VFF chọn HLV Lee Young-jin, ĐT Việt Nam sẽ ra sao?
VFF chọn HLV Lee Young-jin, ĐT Việt Nam sẽ ra sao?
Phạm Trần Oánh
Thứ bảy, ngày 06/04/2024 13:10 PM (GMT+7)
Không ai biết rõ công thức thành công của HLV Park Hang-seo bằng HLV Lee Young-jin. Mà cũng không có ai hiểu rõ điểm yếu trong lối đá của ĐT Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo bằng HLV Lee Young-jin.
Câu chuyện tìm kiếm HLV cho ĐT Việt Nam đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội. Thành tích, mục tiêu của người đảm nhiệm vị trí này chưa được chính thức nhắc đến, nhưng với NHM, đại loại họ mong muốn ai đó dẫn dắt ĐT Việt Nam tới những thành công, chí ít thì cũng được như HLV Park Hang-seo đã làm. Chắc chắn đó cũng là điều VFF đang hướng tới.
Đương nhiên, hồ sơ năng lực của 1 HLV là cái được xem xét đầu tiên. Nhưng như chúng ta đã thấy, có quá nhiều ví dụ cho việc các thành tích trong quá khứ không đảm bảo thành tích cho tương lai. Gần đây, sau thất bại của HLV Troussier, người ta mới hay nói đến sự phù hợp của lối đá mà HLV mang tới cho ĐT Việt Nam với các yếu tố như thể hình, thể lực của cầu thủ Việt Nam. Rồi khả năng phù hợp về mặt văn hóa của HLV đó với môi trường đất nước, con người, bóng đá sở tại… cũng có ảnh hưởng đáng kể.
Có thông tin rằng HLV Lee Young-jin được đề cử cho vị trí HLV ĐT Việt Nam. Chúng ta thử cùng hình dung, nếu điều này thành hiện thực, ĐT Việt Nam với sự dẫn dắt của HLV Lee Young-jin sẽ thi đấu như thế nào?
Ngay sau khi chính thức làm HLV ĐT Việt Nam, HLV Park Hang-seo đã mời HLV Lee Young-jin làm trợ lý cho mình. Sự lựa chọn đó nói lên giữa 2 HLV này có sự tương đồng, đầu tiên là về mặt tính cách. Hẳn rồi, mối quan hệ giữa HLV và trợ lý HLV là một mối quan hệ đặc biệt, họ phải là những người "nói chuyện" được với nhau, hiểu nhau, tôn trọng và chịu đựng được nhau.
Sau thất bại của HLV Troussier, người ta nói rất nhiều tới tính cách của HLV Park Hang-seo, thể hiện ở cách ông quyết liệt trong chỉ đạo trận đấu, cách ông ứng xử, bảo vệ, chăm sóc các cầu thủ của mình. Vậy, điều đầu tiên mà chúng ta hình dung về ĐT Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Lee Young-jin, đó cũng sẽ là 1 tập thể đoàn kết, gắn kết với nhau trong sân bóng, hiểu và cảm thông với nhau ngoài đời, giống như dưới thời HLV Park Hang-seo.
Về mặt lối đá, người ta hay nói lối đá của HLV Park Hang-seo là phòng ngự phản công. Thực tế, không có HLV nào được đào tạo riêng cho lối đá này cả. Mặt bằng trình độ nền bóng đá của một quốc gia là điều có sẵn, nó là kết quả của quá trình đầu tư, xây dựng lâu dài, từ tuyển chọn huấn luyện, đào tạo cầu thủ trẻ đến chất lượng các giải đấu…
HLV ĐT quốc gia là người sử dụng thành quả đó, tuyển chọn ra những tinh hoa, những cầu thủ hay nhất theo hình dung của ông ta về cách mà đội bóng vận hành, trong lực lượng cầu thủ từ nền bóng đá đó. Ông Park đã nhận thấy, với mặt bằng trình độ bóng đá Việt Nam thời điểm đó, để đối chọi được với các đội bóng hùng mạnh ở châu lục, chỉ có cách xây dựng lối đá phòng ngự phản công chặt chẽ, tuy cực đoan nhưng mang lại thành tích.
Chắc chắn khi tham gia vào quá trình xây dựng lối đá rất thực dụng đó, HLV Lee Young-jin hiểu rõ đội bóng phải ưu tiên cái gì và phải hy sinh cái gì. Chẳng hạn, nếu bạn muốn đội bóng của mình có khả năng phòng thủ chặt chẽ, bạn ưu tiên các cầu thủ tham gia vào hệ thống phòng ngự 1 cách đầy đủ và mạnh mẽ thì bạn phải hy sinh khả năng cầm bóng, khả năng phối hợp nhỏ, khả năng tấn công, cả trong quá trình tuyển chọn cầu thủ cho tới lúc luyện tập chuẩn bị thi đấu.
Ngoài ra, cả đội bóng phải tập trung vào trạng thái "không kiểm soát bóng" để không bị thủng lưới và giai đoạn chuyển đổi trạng thái, phản công nhanh ghi bàn thắng khi cướp được bóng, rất hiệu quả khi đối đầu với đối thủ mạnh hơn. Mặt kia là hy sinh khả năng tạo cơ hội trong trạng thái "kiểm soát bóng", pressing, chèn ép đối phương khi gặp đối thủ vừa tầm.
Đến Barcelona của Pep Gaurdiola cũng phải lựa chọn ưu tiên và hy sinh. HLV lừng danh này từng nói: "Nếu không cầm bóng, chúng tôi là một tập thể yếu ớt". Ông đã hy sinh khả năng phòng thủ, tập trung ưu tiên sức mạnh tấn công, lấy tấn công làm phòng thủ.
Giống như HLV Park Hang-seo, HLV Lee Young-jin cũng biết rằng lối đá phòng ngự phản công đó cũng có giới hạn của nó. Trong những trận sau cùng của ĐT Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo, đội bóng đã cố gắng thay đổi lối đá, họ đã nỗ lực tăng cường khả năng tạo cơ hội trong trạng thái kiểm soát bóng.
Nhưng như ta đã biết, đội bóng đã không thành công. Thực tế, để thay đổi lối đá, hay nói cách khác, để đội bóng thi đấu có hiệu quả trong trạng thái kiểm soát bóng cần rất nhiều thời gian, từ tuyển chọn cầu thủ đến luyện tập thực hành.
Với di sản của HLV Troussier, tuy chưa đem đến kết quả về mặt thành tích, nhưng rõ ràng khả năng phối hợp cầm bóng, thoát pressing của các cầu thủ Việt Nam trong trạng thái "kiểm soát bóng" đã được cải thiện, cả về mặt kỹ thuật xử lý bóng lẫn tâm lý tự tin, sẵn sàng cầm bóng phối hợp với nhau trước sức ép đối phương của các cầu thủ. Chắc chắn HLV Lee Young-jin nhận thấy điều này.
Và chúng ta có thể hình dung, lối đá của ĐT Việt Nam dưới tay HLV Lee Young-jin sẽ là phát huy lối chơi đã giúp đội bóng có được thành công là phòng ngự chặt, phản công nhanh của HLV Park Hang-seo, cải thiện khả năng chơi bóng trong trạng thái "kiểm soát bóng" để có khả năng gây áp lực, ghi bàn, biến ĐT Việt Nam thành 1 đội bóng có lối chơi đã dạng, có tính ứng biến cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.