Hòa nhau 0-0, cả Hà Lan, Pháp yếu hơn Đức và Tây Ban Nha?

Phạm Trần Oánh Thứ bảy, ngày 22/06/2024 14:40 PM (GMT+7)
Trong 1 cuộc đối đầu cụ thể, ĐT Pháp hay ĐT Hà Lan có thể có chiến thắng trước ĐT Đức hay ĐT Tây Ban Nha. Nhưng nếu cân sức mạnh của các đội bóng dựa trên năng lực thực hiện chiến thuật được thể hiện qua 2 lượt trận đấu vừa rồi, cả ĐT Pháp và ĐT Hà Lan đều yếu hơn.
Bình luận 0

Hà Lan và Pháp cùng gây thất vọng

ĐT Pháp đã hòa không bàn thắng với ĐT Hà Lan trong 1 trận đấu mà thế trận tương đối cân bằng. Đây là cuộc đối đầu của 2 đội bóng được đánh giá là mạnh nhất bảng.

Theo dõi trận đấu này, người ta muốn xem 2 đội bóng khắc phục thế nào với những điểm yếu đã bộc lộ trong trận đấu đầu tiên của họ trước các đối thủ được cho là yếu hơn, đó là trận ĐT Pháp gặp ĐT Áo và ĐT Hà Lan gặp ĐT Ba Lan.

Hòa nhau 0-0, cả Hà Lan, Pháp yếu hơn Đức và Tây Ban Nha?- Ảnh 1.

Griezmann chơi thất vọng khi Mbappe vắng mặt. Ảnh: Reuters

Đầu tiên là ĐT Pháp. Việc Mbappe bị chấn thương phải ngồi ngoài khiến cách bố trí hàng tấn công của ĐT Pháp thay đổi. Antoine Griezmann được đẩy lên đá tiền đạo. Không biết có phải do HLV Didier Deschamps nhắc nhở, rút kinh nghiệm từ trận đấu trước, hay do sự thay đổi con người này mà điểm yếu về tính liên kết, khả năng phối hợp của hàng tiền đạo ĐT Pháp đã được cải thiện trong trận này.

Khi điểm yếu về sự phối hợp được khắc phục, hàng công ĐT Pháp phối hợp với nhau tốt hơn và tạo ra được nhiều cơ hội nguy hiểm hơn, đặc biệt là trong hiệp 1. Đáng tiếc là họ đã bỏ lỡ tất cả các cơ hội đó.

Nhưng có vẻ sẽ hơi phiến diện khi coi việc không tận dụng được các cơ hội ghi bàn trong trận đấu này là một điểm yếu của "Các chú gà trống Gaulois". Đôi khi, ở thời điểm nào đó trong trận đấu, thời điểm nào đó trong sự nghiệp thi đấu của 1 cầu thủ, anh ta thiếu sự hoàn hảo trong việc thực hiện động tác của mình.

Có lẽ đó là những gì đã diễn ra với Griezmann hay Dembele trong trận đấu này. Kém cỏi trong khâu dứt điểm không phải là điểm yếu cố hữu của họ.

Hòa nhau 0-0, cả Hà Lan, Pháp yếu hơn Đức và Tây Ban Nha?- Ảnh 2.

Pháp không đạt hiệu quả cao như mong đợi. Ảnh: Reuters

Còn về phía ĐT Hà Lan, bằng chứng về việc cải thiện khả năng dứt điểm vẫn chưa có khi họ không ghi thêm được bàn thắng nào trong trận đấu này. Cho dù điểm mạnh về tốc độ, tính sáng tạo và chính xác trong các tình huống chuyển đổi trạng thái, từ không kiểm soát bóng sang kiểm soát bóng, tổ chức phản công của các cầu thủ Hà Lan tiếp tục phát huy tác dụng trước ĐT Pháp.

Hàng phòng ngự của ĐT Hà Lan tiếp tục có những sơ hở. May mắn cho họ là các tiền đạo Pháp không tận dụng tốt cơ hội. Có nhiều bằng chứng cho sự sơ hở, non kém trong phòng ngự của ĐT Hà Lan, điển hình là pha dứt điểm bằng chân thuận của Antoine Griezmann trong hiệp 1. Là cầu thủ Pháp duy nhất ở thời điểm đó đứng trong vòng 16m50 giữa 6 cầu thủ phòng ngự Hà Lan, anh vẫn thoải mái nhận đường chuyền của Kante và sút bóng ở trạng thái không bị cản phá.

Qua 2 lượt trận đấu, nếu so sánh với ĐT Đức và ĐT Tây Ban Nha (TBN), khả năng phối hợp kiểm soát bóng của ĐT Pháp và ĐT Hà Lan là kém hơn nhiều. Thời gian cho 1 lần kiểm soát bóng của các cầu thủ 2 đội bóng này ngắn hơn đáng kể ĐT Đức và TBN. Một trong các lý do là họ hay để mất bóng trong giai đoạn kiểm soát bóng hơn.

Hòa nhau 0-0, cả Hà Lan, Pháp yếu hơn Đức và Tây Ban Nha?- Ảnh 3.

Hà Lan khiến Pháp "giật mình" với cú dứt điểm tung lưới thủ môn Maignan nhưng không được công nhận là bàn thắng. Ảnh: Reuters

Khi để mất bóng, tính quyết liệt, hiệu quả trong các pha counter-press (tổ chức truy cản cướp lại bóng ngay khi vừa mất bóng) cũng không được như các cầu thủ Đức và TBN. Thay vào đó, họ có xu hướng lùi nhanh về, tái cấu trúc, ổn định hàng phòng thủ (reshape). Điều này làm giảm áp lực lên cầu thủ đối phương vừa có bóng, giảm khả năng tạo ra các tình huống đột biến, vì quy luật là thời điểm dễ cướp được bóng nhất là khi bạn vừa để mất bóng.

Khả năng thoát pressing của hàng phòng ngự ĐT Pháp và ĐT Hà Lan cũng không hay bằng của ĐT Đức và ĐT TBN. Trong khi hậu vệ 2 đội này vẫn thỉnh thoảng phải phá bóng lên trên thì các cầu thủ hậu vệ Đức và TBN gần như không bao giờ làm điều đó. Việc này làm ảnh hưởng đến khả năng tạo ra được các cuộc phản công và cũng là lý do làm cho thời gian kiểm soát bóng của mỗi lần cầm bóng ngắn hơn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem