Phiêu lưu đến… đáng sợ
Parkuor được trình diễn hoàn toàn trên đường phố và “thiết bị” của môn thể thao này chỉ là một chiếc ván trượt. Các “nghệ sĩ Parkuor” tận dụng luôn địa thế xung quanh làm “sân” để thể hiện khả năng. Địa thế càng hiểm trở thì càng tạo hứng thú chinh phục và là nơi để các bạn trẻ thể hiện tài nhào lộn.
Các đồng đội chăm chú theo dõi và ghi hình động tác kỹ thuật của Xirui. Ảnh: Tuệ Minh
Nhìn từ xa lại, nhiều người dễ tưởng nhầm nhóm của Xirui – sinh viên Trường Cao đẳng Nghệ thuật Lassale giống như một nhóm nhạc hip hop với những động tác hình thể rất điêu luyện. Nhưng sau một thời gian “khởi động”, họ liên tiếp thực hiện những động tác mạo hiểm cùng với ván trượt khiến nhiều khách du lịch đứng xem phải mắt tròn mắt dẹt vì lo cho họ.
Cuồng nhiệt theo những tiếng vỗ tay cổ vũ, Xirui với sức bật đáng nể bật nhảy cao tới gần 2m, từ dưới mặt đất (đường hầm) biểu diễn lên tới mặt đường chính bên trên, rồi lộn santo đẹp mắt trở lại vị trí cũ: “Chúng tôi muốn có một môn thể thao mang tính trình diễn của riêng mình. Đó là sự kết hợp giữa ván trượt với những động tác mạnh mẽ, quyết đoán của thể dục dụng cụ và cả sự sôi động uyển chuyển của hip hop nữa. Chúng tôi gọi đó là Parkuor”.
Mải miết đứng xem biểu diễn Parkuor, khi được tôi đặt câu hỏi về cảm nhận khi chứng kiến những động tác táo bạo mà có phần nguy hiểm của nhóm bạn trẻ, anh Ryan Wilkinson – du khách người Australia lắc đầu nói: “Bản thân tôi cũng rất ưa thích những môn thể thao mạnh như lướt ván, nhảy dù, leo núi, trượt tuyết… Nhưng chơi như các bạn trẻ ở đây thì mạo hiểm quá! Tôi không biết họ đã bị những chấn thương như thế nào khi tập luyện”.
Parkuor sẽ vào SEA Games?
Thực tế, những động tác quá nhanh, bất ngờ chẳng biết đường nào mà lần- lúc thì là vũ đạo mềm mại, lúc lại bật nhảy xoay vòng mạnh mẽ táo bạo của Xirui cùng đồng đội khiến nhiều người chủ động ghi hình cũng không thể bắt kịp các pha bay người tuyệt đẹp trên không. Xirui cho hay: “Tôi đam mê võ thuật từ nhỏ và cũng từng muốn trở thành một vận động viên wushu chuyên nghiệp. Nhưng cha mẹ tôi muốn tôi học đại học với hy vọng một tương lai tốt hơn. Nhưng tôi muốn cùng với những người bạn của mình chơi một môn thể thao của riêng”.
Hỏi Xirui xem cậu ta và nhóm bạn có mê bóng đá không thì nhận được câu trả lời: “Có chứ! Ở trong trường học chúng tôi vẫn chơi bóng đá nhưng chỉ có ý nghĩa như một môn hỗ trợ thêm về sự linh hoạt, để chúng tôi có thể chơi Parkuor tốt hơn mà thôi. Ở Singapore, mỗi học sinh đều được lựa chọn các môn thể thao trong nhà trường để chuyên sâu. Những môn thể thao được ưa chuộng là bóng rổ, bóng bàn, đấu kiếm, bơi lội… Riêng nhóm chúng tôi chỉ đam mê Parkuor”.
Lúc này, Parkuor vẫn đơn thuần là một môn thể thao để các bạn trẻ Singapore thể hiện tài năng, cá tính của mình, đồng thời rèn luyện một thể chất khỏe khoắn. Nhưng trong tương lai, khi Parkuor phát triển rộng khắp như một môn thể thao truyền thống của Singapore, thì việc nó được đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games cũng chẳng có gì lạ: “Tôi được biết ở SEA Games 2013, chủ nhà Myanmar đã đưa môn thể thao truyền thống của họ là Chinlone (nghệ thuật tâng cầu mây) vào chương trình thi đấu. Bản thân tôi thấy môn thể thao này cũng thú vị vì sự khéo léo, tinh tế. Và biết đâu có ngày, Parkuor trở thành một môn thể thao SEA Games” - Jy, đồng đội của Xirui cười tươi nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.