Bún thải (do khách hàng trả lại) được cơ sở bún tươi Minh Hoàng gom về tái sản xuất bún. Ảnh: Mạnh Trường
Clip: Ghê người cảnh lấy bún thải trộn hóa chất thành bún tươi.
Như đã thông tin, ngày 9.1, cơ quan chức năng tại TP.HCM kiểm tra 2 cơ sở sản xuất bún tươi, phát hiện một số hóa chất dùng để tạo độ dai, bảo quản bún, trong đó có chất sodium benzoate; có cơ sở còn dùng hóa chất để “tân trang” bún cũ.
Theo lời khai của chủ cơ sở sản xuất bún tươi Minh Hoàng (QL1A, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, TP.HCM), công thức làm bún như sau: 250 kg bột gạo trộn với 20 - 25 kg bún thải (bún khách hàng trả về), pha thêm 1 muỗng bột tẩy trắng, 0,7 muỗng chất bảo quản, 1,5 muỗng chất tạo khô dai rồi xử lý qua nước sôi, rửa nguội, hong khô đóng gói bún tươi.
Theo chuyên gia hóa học Nguyễn Đình Độ (TP.HCM), sodium benzoate (hay natri benzoate), có công thức C7H5O2Na (ký hiệu E211), là muối natri của acid benzoic. Sodium benzoate có màu trắng, ở dạng bột hoặc dạng hạt tinh thể, dễ tan trong nước. Do sodium benzoate có khả năng ức chế sự phát triển của nấm mốc và các loại vi khuẩn nên được dùng làm chất bảo quản trong thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm… để thời hạn sử dụng sản phẩm được tăng lên.
“Đặc biệt, một số nhà sản xuất thực phẩm không có lương tâm còn dùng sodium benzoate trong việc “làm mới” các thực phẩm đã hư hỏng sau công đoạn “tái chế” chúng. Theo đó, bún cũ, bún ôi thiu sẽ được làm mới bằng cách dùng chất ô xy hóa mạnh như nước ô xy già để ô xy hóa các tạp chất trong bún ôi thiu. Sau đó dùng sodium benzoate để bảo quản tiếp. Thường các cơ sở sẽ dùng sodium benzoate liều cao hơn mức cho phép với suy nghĩ giúp kéo dài thời gian bảo quản hơn”, ông Độ nói. Trong khi đó, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã chỉ định mức độ an toàn đối với sodium benzoate là tối đa 0,1% trong thực phẩm và lượng tiêu thụ hằng ngày chấp nhận được cho người tối đa 5 mg/kg thể trọng.
Theo chuyên gia Nguyễn Đình Độ, đã có những trường hợp nổi mề đay, hen suyễn, viêm mũi hoặc sốc phản vệ được báo cáo sau khi tiếp xúc bằng miệng, da hoặc hít phải sodium benzoate. Các triệu chứng xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc và biến mất trong vòng vài giờ, ngay cả khi dùng liều thấp. Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng sodium benzoate làm tăng sự kích động thái quá ở trẻ em.
Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để đánh giá sự nhiễm độc gien của sodium benzoate trong tế bào người được nuôi cấy đã phát hiện ra rằng sodium benzoate làm tăng đáng kể thiệt hại đối với ADN (gây ra đột biến tế bào và ung thư) khi được thêm vào tế bào ở các nồng độ khác nhau.
Duy Tính (Thanh Niên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.