Hoa đại sân trường Toul Sleng

Thứ ba, ngày 08/01/2013 06:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một bác gác cổng hiền hòa ngồi ngay cạnh lối vào. Những bông hoa đại nằm rải rác trên sân trường đầy nắng. Thật khó hình dung đây lại là một bảo tàng chứng tích diệt chủng, một địa điểm lưu giữ những trang sử đau thương nhất của dân tộc Campuchia.
Bình luận 0

Một bác gác cổng hiền hòa ngồi ngay cạnh lối vào. Những bông hoa đại nằm rải rác trên sân trường đầy nắng. Hàng dừa cao vút rì rào... Ngay ở góc sân, dưới bóng những cây đại, vẫn còn nguyên 14 ngôi mộ của các thầy cô giáo bị chặt đầu trước khi quân Khmer Đỏ rút đi vào tháng 1.1979.

Nhà trường biến thành nhà tù

img
Tượng đầu các lãnh đạo Pol Pot nhốt trong lồng sắt tại Toul Sleng

Tháng 4.1975, sau khi giành được chính quyền, Khmer Đỏ đã bắt tất cả người dân thủ đô Phnom Penh rời khỏi thành phố, biến Phnom Penh thành nơi giam giữ, tù đày, tra tấn, hành quyết tất cả những người mà chúng không ưa. Và Trường Trung học Toul Sleng - ngôi trường nằm ngay trung tâm thành phố, cũng trở thành một nhà tù. Những lớp học bị biến thành xà lim. Phòng giám hiệu biến thành phòng tra tấn.

Sân trường là nơi đặt các chum nước, giá treo, giường trói... - những dụng cụ hành hạ tù nhân cho đến chết. Khuôn viên nhà tù đâu có lớn, vài ngôi nhà ba tầng, hai khoảnh sân. Vậy mà chỉ trong mấy năm, đã có khoảng 12.000 tù nhân bị đưa đến đây (có tài liệu nói là 17.000 người). Và một “kỷ lục” vô tiền khoáng hậu của Toul Sleng là tất cả các tù nhân ở đây đều bị giết chết, hoặc ngay trong nhà tù, hoặc bị đưa ra “cánh đồng chết” cách đó 12km để hành quyết. Vì số người cần phải hành quyết nhiều quá, quân Khmer Đỏ đã “tiết kiệm”, không dùng đến súng đạn, mà bổ cuốc vào đầu các nạn nhân.

Tại Toul Sleng hiện vẫn còn lưu giữ hàng ngàn hiện vật của những tháng ngày đau thương đó: Những gông cùm, cuốc chim, kìm, búa, bể nhận nước, giường gai, hàng đống sọ người - với một lỗ khoan thủng ở sau gáy...

Trong số rất nhiều bức ảnh của các nạn nhân treo trên tường, có một tấm khiến tất cả những ai chứng kiến đều phải nhói lòng: Một cô giáo đã bị giết chết bằng cách khoan vào sọ ngay sau khi sinh con 7 ngày. Tội của cô là đã trót yêu thương và sinh con không theo sự phân công của các Ăng-ka (chỉ huy). Trong căn phòng xà lim nơi cô chết, bên cạnh cái ghế khoan sọ, có một bức tranh tái hiện cảnh những tên Ăng-ka to lớn, dữ dằn, mặc áo bà ba đen, quấn khăn rằn đỏ, giật sinh linh bé bỏng khỏi vòng tay người mẹ...

Ông già 82 tuổi Chum Mei nói với tôi: “Còn sống ngày nào, còn một hơi thở, tôi còn phải tố cáo chế độ Pol Pot”. Nhưng thật lạ, trong câu chuyện của ông, tôi không đọc thấy sự oán hận. Thậm chí ông còn nói: Nếu những tên đó (những kẻ đã tra tấn ông) còn sống và đến gặp tôi, có lẽ tôi cũng không giận dữ với họ. Bởi nếu không làm thế (tra tấn tù nhân) họ cũng bị Ăng-ka giết...

Chum Mei

Và ngay trên sân trường, còn một nhân chứng khác, vẫn sống bằng xương bằng thịt. Xà lim số 122, nơi ông từng bị nhốt, nằm ngay cạnh chỗ ông đứng bán sách hiện nay. Ông tên là Chum Mei - 1 trong 8 tù nhân còn sống sót ở Toul Sleng sau khi bộ đội Việt Nam tiến vào giải phóng Phnom Penh tháng 1.1979.

Chum Mei có nước da đen cháy điển hình của người Khmer. Trong số những quyển sách ông bán có một quyển mà chính ông là tác giả - cuốn “Sống sót” (Survivor). Bìa cuốn sách in hình ông đang đứng sau chấn song sắt. Cuốn sách kể về nhà tù Toul Sleng, về việc ông - một tù nhân của nhà tù, đã bị bắt vào đây một cách vô lý như thế nào, bị tra tấn dã man như thế nào để buộc phải khai nhận là người của CIA, KGB, và đã may mắn như thế nào khi còn sống...

img
Chum Mei (phải) - một trong những tù nhân còn sống sót tại Toul Sleng, và tác giả bài viết.

Nhưng như ông tâm sự trong cuốn sách của mình: “Tôi sống sót nhưng không thể nói rằng mình may mắn. Vợ và các con tôi đã chết, còn các cuộc tra tấn mãi mãi để lại trong tôi những ký ức hãi hùng. Nhiều khi thậm chí chết đi còn tốt hơn là sống. Nhưng Phật đã để cho tôi sống, và tôi tin rằng nghĩa vụ của tôi là phải nói lên sự thật về những điều đã xảy ra, nói với tất cả mọi người, người Khmer, người Chăm, người Trung Quốc, người Việt... để những người đã chết sẽ không bị quên lãng...”.

Chum Mei là một trong những nhân chứng ít ỏi năm 2009 đã ra trước Tòa án quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC) để kết tội Duch - tên đao phủ giám đốc nhà tù Toul Sleng về các tội ác chiến tranh, chống lại loài người, tra tấn và giết hại những người dân vô tội. Duch đã bị kết án chung thân vì ECCC không được phép xử tử hình. Trong một xà lim ở Toul Sleng, tôi nhìn thấy những cái tượng đầu của Pol Pot, Yeang Sary và các lãnh đạo của chế độ diệt chủng bị bỏ trong một cái lồng sắt, nằm chỏng chơ ở góc phòng. Có lẽ nặng hơn mọi hình phạt chính là sự căm thù, ghê tởm, nguyền rủa, và cả... lãng quên của tất cả mọi người dành cho những kẻ sát nhân.

Những nụ cười

Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm. Hòa bình và nụ cười đã trở lại với đất nước Chùa Tháp. Mọi vết thương, dù sâu đến đâu, rồi cũng sẽ dần lành sẹo. Tại lối vào đền Ta Prohm nổi tiếng - nơi Hollywood đã quay bộ phim “Tom Raider - Bí mật ngôi mộ cổ” do nữ minh tinh Angielina Jolie thủ vai chính, tôi gặp một ban nhạc đang chơi những khúc dân ca Khmer rộn rã.

img
Ban nhạc của các chiến sĩ Campuchia bị thương trong cuộc chiến với Pol Pot tại lối vào đền Ta Prohm

Khi thấy đoàn khách Việt tới, các anh chuyển sang tấu bài “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”. Đến đoạn điệp khúc “Việt Nam - Hồ Chí Minh”, sau mỗi câu hát các anh lại hô “Muôn năm, muôn năm, muôn năm...” rất hào hứng. Hỏi mới biết đó là một ban nhạc của những anh bộ đội Campuchia đã sát cánh cùng quân tình nguyện VN đuổi đánh Khmer Đỏ, không may bị thương. Người mất chân, người mất tay...

Trong những ngày ở Campuchia, chúng tôi được đến thắp hương trước Đài Tưởng niệm bộ đội tình nguyện VN. Giữa quảng trường rộng mênh mông là một tổ hợp tượng đài bằng xi măng cao hơn 10m, thể hiện một người lính tình nguyện VN, một anh bộ đội Campuchia, và một cô gái Khmer bế một em nhỏ trên tay. Nhiều khách du lịch VN đi ngang qua cứ hay đùa rằng không hiểu đứa bé đó là con ai?

Nhưng người Campuchia thì không thích đùa như vậy. Non Nara - hướng dẫn viên du lịch, nói với chúng tôi bằng một thứ tiếng Việt rất sõi: “Hàng ngàn anh bộ đội VN đã bỏ xác trong các cánh rừng thốt nốt, đã vĩnh viễn nằm lại xứ sở này. Dù là con ai thì chúng tôi cũng mãi mãi biết ơn các anh...”.

img
Non Nara (đứng) - hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Việt rất sõi

Nara năm nay 30 tuổi, anh đã được cử sang VN học tiếng Việt ở TP.HCM từ năm 1998, khi Chính phủ Campuchia bắt đầu mở cửa, coi mối bang giao với VN, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, là một nền tảng quan trọng trong chính sách phát triển của mình. Theo thống kê, năm 2012 vừa qua, lượng du khách VN đến Campuchia tăng 25%, đứng số 1 so với tất cả các nước khác. Đi với nhau mấy ngày, chúng tôi đều cảm nhận được Nara rất cố gắng.

Anh luôn chắp tay ngang cằm cảm ơn mỗi khi du khách lắng nghe những câu chuyện của anh về văn hóa, lịch sử, kiến trúc... dân tộc Khmer. Và Nara luôn cười rất tươi mỗi khi du khách mua bất kỳ món đồ gì - dù rất nhỏ như một xâu kẹo vừng, mấy con châu chấu nướng, giá chỉ vài chục cen đến 1 đô... Anh bảo: Điều đó giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân quê anh, góp phần vào sự phát triển của đất nước Campuchia.

img
Tượng đá Bayon ở đền Ăngkor Thom

Và tôi lại nhớ tới những nụ cười bất tuyệt trên mặt các pho tượng đá Bayon ở đền Ăngkor Thom đã trường tồn cùng với thế gian này gần 1.000 năm. Nhớ những bông hoa đại bình yên và nụ cười của người bán sách Chum Mei trong sân trường Toul Sleng... Tôi vẫn muốn gọi đó là trường học chứ không phải nhà tù. Không nhà tù nào có thể giam hãm, đày đọa một dân tộc đã tạo nên những nụ cười như vậy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem