Tin từ Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, các bác sĩ vừa phẫu thuật cho một ca bệnh hy hữu: Cành cây nằm trong phổi của một chàng trai suốt 14 năm, khiến anh liên tục ho ra máu mà không tìm được nguyên nhân.
Ho ra máu dai dẳng mà khám mãi không ra bệnh
Bệnh nhân là anh T.S.T (sinh năm 2000, người dân tộc Mông, trú tại bản Tả Van Chư, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai). Bệnh nhân cho biết, suốt 14 năm nay, cuộc sống của anh gắn với những cơn ho ra máu và những cơn sốt thất thường.
T cho biết, bố mẹ anh đã đưa anh đi khám ở nhiều bệnh viện huyện, tỉnh nhưng không tìm được nguyên nhân gây bệnh hoặc uống thuốc mãi chẳng khỏi. Do đó, anh cứ chịu đựng sự đau đớn, mệt mỏi.
Đến khi đi khám tại Bệnh viện Phổi Trung ương, các bác sĩ chẩn đoán "phổi có 1 dị vật dài", nguồn cơn của những cơn ho ra máu và sốt dai dẳng của anh T.
Bệnh viện đã hội chẩn và tiến hành mổ lấy dị vật cho bệnh nhân. Các bác sĩ bất ngờ lôi từ phổi của bệnh nhân T một cành cây dài tới 6,5 cm, đường kính 0,9 cm, cành cây đâm xuyên qua thuỳ phổi phải của bệnh nhân.
Khi được cho xem cành cây ngay cả bệnh nhân cũng bất ngờ và hoảng sợ. Bệnh nhân cho biết: "Bao năm gầy yếu, khổ sở vì ho sốt, không ngờ lại do một vật thể dài chừng hơn nửa chiếc bút bi tồn tại trong lồng ngực và "sống cùng mình" trong suốt chừng ấy năm".
Lúc này, T mới nhớ, cách đây 14 năm, khi anh mới 8 tuổi trong một lần đi chơi với bạn bè trong rừng, anh bị ngã và bị một cành cây cắm vào ngực. Sau đó cành cây được rút ra, vết thương cũng lành nên anh và gia đình đã hoàn toàn quên mất về việc cành cây cắm vào ngực hồi đó.
Không ngờ, cành cây gãy đã để lại một phần trong phổi của anh, khiến anh bao nhiêu năm nay chung sống với nó mà không biết.
Ca phẫu thuật phức tạp
Bác sĩ Khiếu Mạnh Cường, Khoa Phẫu thuật Lồng ngực (Bệnh viện Phổi Trung ương), phẫu thuật viên chính trong ca mổ lấy cành cây trong phổi của bệnh nhân T cho biết, do dị vật đã tồn tại quá lâu trong phổi, đâm xuyên qua thuỳ trên, một phần thuỳ giữa của phổi phải và gây tổn thương diện rộng, nên các bác sĩ đều nhận định đây là ca phẫu thuật rất phức tạp.
Các bác sĩ không chỉ đơn thuần là lấy dị vật mà còn đòi hỏi những kỹ thuật bóc tách tổn thương một cách khéo léo, quyết định cắt bỏ hay giữ lại để bảo tồn phần nhu mô phổi lành cho người bệnh.
"Đây là ca phẫu thuật loại bỏ dị vật phức tạp nhất mà chúng tôi từng gặp, dị vật có kích thước lớn và tồn tại quá nhiều năm trong phổi nên đã gây ra rất nhiều ổ viêm nhiễm, ổ mủ tồn dư cư trú trong khoang phổi.
Ban đầu, khi hội chẩn, các bác sĩ đánh giá có thể sẽ phải cắt bỏ hoàn toàn lá phổi phải, nhưng trong quá trình thực hiện chúng tôi luôn cân nhắc, đặt câu hỏi và quyết định làm gì tốt nhất cho người bệnh. Mọi tư duy, mọi thao tác đều phải rất cẩn trọng và chính xác tuyệt đối", bác sĩ Cường chia sẻ.
Do đó, để bảo toàn phổi cho bệnh nhân, các bác sĩ đã phải rất cẩn thận, tỉ mỉ loại bỏ dị vật, loại bỏ các tổn thương trong phổi và bảo toàn phần phổi lành.
Ca phẫu thuật đã diễn ra suôn sẻ nhưng phần hậu phẫu để phổi có thể hoạt động trở lại bình thường cũng là 1 thách thức đối với các bác sĩ.
"Chỉ cần dị vật ở trong phổi thêm ít thời gian nữa thì chắc chắn sẽ phải cắt bỏ hoàn toàn 1 lá phổi. Vì vậy, người dân khi thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường về sức khoẻ chúng ta cần thăm khám tại các bệnh viện chuyên khoa sớm nhất để được chẩn đoán kịp thời, điều trị dứt điểm trước khi dẫn đến những hậu quả đáng tiếc", bác sĩ Cường khuyến cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.