HMS Dreadnought: Thiết giáp hạm viết lại lịch sử hải quân thế giới

Thứ sáu, ngày 19/01/2018 16:30 PM (GMT+7)
Sự ra đời của thiết giáp hạm Dreadnought đã tác động trực tiếp tới dòng chảy của lịch sử hải quân thế giới, khi nó định nghĩa lại hoàn toàn cách con người tạo nên một chiến hạm dành cho đại dương thực thụ.
Bình luận 0

Tàu to và súng lớn

Cho đến cuối thế kỷ 19, thiết kế của thiết giáp hạm phần lớn đã ổn định theo cấu hình súng hỗn hợp với mỗi tàu được trang bị nhiều loại súng có cỡ nòng khác nhau, từ các loại hải pháo tầm xa đến vũ khí bắn nhanh tầm gần. về lý thuyết, khi mọi con tàu được trang bị như vậy, nó có thể giao chiến ở mọi tầm bắn với những khẩu súng thích hợp theo từng khoảng cách giao tranh.

Thế nhưng, bối cảnh chiến trận đã cho thấy, ý tưởng này thực ra không quá hữu dụng. Đặc biệt, trong các trận đánh của Hải quân Nga-Nhật đã cho thấy, nhiều cỡ súng chỉ làm phức tạp thêm việc điều khiển hỏa lực mà thôi. Ngoài ra, loại súng hữu ích nhất lại chính là các khẩu pháo có nòng lớn nhất (khoảng trên 300 mm) - chúng có thể bắn vào mọi mục tiêu ở khoảng cách lên tới 18 km và phát huy vai trò tốt hơn hẳn những loại vũ khí khác trên tàu.

img

 Thiết giáp hạm Dreadnought. Ảnh: Wiki.

Một ý tưởng khi này đã được nảy sinh - ý tưởng về thiết giáp hạm trang bị hoàn toàn bằng pháo cỡ lớn (không kể các loại pháo phòng không) với kích thước nòng đồng nhất. Thực ra người Nhật đã cho đóng một thiết giáp hạm như thế vào năm 1905, nhưng chính người Anh mới hoàn thiện con tàu đầu tiên. Chiếc HMS Dreadnought có lượng giãn nước 18.410 tấn, giáp dày đến 30,5cm, tốc độ tối đa lên tới 39 km/h và quan trọng nhất là mười khẩu pháo 305mm trên tàu được được đặt trên các tháp pháo với mỗi tháp hai khẩu. Đây là thiết kế độc nhất vô nhị chưa từng được biết tới trước đó.

Sức mạnh và điểm yếu

Tàu Dreadnought đầu tiên được người Anh hạ thủy lần đầu vào ngày 10.2.1906. Ngay lập tức, thiết kế này đã khiến tất cả các thiết giáp hạm kiểu cũ trở nên lạc hậu, kể cả tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh vào lúc đó. Sự kiện này, cộng thêm căng thẳng giữa các đế quốc đã dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang khổng lồ và cực kỳ tốn kém - đến năm 1918, chỉ riêng người Anh đã chế tạo đến 48 thiết giáp hạm theo kiểu thiết kế của Dreadnought và người Đức chế tạo được 26 chiếc.

img

 Các cường quốc ở châu Âu thi nhau đua đóng thiết giáp hạm để phục vụ các cuộc đại chiến. Nguồn: Pinterest.

Dreadnought trở thành danh từ chung mà người Anh dùng để ám chỉ mọi tàu chiến cỡ lớn mà trong ba thập kỷ tiếp theo đó sẽ ngày càng được đóng với kích cỡ lớn hơn, bọc giáp dày hơn và được trang bị súng lớn hơn. Cũng có một vài biến thể khác, như là tàu tuần dương thiết giáp hạm (battlecruiser) vẫn được trang bị vũ khí hạng nặng nhưng một phần giáp bị cắt giảm bớt để tăng tốc độ.

Một trong những tàu tuần dương thiết giáp nổi thiếng nhất là chiếc HMS Hood, với lượng giãn nước lên tới 47.430 tấn, mang tám pháo 381mm và chạy được với tốc độ tối đa lên tới 57km/h. Tuy nhiên, việc sàn tàu được bọc toàn bằng gỗ đã dẫn tới một nhược điểm chiết người đã dẫn tới thảm họa cho HMS Hood vào ngày 24.5.1941 khi nó bị một viên đạn bắn ra từ thiết giáp Bismark của Đức dội xuyên từ trên không, qua sàn tàu đâm thẳng vào kho đạn khiến tàu phát nổ ngay lập tức. Chỉ ba người may mắn sống sót sau vụ nổ này được tàu Đức cứu vớt.

Vận mệnh của tàu Hood minh họa cho một trong những điều trở nên vĩ đại và đáng buồn của thời đại tàu thiết giáp. Bởi chính những biểu tượng sức mạnh hoàng gia hoành tráng và được đánh giá cao này lại rốt cuộc chỉ là gánh nặng dễ bị tổn thương cho một quốc gia mà thôi.

Thế chiến thứ Nhất ít có những cuộc giao tranh giữa các chủ lực hạm cỡ lớn, ví dụ điển hình là trận Jutland vào tháng 5.1916.

img

 Một bức tranh mô tả lạ độ vĩ đại của trận hải chiến lớn nhất lịch sử nhân loại với phía Đức bao gồm 99 tàu chiến, phía Anh có 151 tàu.

Các thiết giáp hạm tốn kém đến độ tất cả các phe đều ngần ngại khi phải đối mặt với nguy cơ "mất trắng" chúng trong các cuộc đụng lớn trên biển. Qua thời gian, tàu ngầm và máy bay đã chứng tỏ chúng là những đao phủ diệt hạm đầy tự tin, đặc biệt là trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Kết quả là sau khi mất chiếc Bismark vào ngày 27.5.1941, Hải quân Đức hầu như chỉ giữ các tàu chiến của họ ở vùng biển an toàn cho tới cuối cuộc chiến tranh và đa số chúng bị phá hủy bởi những cuộc ném bom của không quân Hoàng gia Anh.

img

 Các thiết giáp hạm tỏ ra rất yếu ớt khi bị tấn công bằng bom hoặc ngư lôi - những thứ vũ khí được triển khai từ máy bay và tàu ngầm vốn có giá thành rẻ hơn nhiều so với việc đóng và vận hành thiết giáp hạm.

Các thiết giáp hạm lớn nhất từng được đóng như quái vật Yamato và Musashi của Hải quân Đế quốc Nhật Bản có lượng giãn nước lên tới 73.000 tấn và được trang bị tới 9 pháo cỡ nòng 460 mm - đều đã bị Không quân Mỹ tiêu diệt ở Thái Bình Dương. Đến cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai, cách sử dụng thiết giáp hạm hiện hữu nhất là sử dụng chúng như các dàn pháo phòng không nổi trên biển để bảo vệ các tàu sân bay cỡ lớn hoặc bảo vệ bờ biển. Dường như những khẩu súng lớn đã không còn mang tính quyết định trong thế giới của ngư lôi và bom.

Trận Jutland

Trận Jutland là cuộc đụng độ vĩ đại nhất giữa các chủ lực hạm trong lịch sử hiện đại. Các hạm đội chiến đấu của Đức và Anh lần đầu tiên và là lần duy nhất đối đầu toàn lực với nhau ở Biển Bắc, ngoài khơi Đan Mạch ngày 31.5.1916. Tư lệnh hạm đội Hochseeflotte của Đức, phó đô đốc Reinhard Scheer đã muốn tránh không giao chiến với hạm đội của Hải quân Hoàng gia đang yểm trợ cho lực lượng tàu tuần dương của thiết giáp do Phó đô đốc David Beatty chỉ huy.

Tuy nhiên, một trận đánh lớn đã xảy ra giữa các tàu chiến của Beatty và đội tàu tuần dương thiết giáp hạm của Đức, để rồi cuối cùng kéo cả đội hình chính vào trong một cuộc đấu pháo hạm long trời lở đất. Cả hai bên đều cố giành lợi thế, cuối cùng Scheer cũng phải thoát khỏi móng vuốt của Hạm đội Anh. Cả hai bên phải trả giá đắt trong một trận đấu được coi là... hòa với quân Anh mất ba tàu tuần dương thiết giáp, ba tàu tuần dương hạm và tám khu trục hạm còn Đức mất một thiết giáp hạm, một tàu tuần dương thiết giáp, ba tuần dương hạm và năm khu trục hạm.

Tuấn Anh (Kiến Thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem