Thuần Việt
Thứ sáu, ngày 20/10/2023 12:22 PM (GMT+7)
Hòa Bình – cửa ngõ phía Tây Bắc không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn sở hữu tiềm năng lớn về đất đai, nhân lực, tài nguyên… phục vụ phát triển.
Với tầm nhìn xa và quyết tâm mở cửa đón đầu các cơ hội đầu tư để khai thác tiềm năng của tỉnh nhà, tỉnh Hòa Bình đã tạo ra môi trường thân thiện và thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư.
Hòa Bình có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên tuyến giao thông quan trọng từ Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc. Ngoài ra, Hòa Bình còn sở hữu nhiều nguồn tài nguyên quý giá như điện lực thủy điện, khoáng sản và nông sản phong phú. Sự đa dạng này tạo ra nền tảng vững chắc để phát triển nhiều ngành kinh tế, từ du lịch, năng lượng, nông nghiệp đến công nghiệp chế biến.
Tháo gỡ, đồng hành cùng doanh nghiệp
Tỉnh Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập 8 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 1.500ha; đang đề nghị mở rộng Khu công nghiệp Lạc Thịnh lên khoảng 1.000ha, bổ sung thêm 3 khu công nghiệp mới với diện tích trên 1.260ha và 21 cụm công nghiệp với diện tích trên 800ha.
Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư gắn với giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2023 do tỉnh Hòa Bình tổ chức đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Thương mại và Du lịch tỉnh Hòa Bình, trong 5 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 145 doanh nghiệp, số hoạt động trở lại là 77 doanh nghiệp; trên địa bàn có 726 dự án đang hoạt động; trong đó có 37 dự án đầu tư vốn nước ngoài với tổng số vốn đầu tư khoảng 608 triệu USD và 690 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư khoảng 181.392 tỷ đồng. Tổng số dự án đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh Hòa Bình là 107 dự án; trong đó 25 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đăng ký 519,33 triệu USD và 82 dự án đầu tư trong nước, tổng số vốn đăng ký 15.814 tỷ đồng.
Tại hội nghị, có 14 nhóm ý kiến, kiến nghị thuộc 11 lĩnh vực về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp nêu rõ một số khó khăn hiện nay như: các đồ án quy hoạch của tỉnh chậm triển khai, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, đặc biệt là công tác xác định giá đất bồi thường, giá thuê đất có nhiều vướng mắc đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai các dự án.
Các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh không có quỹ đất sạch để thu hút đầu tư và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là tình trạng điện sản xuất không ổn định gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cho rằng thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư còn kéo dài, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần.
Trước những khó khăn mà các nhà đầu tư và doanh nghiệp gặp phải, lãnh đạo và các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình cũng đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ. Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình khẳng định đã, đang và sẽ nỗ lực tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi và thân thiện với các nhà đầu tư. Đồng thời với cam kết, chính quyền địa phương đã đưa ra những chính sách hỗ trợ, khuyến khích và giảm thiểu khó khăn cho các dự án đầu tư mới. Ngoài ra, Hòa Bình đã quan tâm đến việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.
"Cải thiện môi trường kinh doanh, đồng hành hỗ trợ thiết thực, cụ thể cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư là nhiệm vụ xuyên suốt lâu dài của cả hệ thống chính trị" - ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.
Lắng nghe và đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư
Thời gian qua, UBND tỉnh Hòa Bình cũng chú trọng và tập trung chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn theo quy hoạch. Trong đó, tỉnh thực hiện một số giải pháp trọng tâm là: Hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, lấy đó làm định hướng phát triển và quản lý quy hoạch; huy động các nguồn lực đầu tư vào những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như du lịch, đô thị sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến, chế tạo điện tử, năng lượng sạch…
Tỉnh Hòa Bình cũng đang gấp rút hoàn thiện các tiêu chí quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình để sớm đạt tiêu chí khu du lịch quốc gia. Ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội, nhất hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, phối hợp triển khai tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La); mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc đến thành phố Hòa Bình nhằm nâng cao năng lực, tăng cường kết nối Hòa Bình với các vùng trọng điểm kinh tế. Chỉ đạo đẩy nhanh các tuyến đường trọng điểm như: Đường liên kết vùng; đường nối đường Trần Hưng Đạo với phường Dân Chủ, thành phố Hòa Bình; đường nối thị trấn Lương Sơn với Xuân Mai; các dự án khu công nghiệp trọng điểm Nhuận Trạch, Yên Quang, Bình Phú; các dự án đô thị sinh thái tại 2 huyện Kim Bôi, Lạc Sơn… góp phần tạo sự bứt phá thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Hòa Bình không chỉ tạo ra môi trường thuận lợi mà còn lắng nghe và đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Thông qua các cuộc hội thảo, gặp gỡ và trao đổi thông tin, chính quyền tỉnh đã tiếp nhận ý kiến và đề xuất từ các nhà đầu tư để cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời, Hòa Bình cũng tạo ra cơ chế hỗ trợ và đối thoại liên tục với các doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động.
Từ việc tận dụng tiềm năng kinh tế đa dạng cho đến xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi và lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư, Hòa Bình đang khẳng định là một địa điểm hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Từ việc phát triển du lịch, năng lượng, nông nghiệp đến công nghiệp chế biến, Hòa Bình đang mở rộng các lĩnh vực kinh tế và đa dạng hóa nguồn thu. Qua việc lắng nghe và đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, tỉnh Hòa Bình đang tạo ra một môi trường kinh doanh thân thiện và đáng tin cậy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.