Rất nhiều người nghĩ rằng đầu số khẩn cấp cứu hỏa 114 chỉ để giải quyết các vụ việc liên quan đến cháy nổ, giống như 113 chuyên về an ninh trật tự, 115 chuyên về y tế. Thế nên, khi có sự cố xảy ra, người dân có mặt tại hiện trường thường gọi cấp cứu sai địa chỉ và làm chậm một "nhịp".
Vi dụ, khi gặp phải sự cố thang máy hay bất ngờ phát hiện có kẻ “phê” ma túy đang vắt vẻo trên cửa sổ nhà cao tầng, người dân thường chỉ liên lạc với ban quản lý tòa nhà hoặc lực lượng cảnh sát 113. Thực tế, với những trường hợp như thế này, sẽ tốt hơn nếu gọi cho đơn vị phòng cháy chữa cháy (PCCC) qua đầu số khẩn cấp 114.
Lực lượng cảnh sát PCCC có nhiệm vụ chính đúng như tên gọi của mình, tuy nhiên cứu nạn, cứu hộ cũng là một chức năng trọng tâm.
Thời gian vừa qua, ở các vụ cháy chung cư liên tiếp, lực lượng PCCC đã thể hiện được vai trò của mình khi ngoài công tác dập lửa, họ còn huy động nguồn nhân lực lớn cùng với nhiều loại trang thiết bị chuyên dụng để sơ tán, cứu hộ người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Chiến sỹ PCCC bế em bé ra khỏi nơi nguy hiểm trong vụ cháy khu đô thị Xa La (Hà Nội)
Theo Thiếu tá Khúc Nguyên Khánh - Đội trưởng đội Cứu nạn, cứu hộ Phòng Cảnh sát PCCC số 8 (Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội) thì từ trước đến nay, cứu nạn, cứu hộ vẫn luôn là một trong những nhiệm vụ chính của lực lượng PCCC.
Trong đó, với bất cứ tình huống nào, việc cứu nạn, cứu hộ để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân được đặt lên hàng đầu.
Thiếu tá Khánh cho hay, các đơn vị PCCC của Hà Nội đã tham gia cứu nạn, cứu hộ nhiều vụ thang máy bất ngờ hỏng, treo lơ lửng trên tầng cao nhà chung cư, hay những vụ mò tìm xác nạn nhân chết đuối….
Cứu hộ người dân bị nạn trên tầng cao
Đại úy Trần Khắc Tuân - Đội trưởng đội Cấp cứu, cứu nạn phòng Cảnh sát PCCC số 8 thì cho hay, hiện tại còn nhiều người dân vẫn chưa hiểu hết chức năng, nhiệm vụ của đơn vị PCCC. Người dân chỉ nghĩ đơn giản, nếu có cháy mới gọi 114 để báo cháy.
Trên thực tế, đối với các vụ việc cần phải cứu nạn, cứu hộ, sau khi người dân thông báo đến cơ quan công an địa phương thì lập tức đơn vị này cũng sẽ yêu cầu đơn vị PCCC có mặt để làm nhiệm vụ.
Đơn cử như vụ thanh niên “ngáo đá” trèo lên đình bảo tháp cao hàng chục mét tại phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) ngày 21/7 vừa qua. Tại đây, lực lượng cứu hộ của cảnh sát PCCC đã dùng nệm hơi rải xung quanh chân tháp.
Sau nhiều giờ đồng hồ “cố thủ” trên đỉnh tháp, đối tượng “ngáo đá” đã buông tay và rơi xuống khu vực được rải nệm hơi một cách “an toàn”.
Thiếu tá Khánh cho hay, người dân khi gặp các trường hợp cần phải cứu nạn, cứu hộ thì trước hết cần bình tĩnh. Ngoài việc báo cho cơ quan chức năng gần nhất thì hãy gọi vào số điện thoại 114 để được đơn vị cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp đến hỗ trợ.
Thanh Sơn (Báo Gia đình & Xã hội)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.