Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hiện nay, việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp nói chung và các cuộc thi hoa hậu nói riêng được điều chỉnh bởi Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính Phủ quy định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
Theo khoản 2 Điều 14 Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định nếu cuộc thi người đẹp, người mẫu không thuộc hình thức là cuộc thi dành cho tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nội bộ của cơ quan và tổ chức, phải thực hiện quy định tại Điều 16 Nghị định 144/2020/NĐ-CP về thủ tục đề nghị cấp văn bản chấp thuận tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu.
Theo đó, về điều kiện tổ chức thi hoa hậu theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 144/2020/NĐ-CP như sau: Phải là đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật; hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn; tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật.
Phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự an toàn xã hội, môi trường, y tế và phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật. Có văn bản chấp thuận tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Về thẩm quyền chấp thuận tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức cuộc thi.
Về số lượng cuộc thi sắc đẹp, ông Cường cho biết, trước đây, Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định đối với cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc (hay còn gọi cuộc thi hoa hậu) mỗi năm tổ chức không quá 2 lần.
Hiện nay Nghị định 144/2020/NĐ-CP thay thế cũng không còn quy định cụ thể các về tiêu chí, tiêu chuẩn tham dự, tiêu chuẩn lựa chọn hoa hậu, á hậu; quyền lợi khi đạt giải và nhiệm vụ, trách nhiệm của hoa hậu sau khi đăng quang.
Về câu hỏi, khi nào một hoa hậu sẽ bị tước vương miện, Tiến sĩ Đặng Văn Cường viện dẫn, theo quy định tại Điều 18 Nghị định 144/2020/NĐ-CP về thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn, cuộc thi người đẹp, người mẫu thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định này yêu cầu thu hồi danh hiệu khi cá nhân đạt danh hiệu, giải thưởng vi phạm quy định tại Điều 3 Nghị định này.
Cụ thể, theo Điều 3 Nghị định 144/2020/NĐ-CP, các hành vi vi phạm bao gồm: Chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Xâm phạm an ninh quốc gia, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo, phân biệt chủng tộc, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại.
Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.
Ngoài ra, một hoa hậu sẽ bị thu hồi danh hiệu, giải thưởng nếu cuộc thi được tổ chức không đúng với nội dung đề án theo hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận hoặc nội dung thông báo.
Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, tổ chức, cá nhân tổ chức cuộc thi thu hồi danh hiệu, giải thưởng theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc thu hồi danh hiệu, giải thưởng và chịu trách nhiệm bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.
Trường hợp việc thu hồi không được thực hiện, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định hủy kết quả cuộc thi sau 5 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản yêu cầu thu hồi và đăng tải thông tin hủy kết quả cuộc thi, liên hoan trên hệ thống thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.