Hiểm họa từ sự vô tâm của người lớn

Hà Linh Thứ năm, ngày 22/10/2015 08:06 AM (GMT+7)
Một bé trai 13 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh tử vong; một thai phụ ở Nghệ An chờ ngày sinh con nhưng rồi cả mẹ và thai nhi đều chết. Vì đâu, một vật dụng đời thường là chiếc điện thoại di động bỗng trở thành “kẻ giết người”?
Bình luận 0

Thiết bị sạc kém chất lượng

58% trẻ em ở độ tuổi 2-5 có khả năng chơi với máy tính và điện thoại thay vì biết đi xe đạp. Đó là con số được đưa ra sau khi nghiên cứu, thăm dò ý kiến của 2.200 bà mẹ do AVG – một đơn vị chuyên về các sản phẩm công nghệ và an ninh mạng - thực hiện. Nghiên cứu này cũng kết luận, con trẻ hiện nay thích làm bạn với chuột máy tính, bàn phím điện thoại hơn là làm bạn với cha mẹ. Và tất nhiên, đi kèm với nó, những hiểm nguy tiềm ẩn của việc sử dụng điện thoại không đúng cách tăng lên.

imgTheo TS Phùng Anh Tuấn – Phó Chủ nhiệm bộ môn Thiết bị điện – Điện tử (Viện Điện – ĐH Bách khoa Hà Nội), khả năng bị điện giật khi dùng điện thoại đang sạc pin là rất lớn và thực tế đã có nhiều trường hợp thương tâm xảy ra. Theo phân tích của TS Tuấn, nguyên nhân chủ yếu là do sạc kém chất lượng. “Trong sạc pin điện thoại tồn tại cùng lúc điện áp cao (điện áp đầu vào 220V) và điện áp thấp (điện áp đầu ra 5V). Thông thường, hai loại điện áp này được cách ly với nhau qua bộ biến áp. Nhưng trong trường hợp biến áp này không đảm bảo chất lượng (do hàng kém chất lượng hoặc do thời gian dùng lâu) khiến khả năng cách nhiệt bị giảm, tạo luồng điện phóng từ cao áp xuống hạ áp. Khi đó điện áp đầu ra ở phần chân sạc tiếp giáp với máy sẽ là điện áp 220V- mức điện áp ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người” - TS Tuấn chia sẻ.

Còn theo kinh nghiệm thực tế, anh Vũ Luân - thợ sửa điện thoại ở Sao Đỏ, Chí Linh, Hải Dương cho biết, ngoài nguyên nhân do bộ sạc kém chất lượng, còn có những trường hợp gây chết người do người dùng bất cẩn, không để ý đến các mối đầu sạc hoặc cuối sạc bị hở. “Trẻ em, do mải mê chơi game hoặc xem hoạt hình mà  chạm phải các mối hở hoặc những mối cắm sạc chưa kín. Điều này vô cùng nguy hiểm, nhất là trong điều kiện các bé chưa hiểu gì về an toàn điện”.

Một phút vô tâm…

không tắt điện thoại khi sạc, không rút điện khi đã sạc xong… là những hành động “hớ hênh” của người lớn khi sử dụng điện thoại tại các gia đình. TS Tuấn cho biết: “Tôi luôn khuyến cáo các bậc phụ huynh phải cất, hoặc để tránh xa tầm với của trẻ em các thiết bị sạc. Đặc biệt, khi sạc xong, nhất thiết phải rút sạc ra khỏi ổ điện”.

Là một chuyên gia giáo dục, một người bố rất quan tâm đến việc giáo dục và bảo vệ con trẻ khỏi các tác động của các thiết bị máy móc hiện đại, Ths Giáo dục học Phạm Phúc Thịnh chia sẻ, ngoài những hậu quả đau lòng đã và đang được các phương tiện truyền thông phản ánh (tử vong do điện giật, bỏng do nổ pin điện thoại - PV), việc trẻ em dùng điện thoại để chơi game, xem hoạt hình còn để lại những hệ lụy lâu dài như học tập sa sút, gây biến đổi về tính cách, giao tiếp của con trẻ bị hạn chế… Ths Thịnh khẳng định, “đẩy” con trẻ đến việc “nghiện” điện thoại di động, lỗi phần lớn thuộc về các bậc phụ huynh. “Nhiều bậc cha mẹ, do muốn “nhốt” con ở nhà để đảm bảo an toàn cho con hoặc muốn con không làm phiền mình đã “dí” cho con cái điện thoại mà không cân nhắc kỹ những hậu họa của nó” - ông Thịnh nói.

Mặt khác, nhiều chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, việc sử dụng điện thoại khi đang sạc pin không chỉ tiềm ẩn nguy hiểm mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của con người như gây mệt mỏi, nhức đầu, thậm chí ảnh hưởng đến não của người sử dụng. 

Người dùng chỉ mất 5 giây để ngắt điện thoại khỏi nguồn điện trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn, đặc biệt là cho trẻ nhỏ. Khuyến cáo các bậc cha mẹ nên sạc điện thoại ở những nơi cao ngoài tầm với của trẻ em. Ngoài ra, khi ngắt các thiết bị điện khỏi nguồn cũng cần lưu ý, phải cầm trực tiếp vào phích cắm, không cầm dây điện giật ra. Vì thói quen này rất dễ khiến dây điện bị đứt, rò rỉ điện dẫn đến tử vong.

PGS-TS Lê Văn Doanh -  Khoa Điện và Bảo dưỡng công nghiệp, Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội)

Là 1 người bố, tôi nghĩ không có gì đáng quý hơn con cái. Không phải chúng ta không có thời gian cho con mà quan trọng là có muốn dành thời gian cho con hay không thôi. Để đảm bảo an toàn về cả tính mạng và tâm hồn cho con, tôi nghĩ chính bố mẹ, hãy bỏ điện thoại, laptop, ipad của mình xuống và cho con ra ngoài đi chơi, đi dạo, đi xem phim hoặc đến đâu đó có không gian mà con thích.

Ông Phạm Phúc Thịnh – Ths Giáo dục học

Do cũng phần nào hiểu được những nguy hiểm tiềm ẩn của việc cho con trẻ sử dụng điện thoại nên ngay từ nhỏ, vợ chồng tôi đã hướng cho con tham gia các trò chơi ngoài trời, hạn chế tối đa thời gian con tiếp xúc với điện thoại, ipad. Tôi cho rằng, dành thời gian chơi với con để con đừng “kết bạn” rồi dẫn tới “nghiện” với điện thoại, là cách bảo vệ con tốt nhất.

Anh Phạm Văn Phong  (xã Phú Lương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh)

        Nguyễn Thiêm – Huệ Tâm (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem