị trí thủ môn số 1 ĐT Nga.
Đã từng trải qua quãng thời gian cả ở Spartak và Dynamo, đâu là nơi mà anh cảm thấy yêu mến hơn?
- Spartak và Dynamo là hai đội bóng "không đội trời chung" với nhau, nhưng tôi luôn tôn trọng cả hai bên.
Tại sao anh không tiếp tục phát triển tại Dynamo Moscow? Tại sao bạn lại rời khỏi đó?
- Với Dynamo, mọi thứ đều rất tốt. Tôi đã có được vị trí người gác đền ở đội trẻ . Nhưng khi ấy, đội bóng lại có tới hai người đàn anh dày dạn kinh nghiệm. Thời gian tốt nghiệp học viện cũng sắp tới, tôi được thông báo rằng mình sẽ không được ký hợp đồng chuyên nghiệp. Và sự nghiệp của tôi tại Dynamo cũng khép lại.
Và anh ngay lập tức quay về Việt Nam?
- Tôi đã cố gắng níu kéo cơ hội tại Nga. Tôi hiểu rằng mình thực sự có thể chơi cho Dynamo. Nhưng mọi thứ không được suôn sẻ, tôi ngay lập tức nhờ bố mình tìm kiếm cơ hội chơi bóng tại Việt Nam. Chúng tôi đã liệt kê ra một loạt danh sách các đội bóng và lên lịch chuyến bay.
Bạn đã biết tiếng Việt trước đó hay đã từng tới Việt Nam chưa?
- Có chứ! Khi còn nhỏ, tôi đã từng trở về Việt Nam trong một vài kỳ nghỉ. Và tôi cũng biết tiếng Việt bởi khi ở nhà bố tôi luôn nói tiếng Việt với mọi người. Tôi biết cả hai thứ tiếng. Dù vậy, tôi không có đủ vốn từ vựng cần thiết và đã phải tiếp tục học đọc, học viết tiếng Việt kể từ khi trở về quê hương.
Xuất thân từ hai lò đào tạo Spartak và Dynamo, kết hợp với chiều cao 1m88, anh chắc hẳn không có vấn đề gì khi tìm kiếm một đội bóng?
- Cảm giác nó giống như khi tôi đang lái xe ở Việt Nam vậy. Tự tin thôi là chưa đủ, tôi còn cảm thấy mình hơi tự cao. Tôi nghĩ mình sẽ được chọn đội bóng theo ý muốn bản thân chứ không phải để đội bóng chọn mình. Tôi chỉ đơn giản là tìm kiếm đội bóng trên Internet mà muốn tôi chơi cho họ.
Liệu mọi việc có thuận lợi với anh?
- Đội đầu tiên tôi tìm đến nằm ở Thủ đô. Ở đó, tôi hỏi họ phòng thay đồ ở đâu. Họ chỉ tay tới cánh cửa ở trong góc. Tôi mở cửa và bên trong là... nhà vệ sinh. Tôi phải thay đồ ở trong nhà vệ sinh! Tôi thực sự cảm thấy sốc.
So với những gì ở Nga, đây là một điều quá kinh khủng. Sau một thời gian, tôi cảm thấy đây là nơi tôi không thuộc về. Thêm một, hai CLB tại Hà Nội, tôi đã quyết định bay vào Sài Gòn. Tôi tìm đến thêm một đội bóng nhưng câu chuyện vẫn vậy. Cuối cùng, sau những nỗ lực, chúng tôi tìm thấy một CLB có tên Hoàng Anh Gia Lai.
Họ có mối quan hệ hợp tác với đội bóng nước Anh - Arsenal. Điều kiện sân bãi, cơ sở vật chất của họ rất tuyệt. Tôi đã tin chắc rằng, đây sẽ là nơi chắp cánh cho câu chuyện cổ tích của mình vì khi chỉ mới 18 tuổi, tôi đã được tập luyện cùng đội một...
Văn Lâm hồi mới 18 tuổi đã gia nhập HAGL. (Ảnh: Soviet Sports)
Nhưng rồi...?
- Mùa giải đầu tiên, tôi chỉ được tập luyện mà không hề được thi đấu. Năm sau cũng vậy, tôi vẫn không được thi đấu. Tôi được gọi vào ĐT U19 Việt Nam, nhưng ở CLB, tôi vẫn không thể được ra sân.
Điều gì đã xảy ra?
- Có lẽ là do tâm lý. Có sự khác việt văn hóa lớn giữa Nga và Việt Nam
Anh có thể chia sẻ kỹ hơn không?
- Đầu tiên, tiếng Việt của tôi không được tốt lắm. Thứ hai, tôi tới đây và cư xử như một người Nga chính hiệu - một người đến từ nền giáo dục khác hẳn. Tôi như kẻ dị biệt. Họ lập tức không thích tôi, họ không thích gã người Nga.
Vì sao anh lại gặp khó khăn với các đồng đội cũng như ban huấn luyện như vậy? Điều đó ảnh hưởng gì đến anh?
Tôi có thể hiểu rằng, ở các vị trí khác sẽ không thể thi đấu tốt nếu như bạn không có được sự gắn kết cần thiết với đồng đội. Nhưng với thủ môn, người được chú ý đến nhờ khả năng bắt bóng, thì cũng như vậy?
Tôi không chỉ bị đồng đội không ưa mà cả HLV cũng vậy. Họ không đưa tôi vào đội hình chính. Trong một năm rưỡi đầu tiên, tôi rất may mắn khi được làm việc cùng một HLV người Thái. Ông ấy chẳng hề quan tâm tôi tới từ đầu và tôi nói thứ ngôn ngữ gì nhưng chúng tôi lại làm việc với nhau rất ăn ý.
Ông ấy thấy tôi có những điểm cộng mà thủ môn người Việt không có. Làm việc cùng ông ấy nhưng lại không được thi đấu, tôi cũng không thể phát triển được gì. Cho dù chúng tôi tập luyện với nhau 3 buổi/ ngày.
Sao lại không phát triển chứ...
- Ở châu Á nói chung, cầu thủ được tập luyện rất nhiều. Họ thậm chí có thể tập luyện tới 4 buổi trong 1 ngày. Họ dậy vào lúc 6h sáng và tập thể dục. 8h sẽ là giờ tập luyện cản đội. Buổi chiều, 15h lại tập cả đội. Cuối cùng, 18h sẽ tập luyện trong phòng gym. Người châu Á rất chăm chỉ, nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó.
Thậm chí bạn có tập luyện 10 buổi trong 1 ngày đi nữa, điều đó cũng không có nghĩa rằng bạn sẽ có thể trở thành cầu thủ giỏi.
Vậy là ngay từ đầu họ đã không ưa anh ư?
- Phải. Có một ví dụ như này. Tại Nga, ngay cả ở môn bóng đá ở trường học, bạn có thể tranh luận với HLV về quan điểm của bản thân, giải thích cho họ biết rằng tại sao bạn lại làm như thế. HLV sẽ lắng nghe và tìm ra hướng giải quyết để cho bạn tốt lên.
Nhưng ở châu Á, mọi thứ là khác biệt. HLV luôn luôn đúng và bạn đừng nên tranh luận bất cứ điều gì với họ. Họ nhiều tuổi hơn thì nghĩa là họ có chuyên môn tốt hơn. Tốt nhất là bạn nên cúi mặt và gật đầu khi HLV chỉ bảo. Điều này xảy ra trong tất cả mọi tình huống.
Tôi đã không hiểu điều này trước đây và tôi đã đã tranh luận với HLV. Tại Việt Nam, đó bị coi là hành động kiêu ngạo. Nó cứ dồn nén, tích tục dần trong 3 năm và họ quyết định đẩy tôi sang Lào.
Việt Nam là như thế sao? Tôi đang tưởng tượng đến mặt tối này ở Việt Nam... Vậy còn bóng đá tại Lào?
- Anh không thể tưởng tượng được đâu. Nó rất kinh khủng. Nhưng tôi không hề cảm thấy hối tiếc khi trải qua quãng thời gian đó. Nó giống như cuộc sống của một ai đó trong quân đội, hoặc thậm chí là ai đó phải sống trong nhà tù. Tôi đã có một thời gian cực kỳ thử thách tại Lào nhưng tôi cảm thấy nó rất đáng quý.
Hãy kể cho tôi về những trận đấu ở Lào...
- Ok, không vấn đề gì. Anh hiểu rằng nhiệt độ ở Việt Nam nóng như thế nào thì ở Lào, nó còn nóng khủng khiếp hơn rất nhiều. Khi mà dự báo thời tiết thông báo sẽ có gió Lào, điều đó có nghĩa là ta không nên ra khỏi nhà vào ngày hôm đấy.
Tôi sống ở Thủ đô Lào. Đội chúng tôi có một chiếc xe buýt. Nó chở chúng tôi đi tập hàng ngày và ở mỗi trận đấu. Chiếc xe ấy rất hay... dở chứng. Nó không thể khởi động và cả đội phải đẩy xe tầm 10-20m để cho tài xế có thể khởi động động cơ. Trên xe, điều hòa không có, trong khi bên ngoài trời thì như đổ lửa. Chúng tôi phải dội nước vào ghế ngồi để không bị bỏng khi ngồi lên chiếc xe ấy.
Đặng Văn Lâm trong đội hình của Hoang Anh Attapeu năm 2013. (Ảnh: Soviet Sports)
Đó có phải là đội bóng chơi ở giải đấu cao nhất?
- Đúng, đó là giải đấu cao nhất tại Lào. Đó cũng là mùa giải đầu tiên mà các CLB được phép sử dụng cầu thủ ngoại. Và tôi chính là người đầu tiên đến đó.
Thỉnh thoảng, trên sân cách vài mét về phía khung thành lại có một... bãi phân to đùng! Rõ ràng sân bóng ở Lào không chỉ dành riêng cho bóng đá, nó còn là chỗ để chăn nuôi gia súc, trâu, bò… Ở đây đó là điều bình thường, họ vừa được cắt cỏ mà lại còn thu được phân chuồng. |
CLB chúng tôi cũng không có HLV thủ môn. Tôi với tư cách là người có nhiều kinh nghiệm nhất đã trực tiếp huấn luyện đồng đội của mình. Một vài người thậm chí chỉ nhìn thấy quả bóng lần đầu tiên trong đời. Một ngày nọ, chúng tôi phát hiện ra một khoảng sân chứa đầy nước.
Mọi người quyết định tập luyện ở chỗ vũng nước đó. Họ bay, ngã, lăn xả và lấm lem bùn đất. Cuối buổi tập, HLV trưởng tới và hỏi: “Các cậu đang tập luyện cái quái gì ở chỗ này vậy? Đây là chỗ người ta tắm cho bò mà!”. Đó là lý do tại sao chỗ này lại có nhiều nước như vậy. Và chúng tôi đã cười sặc sụa. (cười lớn)
Và bây giờ, chẳng gì có thể làm bạn ngạc nhiên?
- Đúng vậy! Thức ăn bên đó cũng không ổn lắm. 2 tháng đầu tiên chúng tôi phải sống trong những căn phòng không có điều hòa. Quả thực giống như trong môi trường quân đội vậy. Nhưng đội bóng đã giành được ngôi Á quân giải năm đó. Còn cá nhân tôi đã trở thành thủ môn xuất sắc nhất tại Lào. Đó cũng là mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên trong sự nghiệp của tôi!
(Còn nữa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.