Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tại Phố núi, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã chứng khoán: HAG) tự nhận từng ngồi trên núi tiền với ngôi vị số một khi bất động sản còn ở thời hoàng kim (năm 2007-2008) và canh cánh trong lòng phải vươn xa hơn, phải làm nông nghiệp công nghệ cao quy mô đại công trường.
Kể từ khi tái cơ cấu, chuyển từ kinh doanh bất động sản sang nông nghiệp, định hướng mục tiêu của Hoàng Anh Gia Lai liên tục thay đổi, cứ vài năm lại có sản phẩm mục tiêu khác trong nông nghiệp, vậy nên, doanh thu của HAGL cũng bấp bênh như chính sự không ổn định trong định hướng đó, Và hơn 10 năm chuyển đổi, hình ảnh ông chủ HAGL (Bầu Đức) lúc nào cũng tất bật "chạy" tiền để "tồn tại, trả nợ, xóa hết lỗ lũy kế".
Mới nhất, HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai vừa thông qua việc thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản vay của Công ty CP Chăn nuôi Gia Lai tại Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank - mã chứng khoán: LPB).
Theo đó, Hoàng Anh Gia Lai sẽ thế chấp gần 166 triệu cổ phiếu Công ty CP Chăn nuôi Gia Lai thuộc sở hữu của HAG để đảm bảo cho tổng số tiền vay tối đa 1.050 tỷ đồng thuộc các khoản vay lần này của Chăn nuôi Gia Lai tại LPBank.
Công ty CP Chăn nuôi Gia Lai thành lập năm 2014, hoạt động chính trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Tại thời điểm ngày 31/3/2024, Hoàng Anh Gia Lai nắm giữ 85% vốn điều lệ của Chăn nuôi Gia Lai. Tính đến ngày 31/12/2023, khoản đầu tư của HAG tại Chăn nuôi Gia Lai có giá gốc là 1.814 tỷ đồng.
Hoàng Anh Gia Lai thế chấp cổ phiếu công ty con trong bối cảnh lợi nhuận của doanh nghiệp tiếp tục đi xuống trong quý I/2024. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của HAG kỳ này chỉ đạt 226 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng nói, mặc dù đã có lãi liên tục trong 12 quý gần nhất nhưng tính đến cuối quý I vừa qua, HAGL vẫn còn lỗ lũy kế lên đến 1.452 tỷ đồng và cổ phiếu bị giữ nguyên diện cảnh báo.
Lần đầu tiên, doanh nghiệp ghi nhận lỗ là vào quý IV/2018. Ngay sau đó, Công ty ghi nhận 8 quý liên tiếp "lỗ chồng lỗ".
Cụ thể, quý II/2019 lỗ gần 713 tỷ đồng, quý III/2019 lỗ hơn 559 tỷ đồng, quý IV/2019 lỗ 323 tỷ đồng,... và đỉnh điểm là quý IV/2020, Công ty báo lỗ tới hơn 1.525 tỷ đồng, nâng khoản lỗ luỹ kế lên tới gần 4.290 tỷ đồng.
Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, bầu Đức chia sẻ rằng: "Lỗ lũy kế là nỗi ám ảnh lớn của tôi". Theo bầu Đức, năm nào đơn vị kiểm toán cũng cảnh báo, nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục. Qua trao đổi với nhiều quỹ đầu tư lớn, nếu công ty hết lỗ lũy kế thì nhiều quỹ lớn, nhà đầu tư tổ chức sẽ vào Hoàng Anh Gia Lai.
Hiện tại, Hoàng Anh Gia Lai đang kỳ vọng vào doanh thu năm 2024 sẽ tăng đột biến vào quý III và quý IV, khi chính thức khai thác một phần diện tích sầu riêng. Trong đó, sầu riêng trồng tại Việt Nam (thu vụ chính) sẽ có doanh thu vào tháng 8-9/2024 và sầu riêng trồng tại Lào (thu trái vụ) sẽ có doanh thu vào tháng 10 - 12/2024.
Kết quả kinh doanh trồi sụt, "ôm" hàng nghìn tỷ đồng lỗ lũy kế, áp lực nợ vay từng khiến cho doanh nghiệp này đứng trước nguy cơ vỡ nợ trong giai đoạn 2016 - 2017.
Nợ vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng cao, khiến dòng tiền cạn kiệt, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản vay đến hạn và chi trả cho hoạt động kinh doanh. Có thời điểm, HAG của bầu Đức nợ vượt 27.000 tỷ đồng khi gộp khoản vay ngắn hạn và dài hạn.
Đến 31/3/2024, HAG đang gánh khoản nợ phải trả hơn 14.100 tỷ đồng (đã giảm 20.000 tỷ đồng so với khoản nợ ở giai đoạn 8 năm về trước). Tổng số nợ vay tài chính của công ty ở mức 7.816 tỷ đồng (băng 111% vốn chủ sở hữu), trong đó, doanh nghiệp này vẫn còn khoản nợ trái phiếu 4.528 tỷ đồng tại BIDV và ACB.
Để có được con số này, bầu Đức đã liên tiếp bán loạt tài sản gồm dự án bất động sản, cổ phiếu HAG, toàn bộ dự án tại Myanmar, mảng thủy điện... Lớn nhất trong số này là việc bán cổ phần CTCP HAGL Agrico (HNG) - công ty thành viên lớn nhất trong hệ sinh thái - cho Thaco vào năm 2020.
Lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai cũng chia sẻ về việc đang có ý định IPO CTCP Chăn nuôi Gia Lai. Chăn nuôi Gia Lai đã từng bị nợ xấu kéo dài, không hiệu quả. Nhưng năm 2023, sau quá trình đàm phán kéo dài nhiều năm với Eximbank thì Chăn nuôi Gia Lai đã xóa được 1.400 tỷ tiền lãi.
Khi lên sàn cách đây 15 năm, Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức đã là một tập đoàn đa ngành kinh doanh trên rất nhiều lĩnh vực như bất động sản, nông nghiệp, khoáng sản, thủy điện...
Trong đó, bất động sản chính là hoạt động tạo nên tên tuổi của HAGL và cá nhân Bầu Đức khi trong nhiều năm liền là lĩnh vực chiếm tỷ trọng chính, mang lại hàng nghìn tỷ đồng doanh thu cho công ty và đưa ông bầu phố núi lên ngôi vị số một khi lĩnh vực này còn ở thời hoàng kim (năm 2007-2008).
Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản đóng băng vào năm 2010, HAGL đối mặt với khủng hoảng tài chính do vay nợ quá mức. Lãi suất ngân hàng tăng cao, giá cả thị trường biến động khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, đứng trước nguy cơ phá sản.
Cũng từ năm 2013, các sản phẩm chủ lực của HAGL đã liên tục thay đổi qua từng năm, nhưng không đạt kỳ vọng. Từ đầu năm 2017, HAGL đã "xoay trục" ngành nghề kinh doanh chính, xác định lĩnh vực nông nghiệp là trụ cột. Trong khi những loại cây nông nghiệp dài ngày như cao su, cọ dầu chưa cho thấy kết quả, bầu Đức đã quyết định đi trồng cây ăn trái, nhằm tạo dòng tiền nhanh hơn. Nhờ nỗ lực tập trung cho nông nghiệp, năm 2017, HAGL ghi nhận lãi ròng trở lại. Tuy nhiên, sự "hưng thịnh" đó không kéo dài lâu, HAG lỗ sau trong 2 năm 2019 và 2020.
Mãi đến khi bầu Đức tìm được "công thức mới" là chuối - sầu riêng - heo thì HAGL mới chuyển sang xu hướng phục hồi từ năm 2021 đến nay. Tới năm 2023, đây là năm HAGL quay trở lại mốc lãi nghìn tỷ.
Năm 2024 nói riêng và giai đoạn 2024-2030 nói chung, Hoàng Anh Gia Lai cho biết sẽ vận hành theo mô hình "Nông nghiệp tuần hoàn". Doanh nghiệp coi trọng việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và các giải pháp công nghệ nhằm tái chế phụ phẩm, chất thải trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi để phục vụ trở lại cho quá trình sản xuất nông nghiệp, hình thành nên chuỗi sản xuất khép kín...
Vào đầu tháng 3 vừa qua, LPBank của bầu Thụy và HAGL ký kết một hợp đồng tài trợ trị giá 5.000 tỷ đồng, ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp xanh. Theo bầu Đức, từ 2016 đến giờ HAGL nằm trong tình trạng nợ xấu, không có ngân hàng nào dám quan hệ với HAGL. Hợp tác với LPBank không hẳn là vay tiền, nhưng điều này đã đem đến cho HAGL một chỗ dựa, một niềm tin vật chất, ít ra người ta thấy cũng có người chơi với mình... Ngoài ra, chứng khoán LPBank hiện thuộc LPBank cũng đã củng cố hiện diện tại Hoàng Anh Gia Lai (HAG).
Cú bắt tay giữa bầu Đức và bầu Thụy được kỳ vọng tạo nên những đột phá lớn cho HALG lẫn LPBank.
Vừa qua, ngoài việc thay đổi nhận diện thương hiệu, Hoàng Anh Gia Lai cũng cập nhật ngành nghề kinh doanh với việc xóa bỏ mảng khách sạn, bệnh viện. Hoàng Anh Gia Lai chỉ còn tập trung vào các lĩnh vực heo, chuối, sầu riêng và câu lạc bộ bóng đá.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.