Hòa Phát của ông Trần Đình Long tự tin vượt Formosa
Hòa Phát của ông Trần Đình Long tự tin vượt Formosa
Nhật Minh (t/h)
Thứ bảy, ngày 16/05/2020 07:51 AM (GMT+7)
Trong năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long đặt kế hoạch lợi nhuận 9.000 - 10.000 tỷ năm 2020, tự tin vượt Formosa trở thành tập đoàn thép lớn nhất Việt Nam vào năm 2021. Các bước đi mảng nông nghiệp sẽ vẫn thận trọng do vấn đề môi trường và dịch bệnh.
CTCP Tập đoàn Hòa Phát vừa tổ chức cuộc họp các nhà phân tích (analyst meeting) trước thềm Đại hội đồng cổ đông năm 2020 (ĐHĐCĐ).
Chia sẻ tại cuộc họp, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết, HĐQT sẽ tiến hành họp và chốt số liệu trước khi trình ra ĐHĐCĐ vào thangs 6 tới đây. Theo dự tính ban đầu, Hòa Phát đặt kế mục tiêu hoạch doanh thu từ 85.000 – 90.000 tỷ đồng, tăng 31-39% so với thực hiện năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đặt kế hoạch từ 9.000 – 10.000 tỷ, tương ứng tăng từ 18-32% so với năm liền trước. Năm 2019, Tập đoàn đạt gần 65.000 tỷ đồng doanh thu và hơn 7.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế
Như vậy, bình quân mỗi ngày Hòa Phát của ông Trần Đình Long sẽ thu về gần 250 tỷ đồng doanh thu và làm ra 27 tỷ đồng lợi nhuận.
Thị trường Trung Quốc là "phép thử"
Trong cơ cấu doanh thu kế hoạch 2020, doanh thu mảng thép khoảng 70.000 tỷ đồng, sản lượng thép xây dựng dự kiến 3,6 triệu tấn, 800.000 tấn phôi và khoảng 500.000 tấn thép cuộn cán nóng (HRC).
Đánh giá về tác động của Covid-19, Chủ tịch Long cho rằng ngành thép ít bị ảnh hưởng, sau khi các nền kinh tế phong tỏa thì hậu tái thiết sẽ phải đầu tư công rất nhiều. Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Long tiêu thụ thép của Hòa Vẫn sẽ vẫn tăng trưởng dương.
Đặc biệt, gói đầu tư công 700.000 tỷ của Việt Nam chủ yếu giải ngân vào đường xá cầu cống, thì thép sẽ tiêu thụ tương đối tốt. "2020 tăng trưởng tiêu thụ thép sẽ là số dương chứ không phải số âm", ông Long nhận định.
Cũng theo dự kiến của Tập đoàn, sau khi 4 lò cao của Hòa Phát đi vào hoạt động năm 2020, Hòa Phát sẽ sản xuất 8 triệu tấn thép mỗi năm, vượt Formosa (6 triệu tấn), trở thành công ty thép lớn nhất Việt Nam.
"Cách đây 3-4 cuộc gặp cổ đông trước đây, chúng tôi đã nói mọi sự so sánh Hòa Phát với Formosa hơi khiên cưỡng, đến 2021 khi 4 lò cao của Hòa Phát đi vào hoạt động thì Hòa Phát sẽ lớn nhất Việt Nam chứ không phải Formosa với 8 triệu tấn thép thô/năm, Formosa sản xuất 6,5 triệu tấn", Chủ tịch Trần Đình Long chia sẻ.
Về thị trường tiêu thụ, dù thị trường chính của Hòa Phát là nội địa nhưng trong quý I vừa qua Hòa Phát xuất khẩu rất mạnh. Trong đó có xuất khẩu phôi sang Trung Quốc.
Theo ông Long, việc Hòa Phát tiếp cận được thị trường Trung Quốc "là một phép thử tuyệt vời, vì vào được thị trường Trung Quốc là không còn gì để nói nữa. Trung Quốc là một cường quốc sản xuất 60% sản lượng thép của toàn thế giới, mà Hòa Phát vào được cho thấy sức cạnh tranh tốt như thế nào". Tuy nhiên chính sách của Hòa Phát không bỏ hết vào một giỏ nên Tập đoàn phát triển các thị trường xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á.
"Quan trọng là giá mình có cạnh tranh không, đấy là gốc rễ của vấn đề", ông Long nói. "Công đoạn càng ngắn, margin càng thấp, nhưng tôi khẳng định xuất khẩu phôi có lãi, theo giá thị trường, tất nhiên là không cao như thép thành phẩm, nhưng quan trọng nhất là xuất đi được sang Trung Quốc".
Kế hoạch vạn tỷ doanh thu từ nông nghiệp năm 2020
Đối với mảng nông nghiệp, theo kế hoạch được đưa ra, doanh thu nông nghiệp của Hòa Phát khoảng 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận 1.200 tỷ đồng trong năm 2020. Công ty dự kiến tiêu thụ 150.000 bò Úc, khoảng 200.000 lợn và trứng gà 700.000 quả.
Đánh giá về lĩnh vực này, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết, "mảng nông nghiệp quá tốt", "2 con bò nhập khẩu từ Úc thì chúng tôi có 1 con, 5 tuổi bước chân vào ngành bò, làm cẩn thận và vững chắc, trứng gà hiện nay cũng đang số 1 Việt Nam mỗi ngày tiêu thụ 400.000 quả".
Mặc dù quý I lợi nhuận nông nghiệp đã đạt 500 tỷ, nhưng ông Long cho rằng không thể nhân 4 kết quả của quý I cho cả năm vì có thể cuối năm giá thịt heo sẽ giảm do yêu cầu của Chính phủ muốn kéo giá heo hơi xuống.
Ở thời điểm hiện tại, Hòa Phát mỗi năm tiêu thụ khoảng 150.000 con bò, 200.000 con heo và 700.000 con gà. Tỷ trọng lợi nhuận phân bổ mảng heo 60%, bò 30% và 10% còn lại từ gà và thức ăn chăn nuôi.
Kết quả tích cực song người đứng đầu của Tập đoàn Hòa Phát nhấn mạnh, các bước đi mảng nông nghiệp sẽ vẫn thận trọng do vấn đề môi trường và dịch bệnh.
Đề cập đến mảng bất động sản, Chủ tịch Hòa Phát cho biết mảng này chiếm 1% doanh thu và 3% lợi nhuận trong quý I. Trong tương lai, đóng góp từ mảng này sẽ còn nhỏ hơn, công ty không quá chú trọng vào lĩnh vực này.
Kết luận buổi họp, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long cho rằng "từ trước tới nay mọi người đều cho rằng lãnh đạo của Hòa Phát rất cẩn trọng và bảo thủ, chúng tôi đi tiên phong và cũng liều nhưng qua đợt Covid vừa rồi bước đi của Hòa Phát nhận được kết quả tốt. Nhiều doanh nghiệp khác đang ngồi trên đống lửa trả nợ, chúng tôi cầm 7.000 tỷ thoải mái, còn xin ĐHCĐ trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Toàn bộ doanh thu năm nay không xây dựng trên HRC nên vẫn vững vàng. Bảo thủ vẫn có mặt tích cực chứ không phải không. Năm nay HRC không có cũng không sao, chúng tôi vẫn trả lãi ngân hàng thoải mái, vẫn chia cash cho cổ đông".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.