Chiều 16.9, ông Ngô Ngọc Sinh-Chánh Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu các địa phương kiểm tra, thống kê thiệt hại và sớm báo cáo về UBND tỉnh để có hướng xử lý khắc phục. Do sự việc vừa xảy ra, UBND tỉnh vẫn chưa nhận được báo cáo từ các địa phương về số liệu thiệt hại.
Trao đổi qua điện thoại, ông Mai Tấn Lợi-Chánh Văn phòng UBND huyện Đắk Đoa cho biết, huyện đã giao cho Phòng Nông nghiệp khảo sát thiệt hại để có hướng khắc phục hỗ trợ. Riêng các hộ cây bị ngã đổ có thể dựng lên thì sẽ cho cán bộ cùng dân khắc phục.
Theo thống kê sơ bộ, đã có hơn 5 nghìn trụ tiêu ở huyện Đắk Đoa bị tổn thất nặng nề do mưa kèm lốc xoáy. Tại xã Đắk Krong có 12 hộ bị thiệt hại nặng, tập trung chủ yếu ở thôn Đê Thung với hơn 3 nghìn trụ bị gãy đổ (trong đó, có 2 nghìn trụ tiêu kinh doanh). Tại xã Đắk Sơ Mei, có 12 hộ bị thiệt hại do lốc xoáy làm gãy đổ nhiều diện tích hồ tiêu và cây hoa màu. Riêng cây hồ tiêu có 7 hộ bị thiệt hại với hơn 2 nghìn trụ.
Vườn hồ tiêu ông Hải đổ rạp do lốc xoáy.
Ảnh hưởng của bão số 10, lốc xoáy quét qua nhiều địa phương tại các xã Đắk Krong, Đắk Sơ Mei… khiến nhiều khu vườn xơ xác, tiêu điều. Trong phút chốc, những trụ hồ tiêu trĩu quả bị quật ngã chỏng chơ, lộ cả gốc rễ. Ông Dương Thanh Hải (thôn Đê Thung, xã Đắk Krong) vừa nhìn vườn tiêu vừa buồn bã nói: “Vườn tiêu tôi 500 trụ bắt đầu vào mùa kinh doanh, dự tính thu năm này không dưới 400 triệu đồng, nay lại bị lốc quét qua không còn một cây đứng vững. Giờ tôi chỉ biết cố gắng dựng lại trụ, cứu được cây nào thì hay cây đó chứ không biết làm cách nào hơn. Nhiều cây bị đứt cả gốc, có cây lộ rễ… không sớm thì muộn cây cũng chết do nhiễm bệnh”.
Người dân tập trung dựng lại vườn tiêu.
Cách vườn ông Hải không xa, vườn chị Nguyễn Thị Thơm với hơn 2 nghìn cây bị lốc quét rơi rụng gần hết. Chị Thơm nói: “Hơn 70% vườn tiêu bị hư hại gần hết. 1.200 trụ bị ngã đỗ khó có khả năng phục hồi. Mấy hôm nay, gia đình chi hơn 100 triệu đồng thuê công, mua trụ chống các cây tiêu bị ngã. Vườn tiêu này tôi đầu tư hơn 1 tỷ đồng, chuẩn bị cho mùa thu tới nhưng giờ tiêu như này, cố gắng nuôi cây không bị chết đã là may, còn trái rụng hết còn đâu mà thu nữa”.
Tại xã Đắk Sơ Mei, không chỉ hồ tiêu bị ngã mà nhiều diện tích lúa, chanh dây cũng bị lốc cuốn phăng. Ông Nguyễn Xuân Cất Đứng (trú thôn 17, xã Đắk Sơ Mei) ngậm ngùi: “Vườn tôi có 700 trụ tiêu bắt đầu phủ trụ, trồng kèm 200 gốc chanh dây mới thu có 2 đợt. Chỉ trong một buổi chiều, cả vườn cây ngã rạp hết cả. Cả nhà đang tranh thủ đỡ, chống các gốc cây tiêu lên mong cứu được, còn chanh dây đành vứt bỏ. Nhìn xót của lắm, tính ra hơn 70 triệu đồng coi như mất trắng".
Ông Hải lo lắng cây tiêu sau ngã đổ sẽ nhiễm bệnh chết.
Anh Nguyễn Cao Thuấn-Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Sơ Mei cho biết: "Xã đã báo cáo lên huyện chờ hướng xử lý. Trước mắt, xã huy động lực lượng dân quân, thanh niên giúp bà con dựng lại các vườn tiêu bị ngã đổ. Riêng đối với số vườn tiêu bị vùi lấp thì cho người đắp lại bờ, tránh thiệt hại thêm".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.