Hỗ trợ 80.000 nông hộ vượt khó do hạn mặn, dịch bệnh

Quốc Hải Thứ năm, ngày 24/09/2020 12:41 PM (GMT+7)
80.000 nông hộ nhỏ thuộc 7 tỉnh khu vực miền Đông - Tây Nam Bộ sẽ được hỗ trợ nguyên liệu đầu vào (hạt giống, sản phẩm bảo vệ cây trồng), chuyển giao kiến thức - thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Các sự hỗ trợ này nhằm giúp các hộ sớm phục hồi sản xuất, ứng phó hiệu quả với hạn mặn, dịch Covid-19…
Bình luận 0

Đây là dự án hợp tác công - tư giữa Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) với tổ chức Tăng trưởng châu Á (Grow Asia) và Công ty Bayer Việt Nam, có kinh phí 320.000 euro. Dự án còn nhằm giúp các sản phẩm nông nghiệp thu hoạch từ các nông hộ này sẽ đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu.

Hỗ trợ vật tư, kiến thức

Theo cam kết của Bayer Việt Nam, dự án sẽ giúp 80.000 nông hộ nhỏ tại 7 tỉnh khu vực miền Đông - Tây Nam Bộ (trong đó hướng đến ít nhất 48% số người hưởng lợi là nữ), thông qua việc cấp phát, hỗ trợ trực tiếp hạt giống ngô cho 20.000 nông hộ trồng ngô tại 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu; cung cấp 60.000kg sản phẩm bảo vệ thực vật cho 60.000 hộ trồng lúa tại Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau.

Hỗ trợ 80.000 nông hộ vượt khó do hạn mặn, dịch bệnh - Ảnh 1.

Đời sống nông dân các tỉnh vùng ĐBSCL gặp khó khăn vì hạn hán, xâm nhập mặn. Ảnh: T.L

"Hy vọng rằng, dự án này, với sự chỉ đạo của Bộ NNPTNT, cùng với TTKNQG cũng như tổ chức Grow Asia sẽ không chỉ góp phần mang lại khả năng phục hồi cho các nông hộ sản xuất nhỏ mà còn đảm bảo tính ổn định, bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam".

Ông Weraphon Charoenpanit -

Giám đốc Kinh doanh nhánh Khoa học

Cây trồng (Bayer Việt Nam)

Bên cạnh đó, chương trình giúp nâng cao năng lực cho giảng viên khuyến nông và nông dân trong canh tác lúa và ngô bền vững thông qua hỗ trợ đào tạo, tập huấn, chuyển giao kiến thức - thực hành nông nghiệp tốt, từ đó giúp tăng hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập và sinh kế của các nông hộ nhỏ tại vùng dự án.

Riêng với lao động nữ sẽ là đối tượng được ưu tiên hỗ trợ tiếp cận với các nguồn lực và kiến thức cần thiết, giúp họ tăng cường năng lực phòng chống dịch Covid-19 và kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Với cam kết của Bayer Việt Nam, đại diện các Trung tâm Khuyến nông, Sở NNPTNT các tỉnh, thành được hỗ trợ của dự án khẳng định sẽ làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai hỗ trợ tích cực và hiệu quả nhất đến từng nông hộ nhỏ đang gặp khó khăn.

Ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, cho biết: "Đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu khiến nông dân Đồng Nai gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, thị trường co hẹp, giá nông sản sụt giảm, nhất là nông sản xuất khẩu khiến nông dân thiệt hại nặng nề. Vì vậy, dự án hợp tác công - tư này là rất thiết thực, ý nghĩa đối với các nông hộ sản xuất nhỏ vì đây là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất". 

Hỗ trợ 80.000 nông hộ vượt khó do hạn mặn, dịch bệnh - Ảnh 3.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo.

"Ngành nông nghiệp Đồng Nai sẽ hỗ trợ tích cực để dự án có thể triển khai một cách hiệu quả nhất đến từng nông hộ đang gặp khó khăn, để họ có thể sớm phục hồi sản xuất sau đại dịch và cả những tác động của biến đổi khí hậu" - ông Sinh nói.

Cam kết triển khai dự án hiệu quả nhất

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng, do thời gian khá gấp rút nên việc triển khai liệu có xảy ra tình trạng hỗ trợ "không trúng đích" hay không?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Khoa - Trưởng phòng Đào tạo huấn luyện (TTKNQG) khẳng định: Tổ chức Grow Asia sẽ giám sát dự án; TTKNQG sẽ chịu trách nhiệm điều phối hệ thống khuyến nông các tỉnh tham gia dự án, viết báo cáo kỹ thuật, cập nhật dữ liệu 80.000 nông dân hưởng lợi. Sau khi kết thúc dự án, TTKNQG sẽ gửi toàn bộ báo cáo tổng kết, báo cáo tài chính, chứng từ cho Bộ NNPTNT. Sau đó, các thông tin này sẽ được gửi cho Bayer trong vòng 60 ngày sau khi dự án kết thúc.

Hỗ trợ 80.000 nông hộ vượt khó do hạn mặn, dịch bệnh - Ảnh 4.

Hạn mạn diễn biến ngày càng khốc liệt, khiến nhiều cánh đồng lúa của ĐBSCL bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Chí Hiền - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Nai cho hay, khi triển khai dự án, số lượng nông hộ cần hỗ trợ rất lớn nhưng lực lượng nhân sự khá mỏng. Theo quy định, khi lập danh sách nông hộ nhận hỗ trợ từ dự án thì phải nhập số chứng minh nhân dân vào phần mềm, và việc này phải đi đến gõ cửa từng xã, từng hộ mới có thông tin. 

"Hiện tại, mỗi địa phương (cấp xã) chỉ có 1-2 cán bộ khuyến nông, trong khi đối tượng dự án khoảng 1.000 hộ/xã thì công tác này chiếm rất nhiều thời gian, trong khi dự án chỉ kéo dài 2 tháng" - ông Hiền nói.

Dù còn khá nhiều băn khoăn, cùng với những khó khăn trước mắt, song lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương đều tỏ ra khá vui mừng vì nông hộ trên địa bàn sẽ nhận được hỗ trợ và sẽ cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, triển khai dự án hiệu quả nhất.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc TTKNQG nhấn mạnh mong muốn hệ thống khuyến nông các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ nói chung và hệ thống khuyến nông 7 tỉnh, thành phố trong địa bàn triển khai dự án nói riêng phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương để triển khai dự án thuận lợi và đạt được hiệu quả cao nhất. 

Hướng dẫn nông dân chủ động triển khai các biện pháp phòng chống hạn, mặn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng vật tư nông nghiệp an toàn và có trách nhiệm, góp phần nâng cao sức khỏe của người dân, cộng đồng và bảo vệ môi trường… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem