Hỗ trợ nông dân trồng thanh long dùng đèn tiết kiệm điện

Hứa Phương Thứ tư, ngày 19/04/2017 10:15 AM (GMT+7)
Sau 3 năm triển khai, chương trình hỗ trợ nông dân trồng thanh long thuộc 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An thay đèn sợi đốt bằng đèn compact tiết kiệm điện của Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) được đánh giá đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, giảm vốn đầu tư công trình điện đối với ngành điện.
Bình luận 0

Chương trình ra đời từ thực tế

Mới đây, tại Bình Thuận, EVN SPC đã tổ chức Tổng kết chương trình hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay đèn sợi đốt bằng đèn compact tiết kiệm điện giai đoạn 2014 – 2016 ở 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An.

img

Nhân viên điện lực kéo dây vào vườn thanh long cho hộ trồng thanh long ở Bình Thuận. Ảnh: H.P

Ông Nguyễn Đức Phước-Phó Tổng Giám đốc EVN SPC cho biết, hiệu quả của Chương trình mang lại rất cụ thể, công suất tiết kiệm điện toàn hệ thống đã đạt mức hơn 250MW, từ đó giảm áp lực cho ngành điện trong đầu tư nâng cấp hệ thống nguồn và lưới điện, tính ra khoảng hơn 5 tỷ đồng/năm; các hộ nông dân tiết kiệm được hơn 54,5 triệu kWh/năm, tương ứng tiết kiệm chi phí tiền điện hơn 82 tỷ đồng/năm.

Cây thanh long đã và đang là cây giúp xóa đói, giảm nghèo và tiến tới làm giàu cho nhiều hộ nông dân ở các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, đồng thời đang tiếp tục phát triển ở các tỉnh khác thuộc khu vực phía Nam. Việc chong đèn kích thích thanh long ra hoa trái vụ đem lại lợi nhuận cao so với chính vụ.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện chong đèn thanh long, EVN SPC đã xây dựng thêm nhiều đường dây và trạm biến áp 110kV, đồng thời mở rộng lưới điện 22kV, nâng công suất các trạm biến áp phân phối nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu và thường xuyên bị quá tải vào mùa chong đèn.

Việc triển khai chương trình hỗ trợ nông dân khu vực trồng thanh long thay thế đèn tròn sợi đốt bằng đèn compact tiết kiệm điện là một trong những hoạt động xuất phát từ nghiên cứu thực tế, nhằm tuyên truyền quảng bá về chủ trương của Chính phủ trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Theo số liệu khảo sát của các công ty điện lực thuộc EVN SPC, chỉ tính riêng tại 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An, các hộ nông dân đang sử dụng hơn 6 triệu bóng tròn sợi đốt loại 60W để chiếu sáng kích thích cây thanh long ra hoa trái vụ.

Theo EVN SPC, năm 2006 Trung tâm Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Thuận (SEDEC) đã phối hợp Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông thử nghiệm ứng dụng đèn compact 3U 20W, ánh sáng vàng thay thế đèn tròn dây tóc 60W và 75W. Kết quả thử nghiệm cho thấy bóng đèn compact 20W hoàn toàn có thể thay thế bóng đèn sợi đốt (đèn tròn) loại 60 – 75W chong thanh long.

Ông Nguyễn Phước Đức -Phó Tổng Giám đốc EVN SPC cho biết, mặc dù các thử nghiệm khoa học đã có kết quả và thực nghiệm chứng minh hiệu quả kinh tế của việc sử dụng đèn compact thay thế đèn sợi đốt chiếu sáng cho thanh long và thực tế đèn compact đã được áp dụng ở khá nhiều nhà vườn, nhưng đèn sợi đốt vẫn còn được sử dụng nhiều, do giá đèn compact dùng  để chong thanh long còn cao nên cần có chương trình hỗ trợ nông dân chuyển đổi bóng đèn.

Một việc làm, hai hiệu quả

Để thực hiện chương trình, EVN SPC đã xây dựng quy trình phối hợp và chính sách hỗ trợ các đoàn thể tham gia quảng bá, đổi đèn tại 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang.

Theo đó, ngành điện hỗ trợ quảng bá chương trình, hỗ trợ nhân công thay đèn, thu hồi đèn sợi đốt của nông dân… Nhà cung cấp giảm giá đèn 10% so với giá thị trường. Giá bán đèn compact triển khai trong chương trình theo 2 hình thức: Trả tiền ngay khi mua đèn với giá 29.280 đồng/bóng đèn và trả chậm với giá 30.500 đồng/bóng đèn.

Đã có hơn 2.300 hộ tham gia với hơn 2 triệu bóng compact được đổi. Trong đó, số lượng hộ tham gia nhiều nhất là ở Bình Thuận với hơn 1.500 hộ, tiếp đến là Tiền Giang có hơn 500 hộ và Long An có hơn 200 hộ tham gia. Tổng chi phí hỗ trợ chương trình là gần 17,6 tỷ đồng.

Với hơn 2 triệu đèn đổi từ chương trình này tiết kiệm được hơn 54.000 MWh điện/năm, tương ứng hơn 82 tỷ đồng/năm.

Đối với ngành điện, việc làm trên sẽ góp phần đảm bảo cung cấp điện cho các tỉnh; đồng thời tiết kiệm vốn đầu tư nguồn và lưới điện, tạo cơ hội để đầu tư các công trình cấp bách khác.

Bên cạnh đó, chương trình còn giúp cắt giảm hơn 200.000 tấn CO2, góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra, chương trình cũng giúp nâng cao nhận thức cộng đồng và xã hội trong việc tiết kiệm điện và sử dụng điện có hiệu quả. 

Ông Lương Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đánh giá, đây là chương trình mang lại hiệu quả thiết thực cho người trồng thanh long của tỉnh Bình Thuận nói riêng và Tiền Giang, Long An nói chung. Có thể gọi đây là “một việc làm, hai hiệu quả” vì chương trình không chỉ giúp người trồng thanh long tiết kiệm điện nâng cao thu nhập mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm khí thải...

“Tôi đề nghị Hội Nông dân các cấp của tỉnh Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để bà con thấy được hiểu quả của chương trình và tham gia. Vì hiện nay thanh long đang là cây trồng chủ lực của Bình Thuận và thanh long trái vụ đang mang lại hiệu quả cao cho người trồng” - ông Hải đề nghị. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem