Hiệp định Paris: Ký ức một người Pháp về những ngày đàm phán ở Choisy le Roi

Mỹ Hằng thực hiện Thứ ba, ngày 17/01/2023 17:39 PM (GMT+7)
Thắng lợi của Hiệp định Paris 1973 có sự đóng góp rất lớn của phong trào đoàn kết quốc tế với Việt Nam. Cái tên Việt Nam, Hồ Chí Minh lúc đó là niềm cảm hứng trên khắp thế giới. Bà Helen Luc, một người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, người dân thành phố Choisy le Roi nơi diễn ra đàm phán, nhớ lại những ngày tháng đó.
Bình luận 0

Bà Helen Luc - nguyên Thượng nghị sĩ, nguyên Chủ tịch nhóm nghị sĩ hữu nghị Đảng cộng sản Pháp tại Thượng viện Pháp, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp - Việt, một trong những người bạn lớn của Việt Nam, vẫn nhớ trọn vẹn những tháng ngày các đoàn đàm phán Việt Nam ròng rã làm việc ở Pháp. Nước Pháp lúc đó dành sự ủng hộ đồng lòng cho cuộc đàm phán, đặc biệt là sự ủng hộ của Đảng Cộng sản Pháp  và các thành viên, trong đó có bà. Ký ức dưới đây được bà chia sẻ khi đang có mặt tại Hà Nội trong những ngày này tham gia các sự kiện kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris. 

Hiệp định Paris: Ký ức một người Pháp về những ngày đàm phán ở Choisy le Roi - Ảnh 1.

Bà Helen Luc. Ảnh: M.H.

Nước Pháp đoàn kết ủng hộ Việt Nam

Tôi rất xúc động nhớ lại thời gian này.  50 năm đã trôi qua kể từ ngày ký Hiệp định Paris 27/1/1973, nhưng những tình cảm và niềm vui trong tôi vẫn vẹn nguyên.

Cả thế giới đã hân hoan chào đón thắng lợi của dân tộc Việt Nam, chiến thắng đúc kết từ tinh thần anh dũng của nhân dân và từ  sự ủng hộ của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chính phủ Mỹ đã buộc phải ngồi vào bàn đàm phán.

Đây là thời điểm các đoàn đàm phán của Việt Nam tới Paris, Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Trưởng đoàn Lê Đức Thọ dẫn đầu và Đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình làm trưởng đoàn.

Tôi còn nhớ rõ khuôn mặt của Bộ trưởng Xuân Thủy và nụ cười đã đi vào lịch sử của ông, nụ cười của ông Lê Đức Thọ thoáng chút lo âu. Ông là người phụ trách liên lạc giữa Hà Nội và Choisy Le Roi. Tôi cũng nhớ rõ khuôn mặt xinh đẹp của bà Nguyễn Thị Bình. Họ đã chinh phục trái tim nhân dân Pháp bằng lòng quả cảm, tính kiên trì và trí tuệ của mình. (Bà Helen Luc)

Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  lúc đầu dự định ở khách  Lutetia tại Paris một tuần. Tuy nhiên, chi phí khác sạn rất đắt đỏ. Vì thế, Đảng Cộng sản Pháp đứng ra thu xếp chỗ ở cho đoàn. Chúng tôi bố trí chỗ ở cho đoàn tại trường Đảng ở thành phố Choisy le Roi. Đây vốn là nhà của lãnh đạo ĐCS Pháp Maurice Thorez, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Maurice Thorez năm 1946 khi diễn ra Hội nghị Fontainebleau.

Đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cùng trưởng đoàn là bà Nguyễn Thị Bình ở tại Verrières le Buisson.

Thị trưởng thành phố  Choisy le Roi, và Phó thị trưởng lúc đó – ông Louis Luc, là chồng của tôi, đã trực tiếp đón đoàn đàm phán của Việt Nam trong những điều kiện tốt nhất.

Tôi lúc đó là ủy viên của hội đồng thành phố,  và tôi cũng là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp tại Đảng bộ của thành phố  Choisy le Roi. Khi đoàn đến, chúng tôi đã dành những tình cảm hữu nghị và đoàn kết với đoàn. Chúng tôi huy động rất nhiều người đến hỗ trợ, ủng hộ đoàn và cũng tổ chức rất nhiều cuộc biểu tình đoàn kết để cho phía Mỹ thấy rằng đoàn đại biểu của Việt Nam có được sự ủng hộ không chỉ của Pháp mà còn của cả Châu Âu, châu Mỹ và toàn thế giới.

Việt Nam mong muốn chọn Paris là nơi tiến hành đàm phán trong khi phía Mỹ lại muốn chọn một thành phố trung lập hơn.

Tướng Charles De Gaulles lúc đó ủng hộ Việt Nam và ủng hộ việc chọn Paris để làm nơi diễn ra đàm phán. Có những đề xuất chọn Geneva hoặc Vienna, nhưng de Gaulle nói đàm phải diễn ra ở Pháp vì người dân Pháp từ lâu đã ủng hộ  cuộc đấu tranh của Việt Nam và một nước Pháp đoàn kết ủng hộ Việt Nam là điểm tựa cho quá trình đàm phán. Lúc đó, Vụ trưởng Vụ Á-Úc, Bộ Ngoại giao Froment Maurice và Bộ trưởng Ngoại giao Maurice Schumann đóng góp tích cực để thúc đẩy đàm phán , dành sự ủng hộ vật chất và an ninh cho phái đoàn.

Trước đây, Tướng De Gaulle từng chịu trách nhiệm khi để nổ ra chiến tranh Đông Dương năm 1954. Nhưng sau đó ông đã rút ra bài học. Trong phát biểu tại Phnom Penh ngày 1/9/1966, ông đã cảnh báo Tổng thống Mỹ: "Các ông đừng phiêu lưu trong cuộc chiến này, sẽ chẳng bao giờ thắng được đâu!". Thật đáng buồn là lời cảnh báo này đã không được lắng nghe.

Tướng De Gaulle cũng đã dành sự hỗ trợ quý báu dành cho Phái đoàn Việt Nam về chính trị với sự tham gia của Vụ trưởng Vụ Á-Úc, Bộ Ngoại giao Froment Maurice và Bộ trưởng Ngoại giao Maurice Schumann và sự ủng hộ về vật chất và an ninh cho phái đoàn. 

Đoàn Việt Nam đến Pháp vào ngày 10/5/1968. Bộ trưởng Xuân Thủy dẫn đầu đoàn đến Pháp đã được lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp đón tiếp tại sân bay.

Tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kleber, Bộ trưởng Xuân Thủy lần đầu bắt tay Quốc vụ khanh Mỹ Harimann, một hình ảnh mang tính biểu tượng cao.

Ngay hôm đó trước tháp Eiffel, chúng tôi đã tổ chức cuộc tuần hành  rất lớn của công nhân và sinh viên Pháp. Đó là cuộc diễu hành của những người ủng hộ Việt Nam và sinh viên Pháp hòa vào đoàn biểu tình. Lúc đó, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp đã xuống đường và bắt tay Bộ trưởng Xuân Thủy của Việt Nam. Lúc đó có rất nhiều các chính khách của Pháp tham gia vào đoàn biểu tình và đến gặp đoàn đại biểu đàm phán của Việt Nam.  

Có mặt trong các cuộc tuần hành còn là đại diện tất cả các đảng phái chính trị, tôn giáo cũng như những nhân vật nổi tiếng của Pháp Aragon và Elsa Triolet, Raymonde Aubrac, Alfred Kesler, Jean Paul Sartres và Simone de Beauvoir, Thérèse KY và Nguyễn Bổn của Tổng Hội người Việt Nam tại Pháp và nhiều nhân vật khác nữa.

Năm 1968 tại Pháp đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình lớn đòi hòa bình cho Việt Nam. Trong tất cả các cuộc biểu tình diễn ra năm 1968, khẩu hiệu "Hồ Chí Minh sẽ thắng, Hòa bình cho Việt Nam" đều được hô vang. (Bà Helen Luc)

Ngoài ra, còn có nữ diễn viên Jane Fonda đại diện cho 80.000 người biểu tình Mỹ đến thăm đoàn đàm phán. Bà đã phải đối mặt với nhiều lời đe dọa kinh khủng nhất tại Mỹ. Chuyến thăm được đưa tin rộng rãi và tạo ra một bước ngoặt.

Nhà sử học-văn hóa Jean Francois Sirinelli đã nói "Chiến tranh Việt Nam là một sự kiện quốc tế có tiếng vang trên toàn thế giới xét về tính chất và độ dài của cuộc chiến". Hiện điều này còn được nhắc đến trong nhiều sự kiện.

Chúng tôi cũng sắp xếp cho đoàn các phương tiện liên lạc từ Choisy le Roi về Hà Nội - thiết bị liên lạc bị các lực lượng thù địch với Việt Nam tấn công nhiều lần. Chúng tôi cũng đã tổ chức các hoạt động lấy chữ ký ủng hộ đoàn.

Lá cờ trên xe bà Nguyễn Thị Bình

Bà Bình đến Choisy mỗi tuần 3 đến 4 lần để tham gia thảo luận, khi thì ở trụ sở phái đoàn, khi thì tại căn nhà nhỏ ở phố Darthe, nơi diễn ra các cuộc đàm phán bí mật với Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger.

Ông Xuân Thủy thì luôn nhắc đi nhắc lại với chúng tôi rằng "Dù bom đạn dữ dội đến đâu, chúng tôi cũng không ngừng chi viện cho miền Nam"

Chúng tôi cũng đã tổ chức Tết Việt Nam, cho con em của chúng tôi đến chơi với các đoàn đàm phán tại Choisy le Roi. Chúng tôi mang theo  hoa, quà, bánh kẹo nặng trĩu hai tay. Và thị trưởng Choisy đã mời phái đoàn lên chúc mừng năm mới, cả nghìn người có mặt lúc đó đã vỗ tay hoan hô ông Xuân Thủy, người được vinh danh là công dân danh dự của thành phố Choisy le Roi.

Hiệp định Paris: Ký ức một người Pháp về những ngày đàm phán ở Choisy le Roi - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Bình được chào đón khi tới Paris. Ảnh tư liệu.

Bà Nguyễn Thị Bình đã kể với tôi rằng một hôm xe của bà đi trên đường cao tốc Pháp, thì lá cờ của Mặt trận dân tộc Giải Phóng treo trên xe bị gió thổi bay đi. Thế nhưng lái xe đã dừng lại để đi tìm lại lá cờ, bởi đó là một biểu tượng.

Dừng xe giữa đường cao tốc là một hành động hết sức nguy hiểm,  nhưng với những người lái xe của Đảng Cộng sản Pháp, đó là một điều rất là quan trọng.

Ngày buồn nhất của chúng tôi là ngày chúng tôi nhận được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Tại Choisy le Roi, chúng tôi đã kết hợp với đoàn đàm phán tổ chức truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc đó chúng tôi thấy rằng thật khó có thể an ủi được các thành viên đoàn đàm phán trước mất mát hết sức lớn lao này.

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết. Hội đồng thành phố Choisy đã họp. Thị trưởng Louis Luc thông báo tin vui đó và nói rằng, đó là vinh quang lớn với những người tham gia đàm phán và những người bạn Pháp. Ông ấy cũng nói Pháp có món nợ lớn với Việt  Nam và chúng tôi phải làm mọi điều để giúp tái thiết Việt Nam.

Những ngày sau đó, Choisy kết nghĩa với Đống Đa, quận bị tàn phá gần như hoàn toàn trong các trận oanh tạc, và chỉ vài tháng sau, một trại trẻ mồ côi và một trường học đã được xây lại.

Và ngày 2/9/1978, ngày Hà Nội hân hoan đón mừng Bắc Nam sum họp, phái đoàn Thành phố Choisy le Roi do thị trưởng Louis Luc dẫn đầu đã có mặt tại Hà Nội, chúng tôi tay trong tay với Bộ trưởng Xuân Thủy và ông Lê Đức Thọ với biết bao cảm xúc. Tướng Giáp ôm lấy chúng tôi nói: Mỹ có 543.000 quân ta có 86.000 quân, nhưng chúng ta chiến thắng vì chúng ta có chính nghĩa.

Nước nhỏ và nước lớn

Năm 2013, Đảng Cộng sản Pháp tổ chức một cuộc hội thảo và trình chiếu bộ phim về Hiệp định Paris do cựu phóng viên báo Nhân đạo của Pháp tại Việt Nam Daniel Roussel thực hiện, trong đó kể lại toàn bộ quá trình đàm phán. Trong phim, chúng ta gặp lại ý kiến của Bộ trưởng Xuân Thủy Ngoại giao Xuân Thủy nói rằng, miền Bắc và miền Nam đều là một nhà, cho nên miền Bắc sẽ không bao giờ từ bỏ giúp đỡ miền Nam đứng lên đấu tranh giành độc lập.

Trong phim, cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger trả lời phỏng vấn Daniel Roussel: Lê Đức Thọ là đại diện một nước nhỏ đàm phán với một cường quốc. Chiến lược của ông Lê Đức Thọ khiến chúng tôi luôn phải suy nghĩ với những câu hỏi lớn. Ông là đối thủ đáng gờm, một người rất tận tâm, ngoài ra có phong trào đấu tranh đứng sau Việt Nam và cũng là yếu tố giúp Việt Nam chiến thắng.

Ông Henry Kissinger  đã tới Paris và có những cuộc hội đàm bí mật với phía Việt Nam. Lúc đó rất nhiều lực lượng đã chỉ trích việc Kissinger đến Paris bởi vì rất nhiều lực lượng không muốn chiến tranh Việt Nam được giải quyết bằng biện pháp hòa bình và không muốn chiến tranh Việt Nam kết thúc nhanh chón. Lúc đó Henry Kissinger đã nói chiến tranh Việt Nam để kết thúc được phải thông qua con đường đàm phán. Kissinger khi tới Paris cũng phải mất đến 3 tháng để xác định thành phần đoàn đàm phán. Phía Việt Nam có Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đoàn chính quyền Sài Gòn, đoàn của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do bà Bình dẫn đầu.

Lúc đó đoàn của miền Bắc cũng không muốn chính quyền ngụy Sài Gòn có mặt trong cuộc đàm phán. Chỉ việc chọn bàn vuông, bàn tròn hay bàn bầu dục cũng mất rất nhiều thời gian. Vị trí của mỗi thành viên các đoàn đều có một hàm nghĩa riêng về mặt chính trị và đã phải đổi bàn tới 3 lần để có thể tiến hành đàm phán.

Thời gian đàm phán lúc đầu dự kiến chỉ là vài tháng nhưng sau đó kéo dài đến vài năm bởi vì vấn đề lớn lúc đó là phải thống nhất Việt Nam. Việt Nam không thể nào bị chia rẽ thành hai miền được. Vào năm 1969, Nguyễn Văn Thiệu đã nói tôi sẽ ký nhưng với điều kiện là Việt Nam sẽ tiếp tục bị chia cắt. Tuy nhiên đoàn miền Bắc Việt Nam không đồng ý và đến năm 1972 thì Sài Gòn cũng đã một lần nữa lại nhắc lại lập trường của mình một cách rất cứng rắn là chúng tôi không muốn Việt Nam được thống nhất chúng tôi không muốn Việt Nam trở thành một mối.

Ông Lê Đức Thọ cũng đã bày tỏ lập trường thái độ của mình và lúc đó ông Lê Đức Thọ đã cố tình ngồi gần cửa để giới báo chí có thể nghe được lập trường của phía Việt Nam. Henry Kissinger lúc đó không muốn ông Lê Đức Thọ ngồi gần cửa để thông tin cho các nhà báo. Lúc đó ông Lê Đức Thọ đại diện đoàn đại biểu phía Bắc Việt Nam đã tuyên bố rõ lập trường của mình rằng Việt Nam phải thống nhất về một mối, phải được hòa bình.

Tôi rất vui mừng vì ngày nay Việt Nam thịnh vượng và phát triển. Nhiệm vụ của chúng tôi ở Pháp là chung tay hỗ trợ các bạn trong điều kiện mới, luôn trên tinh thần hữu nghị và đoàn kết như chúng tôi đã làm từ trước tới nay.

Tình cảm tôi dành cho Việt Nam từ khi mới 15 tuổi thế nào, đến nay vẫn không thay đổi. Đây cũng là điều tôi đă truyền lại cho hai con của mình và tôi sẽ cố gắng tiếp tục đồng hành lâu nhất có thể với thế hệ trẻ của hai nước chúng ta.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem