Sau khi thất bại ở đại lục phải chạy ra Đài Loan, để củng cố và duy trì địa vị thống trị của mình, vào năm 1954, Tưởng Giới Thạch đã quyết định thành lập một tổ chức đặc vụ bí mật có tên là “Đội vệ binh bí mật Hồng Môn”.
Các thành viên của tổ chức này toàn bộ đều là thành viên của Hồng Môn Hội, đồng thời nó không thuộc bất cứ cơ quan hành chính hoặc quân sự nào...
Tưởng Giới Thạch biết rằng, trong 10 năm tới, nếu muốn đánh bại tất cả các đối thủ chính trị, có thể giữ được quyền lực và địa vị trong tương lai thì phải có trong tay hai món “pháp bảo” là quân đội và đặc vụ.
Tưởng Giới Thạch là người thấm thía hơn ai hết uy lực vô hình của công tác đặc vụ. Nó thậm chí còn mạnh hơn cả lực lượng hữu hình của quân đội. Vào thời điểm Quốc dân Đảng thất bại tại đại lục, những người quyết kháng cự tới cùng phần lớn là các nhân viên đặc vụ.
Điều này chứng minh sự trung thành của các nhân viên đặc vụ này đối với Tưởng Giới Thạch. Do vậy, Tưởng Giới Thạch đặc biệt coi trọng công tác đặc vụ. Cũng vì thế, sau khi cha con Tưởng Giới Thạch chạy ra Đài Loan đã quyết định toàn lực phát triển mạng lưới đặc vụ tại Đài Loan.
Ngày 20.8.1949, Tưởng Giới Thạch thành lập “Ủy ban hành động chính trị” tại Viên Sơn, Đài Bắc. Nhiệm vụ cơ bản cửa cơ quan này chính là: “Thống nhất tất cả cơ quan tình báo, đồng thời tăng cường các hoạt động tình báo”.
Tưởng Giới Thạch đích thân chỉ định Tưởng Kinh Quốc, Trịnh Giới Dân, Mao Nhân Phượng, Diệp Tú Phong, Bành Mạnh Tập làm ủy viên.
Sau khi Tưởng Giới Thạch trở lại ghế tổng thống, lại ra lệnh thành lập “Ủy ban công tác tình báo Đài Loan” do Bành Mạnh Tập làm chủ nhiệm. Cơ quan này có nhiệm vụ điều phối chỉ huy các cơ quan tình báo đặc vụ của Quốc dân Đảng.
Tưởng Giới Thạch khi về già.
Tưởng Giới Thạch khi về già. Lúc này, Ủy ban hành động chính trị thành lập năm 1949 đã được đổi thành “Phòng tư liệu phủ Tổng thống”, do Tưởng Kinh Quốc, con trai Tưởng Giới Thạch đích thân làm chủ nhiệm, tiếp quản cả Ủy ban công tác tình báo Đài Loan.
Từ đó, Tưởng Giới Thạch nắm được quyền điều khiển toàn bộ các cơ quan tình báo của lực lượng thống trị ở Đài Loan, bao gồm từ cục điều tra Bộ Tư pháp cho tới Cục tình báo Bộ Quốc phòng và Cục tình báo quân sự.
Con trai làm “ông trùm” của các tổ chức đặc vụ, đáng ra, Tưởng Giới Thạch đã có thể gối cao đầu mà ngủ ngon. Tuy nhiên, sau khi rút chạy ra Đài Loan, sự đa nghi của Tưởng Giới Thạch ngày càng lớn.
Tưởng thậm chí còn không tin tưởng cả những “đặc vụ của nhà họ Tưởng” vốn coi ông ta như bậc thánh sống, chí cao vô thượng. Vì thế, vào năm 1954, Tưởng Giới Thạch lại tiếp tục thành lập một tổ chức đặc vụ bí mật, với các thành viên đều thuộc tổ chức Hồng Môn Hội, không thuộc bất cứ cơ quan hành chính hoặc quân sự nào: Đội vệ binh bí mật Hồng Môn.
Hồng Môn là một tổ chức bí mật có quy mô lớn nhất, tổ chức kiện toàn nhất trong xã hội Trung Quốc thời cận đại. Từ khi được thành lập cho tới đầu thời dân quốc, Hồng Môn luôn là một “tổ chức quần chúng”, thậm chí có thể nói là những người kế thừa các cuộc khởi nghĩa nông dân.
Tuy nhiên, sau khi Chính phủ Quốc dân Đảng chạy ra Đài Loan, Hồng Môn nhanh chóng trở thành một tổ chức cực hữu.
Theo tiết lộ của những người trong cuộc lúc bấy giờ thì đội vệ binh bí mật này của Tưởng Giới Thạch được thành lập một cách hết sức bí mật. Không chỉ những người đứng đầu các cơ quan nhà nước và quân đội không biết mà ngay cả các những người phụ trách việc bảo vệ cho Tưởng Giới Thạch cũng không hề hay biết.
Người tiết lộ thông tin đã nói rằng: “Trước khi Tưởng Giới Thạch qua đời, cái gì chúng tôi cũng không được phép nói. Đến nay đã khác rồi, chúng tôi đã có thể nói rồi”. Theo lời kể của người này thì đội vệ binh bí mật này do em trai của “Bộ trưởng Quốc phòng” Hoàng Kiệt – Hoàng Chấn phụ trách.
Hoàng Kiệt là một người “có thân phận” trong tổ chức Hồng Môn. Dựa vào địa vị này, Hoàng đã lựa chọn từ các chi nhánh của Hồng Môn hơn 200 người không có gia đình, tuyệt đối trung thành với lãnh tụ và đặc biệt đều là những người khỏe mạnh và giỏi võ nghệ tập hợp thành đội đặc vụ bí mật phục vụ Tưởng Giới Thạch.
Phụ trách huấn luyện tổ chức đặc vụ bí mật này là một vị tướng quân đã về hưu họ Phó. Đội đặc vụ này ngoài việc luyện tập thể lực và các kỹ năng cơ bản, mỗi người còn có một ngón nghề giang hồ cực kỳ đặc biệt, từ khí công, đánh bạc cho tới hạ độc…
Người ta nói rằng, hiện nay tại Đài Bắc vẫn còn “tập đoàn” Mạt chược do hơn 30 người thuộc tổ chức Hồng Môn thành lập. Trong số 30 người này, có một bộ phận chính là những thành viên thuộc Đội đặc vụ bí mật Hồng Môn của Tưởng Giới Thạch khi xưa.
Những người này dù mỗi người được rèn luyện một kỹ năng độc đáo riêng, nhưng tất cả đều phải trải qua một quá trình rèn luyện rất khắc khổ. Ngoài việc luyện tập thể lực họ còn phải học tập “chính trị” để triệt để trung thành với Tưởng Giới Thạch.
Sau khoảng hơn một năm “đào tạo”, hơn 200 người của Đội đặc vụ bí mật Hồng Môn được chia làm 4 nhóm, phân công canh giữ các tòa nhà Thảo Sơn, Hoa Hạ, Sỹ Lâm của Tưởng Giới Thạch và tòa nhà Thất Hải của Tưởng Kinh Quốc, con trai Tưởng.
Thường ngày, họ mang theo một khẩu súng trong người rồi đi khắp phố phường để “thị sát”. Mặc dù họ không tổ chức theo một biên chế chính thức nào, thường ngày có thể đi lại thoải mái, không bị ràng buộc, tuy nhiên, cứ mỗi nhóm 50 người như vậy cũng được tổ chức quy củ.
Mỗi nhóm có 2 người đứng đầu, một văn, một võ chịu trách nhiệm chỉ huy, 48 người còn lại cứ ba người một nhóm, chia nhau thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Người ta nói rằng, trong nhóm đặc vụ làm nhiệm vụ tại tòa nhà Sỹ Lâm của Tưởng Giới Thạch, người phụ trách phần văn thư tên là Hoàng Chính là một người rất giỏi về phong thủy ngũ hành. Người phụ trách phần võ lại là một người họ Tạ.
Những người gặp qua họ Tạ đều nói, ngón tay của họ Tạ cho tới nay vẫn không thể thẳng ra một cách bình thường được. Lý do là vì trước đây, họ Tạ đã luyện tập Ưng trảo công quá mức.
Trên thực tế, hệ thống nhân viên bảo vệ được biên chế chính thức của Tưởng Giới Thạch không hề ít, thậm chí có thể nói là “đông như kiến”.
Theo tiết lộ, trong thời đại của Tưởng Giới Thạch, đội vệ binh đặt gần tòa nhà Sỹ Lâm của Tưởng có quân số tương đương với 2 tiểu đoàn với các thành viên được tập hợp từ tất cả các binh chủng khác nhau, từ hải quân, lục quân cho tới không quân.
Đội quân này lại được Cục trưởng Cục tình báo Trịnh Giới Dân chỉ huy. Vì thế, có thể nói rằng, sự an toàn của Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan là điều chẳng có gì phải suy nghĩ. Vậy vì sao Tưởng Giới Thạch vẫn âm thầm cho thành lập Đội đặc vụ bí mật Hồng Môn?
Người ta nói rằng, điều này có liên quan đến bối cảnh Đài Loan lúc bấy giờ. Trong những năm 40 của thế kỷ XX, rất nhiều tướng lĩnh của Quốc dân Đảng đã đầu hàng, rời bỏ hàng ngũ. Ngay cả thủ lĩnh của hệ thống đặc vụ Quốc dân Đảng là Đới Lạp cũng bị chết trong tai nạn máy bay.
Vì thế, Tưởng Giới Thạch trước sau không thể yên tâm với quân đội được. Lại thêm, khi Tưởng mới tới Đài Loan, những người có tư tưởng chống đối Tưởng vẫn còn rất đông.
Theo tiết lộ của một cảnh vệ từng phục vụ Tưởng thì trong giai đoạn này, Tưởng Giới Thạch luôn trong tâm thế bất an và nghi ngờ tất cả mọi người. Tưởng Giới Thạch thường ngủ một mình trong một căn phòng riêng. Trước cửa phòng luôn có vệ binh canh gác.
Ở giữa Tưởng và người lính canh còn có một con chó rất dữ. Nó chỉ nghe lời hai người, một người là người huấn luyện và người còn lại chính là Tưởng Giới Thạch. Cẩn thận đến vậy rồi mà Tưởng vẫn chưa an tâm.
Dưới gối của Tưởng bao giờ cũng có một khẩu súng. Chỉ cần người lính canh bên ngoài cựa quậy một chút là bên trong Tưởng Giới Thạch đã vồ lấy khẩu súng quát lớn: “Có chuyện gì vậy?”.
Với tâm trạng luôn lo lắng và kinh hãi như vậy cũng không khó lý giải vì sao Tưởng Giới Thạch lại quyết định thành lập một đội đặc vụ bí mật để bảo vệ cho mình.
Sau khi Tưởng Giới Thạch qua đời không lâu, đội đặc vụ bí mật Hồng Môn vốn do Tưởng trực tiếp chỉ huy mất đi chỗ dựa, đành phải giải tán. Một bộ phận chết vì tuổi già, một bộ phận không rõ tông tích.
Tuy nhiên, lại có người nói rằng, sau khi Tưởng Giới Thạch qua đời, đội đặc vụ bí mật này vẫn tiếp tục tồn tại. Chẳng hạn như nhóm 50 người tại tòa nhà Sỹ Lâm cho tới nay vẫn có khoảng vài ba chục người sống trong khu vực này, thậm chí còn có người lấy vợ sinh con rồi xây nhà ở đó.
Một vị đội trưởng đội bảo án của tòa nhà Sỹ Lâm thấy vậy đã báo cáo lên trên yêu cầu dỡ bỏ những ngôi nhà xây dựng xung quanh. Tuy nhiên, lúc bấy giờ Tống Mỹ Linh đang ở tòa nhà Sỹ Lâm đã không đồng ý với kiến nghị này, chỉ cười rồi cho qua.
PV (Phunutoday)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.