HLV tuyển Việt Nam: Ông Oét hay ông Oết?

Thứ bảy, ngày 18/06/2011 05:56 AM (GMT+7)
Câu hỏi đó cũng từng được đặt ra trong buổi họp báo công bố chính thức tân HLV trưởng ĐT Việt Nam do VFF tổ chức khá trang trọng. Sau hàng loạt những câu hỏi về chuyên môn, một phóng viên đứng lên và hỏi: “Phải đọc tên chính xác ông Falko Goetz như thế nào đây”.
Bình luận 0

Ông “Phan Kô Oét” hay “Phăng Cô Oết” ?

Khi ông Goetz đặt chân đến Việt Nam, bắt đầu xuất hiện trên sân Hàng Đẫy, nhiều tuyển thủ bắt đầu tìm hiểu kĩ hơn về ông thầy sắp trực tiếp làm việc với mình.

“Ông ấy phong cách phết anh nhỉ, quần bò áo phông, mà nghe vẻ làm việc chăm chỉ và kỉ luật, người Đức mà”, “Nghe đâu ông ấy còn có lần "tẩn" cả cầu thủ”, một cầu thủ từng khoác áo ĐT QG bắt đầu bình luận. Và rồi, rút cuộc thì một câu hỏi lại được đặt ra: “Tên ông ấy đọc chính xác là gì anh nhỉ?”.

img
Ông Falko Goetz - "Phan Cao Ghết" trên khán đài sân Hàng Đẫy

Câu hỏi đó cũng từng được đặt ra trong buổi họp báo công bố chính thức tân HLV trưởng ĐT Việt Nam do VFF tổ chức khá trang trọng. Sau hàng loạt những câu hỏi về chuyên môn, một phóng viên đứng lên và hỏi: “Phải đọc tên chính xác ông Falko Goetz như thế nào đây”.

Ngay lập tức hàng loạt cách phát âm được đưa ra, và một phóng viên khác có biết tiếng Đức đã trả lời “cho anh em rõ” rằng “tiếng Đức viết thế nào thì đọc thế, đọc thế nào thì viết thế”. Rút cuộc vẫn có người gọi là “ông Oết”, “ông Gu-ết”, “ông Oét”, và cả “ông Gốt”. Phóng viên thể thao và cầu thủ là những người phải đọc tên HLV trưởng nhiều nhất, và đương nhiên các cầu thủ cũng chung cái cảnh gọi tên ông HLV mà “méo cả mồm” như các phóng viên.

Quả thực, ông Falko Goetz từ khi xuất hiện đã tạo ra rất nhiều những ấn tượng, những sự khác biệt và cả cách đọc tên ông cũng có đôi chút khác biệt, khó khăn hơn. Thời gian trước, ông Calisto được gọi tên thân mật và viết trên báo là “ông Tô”, cầu thủ quen gọi “Mít-tơ Ca-lít-sờ-Tô”, rất nhanh gọn và đơn giản. Nghĩ xa xôi một chút, cuối năm nay ông Goetz đưa được ĐT Việt Nam lên ngôi vô địch SEA Games, không hiểu các CĐV Việt Nam đổ xuống đường sẽ hô vang ông Oét hay ông Oết?

Từ Tạ Văn Dế đến Phan Cao Ghết

Người Việt vốn cởi mở, mến khách và rất lạc quan, vui tính. Một người nước ngoài làm việc lâu năm, có nhiều đóng góp hay có gì đó đáng chú ý đều được phiên ra những cái tên rất Việt Nam. Cũng vì cái sự lạc quan, vui tính của chúng ta, đôi khi những cái tên này rất ngộ nghĩnh, thậm chí là xấu, dù không ai có ý giễu cợt, chê bai gì cả.

Chuyện cầu thủ ngoại nhập tịch có những cái tên Việt như Hoàng La, Hoàng Vissai, Hoàng Xi hay Jonathan được “phiên” ra thành Lê Văn Tân đã là chuyện bình thường, quen thuộc. Nhiều HLV trưởng ĐT QG cũng được “phiên âm” những cái tên đậm chất Việt cho dễ gọi, dễ nhớ, chẳng hiểu do ai nghĩ ra đầu tiên nhưng rồi tất cả cùng biết, cùng dùng, rồi sau đó đi kèm rất nhiều những “giai thoại” về các ông HLV.

img
Ông Tavares - Tạ Văn Dế, một trong những HLV ngoại từng dẫn dắt ĐT Việt Nam

HLV trưởng người nước ngoài đầu tiên của ĐT Việt Nam Tavares được đọc thành Tạ Văn Dế. Tiếp sau đó là các ông Dido – Đi Đô, Karl Heinz Weigang - Các Hai Oây Gang, Letard – Lê Ta hay ông Alfred Rield được đọc thành An Phét Rít Đờ thậm chí còn là… An Phét Rất Đần. Ông Calisto được gọi ngắn gọn là ông Tô, còn hiện tại, ông Falko Goetz cũng đã được ai đó tạm phiên nhanh thành Phan Cao Ghết.

ĐT Việt Nam đã có một ông thầy mới, với một phong cách huấn luyện mới và những câu chuyện thú vị mới. Nhìn đơn giản đã thấy khối cái hay, ông Goetz phải diện đến cả chục chiếc sơ-mi ngắn tay khác nhau từ lúc xuất hiện, rồi cả chuyện ông thầy người Đức bêu nắng nguyên cả một buổi sáng ở sân phụ Mỹ Đình mà mặt không hề biến sắc.

Giai thoại về Phan Cao Ghết mới chỉ bắt đầu, và tất cả chúng ta cùng chờ xem, bởi những chương mới, hồi hay vẫn còn đang ở phía trước.

Theo VNMedia
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem