Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ở tuổi 28, tiền đạo Nguyễn Công Phượng đã có đến 4 lần ra nước ngoài thi đấu. Anh từng khoác áo Mito Hollyhock (J2-League, 2016), Incheon United (K-League, 2019), Sint-Truidense (vô địch quốc gia Bỉ, 2019). Hiện tại, cầu thủ quê Nghệ An đã chuyển đến Yokohama FC - đội bóng vừa thăng hạng và sẽ tranh tài ở Giải Hạng nhất Nhật Bản (J1-League) mùa giải 2023.
Việc từng có thời gian tập luyện và thi đấu tại Nhật Bản được xem là một lợi thế với chân sút sinh năm 1995. Anh sẽ không bị "sốc" văn hóa, lạc lõng và mất nhiều thời gian để làm quen với môi trường bóng đá Nhật Bản. Thuận lợi là vậy nhưng khó khăn cũng sẽ không hề nhỏ với Công Phượng. Sự cạnh tranh ở Giải Hạng nhì Nhật Bản khi anh khoác áo Mito Hollyhock rõ ràng không thể so sánh với Giải Vô địch quốc gia J1 League, nơi Phượng cùng các đồng đội ở Yokohama sẽ có màn ra mắt lúc 12 giờ ngày 18/2 với cuộc đụng độ Nagoya Grampus.
Công Phượng tập luyện trong màu áo Yokohama FC để chuẩn bị cho J1-League 2023. Ảnh: FBNV
Giới chuyên môn bóng đá trong nước đã có nhiều nhận định về hành trình đến Nhật Bản lần này của Công Phượng. Nhà báo Huỳnh Sang cho biết: "Giải Vô địch quốc gia Nhật Bản có chất lượng rất cao. Nhiều cầu thủ giỏi của nước họ sau quãng thời gian thi đấu ở châu Âu, khi trở lại giải quốc nội còn gặp nhiều khó khăn để tìm một chỗ đứng. Qua đó, có thể thấy sự cạnh tranh ở đấu trường J1-League là vô cùng khắc nghiệt. Vì thế, hành trình sắp tới của Công Phượng đầy gian nan và thử thách".
Nhận định trên là có cơ sở, bởi J1-League được xem là một trong những giải đấu uy tín và có trình độ thuộc tốp đầu châu Á. Danh tiếng của đấu trường này đã thu hút không ít danh thủ bóng đá thế giới gia nhập khi ở tuổi "xế chiều". Hiện tại là trường hợp của cựu sao Barcelona - Andres Iniesta đang khoác áo Vissel Kobe. Trước đó, một số tên tuổi khác từng chơi bóng tại đây như: Zico (Kashima Antlers, 1991-1994), Gary Lineker (Nagoya Grampus, 1992-1994), Michael Laudrup (Vissel Kobe, 1996-1997)…
Trong màu áo Yokohama FC mùa này, Công Phượng còn có thể chạm mặt ngôi sao hàng đầu của bóng đá Thái Lan - Chanathip Songkrasin (Kawasaki Frontale). Nhưng trước tiên, cầu thủ quê Nghệ An phải tìm được một chỗ đứng vững chắc rồi mới có thể nghĩ đến những mục tiêu xa hơn. Để giành lấy cơ hội ra sân trên hàng công Yokohama FC, Công Phượng phải cạnh tranh với "vua phá lưới" J2-League mùa trước - Koki Ogawa và 3 ngoại binh người Brazil: Caprini, Mineiro, Marcelo Ryan. Đó sẽ là thách thức không đơn giản với tiền đạo người Việt.
Một ngôi sao khác của "lò" HAGL là Nguyễn Văn Toàn cũng đang dấn thân vào hành trình xuất ngoại. Nhưng khác với người đồng đội cũ, Văn Toàn chưa từng có kinh nghiệm thi đấu ở nước ngoài. Thậm chí, sau khi trưởng thành ở Học viện HAGL - Arsenal JMG, cầu thủ quê Hải Dương này chỉ chơi bóng cho đội bóng phố núi. Vì thế, việc chuyển đến khoác áo CLB Seoul E-Land của Hàn Quốc là bước ngoặt rất lớn trong sự nghiệp của Văn Toàn.
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương thể hiện sự lạc quan khi nói về trường hợp của chân sút 26 tuổi: "Văn Toàn đang ở giai đoạn chín muồi của sự nghiệp. Việc cầu thủ này tìm kiếm hướng đi mới là điều dễ hiểu. Về thách thức mới tại Hàn Quốc, khó khăn là không thể tránh khỏi nhưng tôi tin Văn Toàn có thể thích ứng. So với sự cạnh tranh khốc liệt ở Nhật Bản mà Công Phượng đối mặt, cơ hội của Văn Toàn ở Giải Hạng nhì Hàn Quốc là rất có hy vọng".
Di chuyển đến Seoul vào ngày 5/2 vừa qua, cầu thủ quê Hải Dương nhanh chóng hoàn tất các thủ tục kiểm tra y tế để hội quân cùng toàn đội. Theo chia sẻ từ Văn Toàn, đội bóng của anh sẽ có chuyến tập huấn dài 3 tuần ở Busan để chuẩn bị cho mùa bóng mới.
Vào lúc 14 giờ ngày 1/3 (giờ Việt Nam), Seoul E-Land sẽ có trận ra quân tại K-League 2 năm nay (gặp Chungbuk Cheongju). Hy vọng trận đấu này cũng sẽ chứng kiến màn ra mắt của Văn Toàn trên sân cỏ xứ kim chi.
Bản hợp đồng ký với CLB Yokohama lần này của Công Phượng là chuyển nhượng chính thức, không phải dạng hợp đồng cho mượn như 3 lần xuất ngoại trước. Thời điểm này, Công Phượng cũng đã trưởng thành hơn rất nhiều, so với lúc "chân ướt chân ráo" cập bến Mito Hollyhock cách đây 7 năm.
Không có được trải nghiệm ở nhiều môi trường khác nhau như Công Phượng, có thể xem là bất lợi với chân sút sinh năm 1996. Vì vậy, Văn Toàn phải mất không ít thời gian để hòa nhập môi trường bóng đá xứ kim chi. Song thách thức thường vẫn đi kèm với cơ hội, thử sức ở Giải Hạng nhì Hàn Quốc (K-League 2) được cho là phù hợp với Văn Toàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.