Sau khi World Cup 2018 kết thúc cùng sự ra đi của HLV Akira Nishino, LĐBĐ Nhật Bản đã bổ nhiệm Hajime Moriyasu dẫn dắt ĐTQG và ĐT Olympic của nước này.
Ông Hajime sinh ngày 23.8.1968, chơi ở vị trí tiền vệ khi còn là cầu thủ. Ông cũng đã có 35 lần khoác áo ĐTQG Nhật Bản trong giai đoạn từ 1992-1996.
Trước khi dẫn dắt ĐTQG Nhật Bản tham dự Asian Cup 2019, ông Hajime đã cùng Olympic Nhật Bản tham dự ASIAD18. Đó là giải đấu Olympic Việt Nam lọt để thua Olympic UAE trong trận tranh hạng Ba.
Tại ASIAD 18, Olympic Nhật Bản không gọi đội hình mạnh mà chủ yếu là những cầu thủ U21 nhưng dưới sự lèo lái của Hajime, họ đã tiến tới trận chung kết và để thua trước Olympic Hàn Quốc của Son Heung-min.
Đến Asian Cup, Nhật Bản giành trọn 9 điểm sau 3 trận vòng bảng, dù vậy những chiến thắng của "Samurai xanh" chưa thực sự thuyết phục người xem. Đoàn quân của HLV Hajime luôn được đánh giá ở thế cửa trên nhưng họ lại đang thể hiện lối chơi rất thực dụng.
Điển hình là chiến thắng 1-0 trước Ả Rập Xê Út ở vòng 1/8 đêm qua, Nhật Bản chỉ cầm bóng không quá 30%. Các học trò của Hajime chủ động nhường sân cho đối thủ, chơi với đội hình thấp và rình rập cơ hội phản đòn chớp nhoáng. Cuối cùng, họ đã bảo toàn thắng lợi mong manh 1 bàn để tiến vào tứ kết, gặp ĐT Việt Nam.
Khách quan nhìn nhận, nếu ông Hajime không "giấu bài" thì ĐT Nhật Bản ở Asian Cup năm nay không quá mạnh so với ĐT Việt Nam. Điểm mạnh nhất của họ từ đầu giải chính là yếu tố kỷ luật, lối chơi áp sát nhanh và giữ cự ly đội hình tốt. Đó cũng là lý do khiến Ả Rập Xê Út bất lực trong việc tiếp cận khung thành "Samurai xanh".
Lối chơi tấn công của Nhật Bản cũng được đánh giá là rất đơn giản, hay chính xác hơn là đơn điệu. Họ cũng không sở hữu những cá nhân tấn công nổi bật giống như ĐT Hàn Quốc có Son Heung-min, ĐT Việt Nam có Quang Hải hay Iran có Mehdi Taremi.
Trong phát biểu sau trận thắng Ả Rập Xê Út, HLV Hajime khẳng định Nhật Bản sẽ chơi tấn công trước Việt Nam, tuy nhiên đó có lẽ cũng chỉ là đòn gió bởi từ đầu giải, họ chưa có 1 trận nào tấn công áp đảo đối thủ. Hơn nữa, kể cả trong trường hợp "Samurai xanh" chơi tấn công thì đó cũng là lợi thế để "Rồng vàng" sử dụng đấu pháp phòng ngự phản công sở trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.