Nhắc đến Hòa Thân, chắc hẳn các bạn đọc sẽ mường tượng ngay đến một người đàn ông với cái đầu tròn bóng loáng, thân hình mập mạp cùng điệu cười gian trá.
Qua khả năng diễn xuất tuyệt vời của Vương Cương, hẳn những ai yêu thích bộ phim Tể tướng Lưu gù hẳn đều sẽ nhớ rõ vị quan tham bậc nhất thời nhà nhà Thanh này.
Song, phim truyền hình suy cho cùng cũng đã phần nhiều hư cấu, xây dựng kịch tính hơn sự thật, thậm chí đến mức khiến cho công chúng đều nghĩ rằng Hòa Thân chỉ là một tên quan tham, là tên hề, là nịnh thần chỉ biết "mua vui" cho Càn Long, suốt ngày đối chọi với Lưu Dung, Kỷ Hiểu Cương cùng các quan viên khác, làm trò hề, "dỗ" cho Hoàng thượng vui vẻ.
Song, thực tế trong lịch sử, Hòa Thân sinh ra trong gia tộc Chính Hồng Kỳ Mãn tộc Nữu Hỗ Lộc thị, những dấu ấn Hòa Thân lưu lại trong lịch sử không phải là chiêu trò nịnh bợ mà chính là tài học vấn uyên bác, sự nỗ lực cần cù cùng sự giỏi giang thành thạo của chính ông.
Chưa nói đến những khả năng khác, bản thân Hòa Thân có một trí nhớ siêu phàm, việc ông có thể thuộc nằm lòng hàng loạt các cuốn sách phức tạp đã có thể được xem là vô cùng tài giỏi rồi.
Hơn thế nữa, dù tuổi còn trẻ nhưng Hòa Thân đã sử dụng thành thạo các loại ngôn ngữ như tiếng Hán, tiếng Mãn, tiếng Mông Cổ, tiếng Tây Tạng, quả thực có thể xem như nhân tài hiếm thấy trên thế gian.
Càn Long từng đánh giá Hòa Thân rằng: "Trong số các quan lại, người thông thạo ngoại ngữ đã là rất hiếm, chỉ có mình Hòa Thân là hiểu được ý chỉ, lại làm việc cẩn thận, gọn gàng, có thể xem là người có năng lực ".
THAM Ô LÀ DO ĐƯỢC VUA... CHO PHÉP
Người đời ai cũng biết Hòa Thân tham ô, vậy cớ sao Càn Long lại không biết? Thực ra chính là vì có Càn Long cho phép nên Hòa Thân mới dám trắng trợn vơ vét tiền của như vậy.
Khi vua Càn Long bước vào tuổi xế chiều, ham thích vui chơi hưởng lạc, tiêu phí xa hoa, cho nên ông cần có một người "giỏi làm tiền" ở bên.
Càn Long lại là người ham hư vinh, không muốn lưu lại tiếng xấu tiêu xài vô độ về sau cho nên cách tốt nhất đó là tạo ra một "ngân khố riêng" để tiêu dùng thay cho ngân khố quốc gia.
Hòa Thân là người thông thạo về tài chính, về mặt này không ai có thể "cao tay" bằng ông ta.
Hòa Thân đã nghĩ ra rất nhiều cách, nhiều chiêu trò để có thể thu được tiền, ví dụ như chế độ "phạt tiền thay tội" bị chỉ trích rất nhiều. Bằng cách này, Hòa Thân đã qua mặt được Hộ bộ, thu được một số tiền lớn sung vào "quỹ riêng" của Càn Long.
Hòa Thân tài giỏi như vậy, Càn Long sao có thể không yêu thích ông được?
Tục ngữ có câu: "Sông lớn có nước thì sông nhỏ cũng đầy", Hòa Thân giúp Càn Long kiếm về số tiền lớn thì tất bản thân Hòa Thân cũng được tiền đầy túi, thậm chí nhiều đến mức mà sau này khi Gia Khánh đế cho người đến soát nhà đã thu được số tài sản trị giá lên đến hơn 900 triệu lượng bạc, tương đương với thu nhập tài chính của nhà Thanh trong vòng 15 năm.
Từ đó, cũng không khó để hình dung xem liệu Hòa Thân đã giúp Càn Long thu được bao nhiêu tiền trong "quỹ riêng" của ông. Bởi vậy nên chẳng trách có người nói rằng, Càn Long gần như đã đào rỗng tài sản của Đại Thanh.
Thực tế, trong xã hội phong kiến, tham ô là bản tính giai cấp vốn có của tầng lớp quyền quý, cho nên rất khó có thể chỉ vì thế mà bị định tội (trừ phi lòng dân oán than, cần có người phải đứng ra làm "con tốt thế mạng").
Vậy thì, với những cách kiếm tiền "cao tay" của Hòa Thân, lẽ ra Gia Khánh đế phải yêu thích ông ta chứ tại sao lại xử ông ta tội chết?
LÝ DO GIA KHÁNH ĐẾ XỬ TỬ HÒA THÂN
Thực ra, Hòa Thân bị Gia Khánh lật đổ vốn không phải do tội tham ô, mà là do Hòa Thân đã can dự vào chuyện mà các Hoàng đế thời phong kiến không thể nào tha thứ được – đó là can dự vào chuyện Hoàng đế chọn người kế vị.
Càn Long những năm cuối thời trị vì đam mê hưởng lạc, không muốn tốn công sức vào chuyện triều chính phức tạp cho nên có ý định truyền ngôi cho Hoàng đế mới còn bản thân sẽ lui về làm Thái thượng hoàng.
Trong việc Càn Long chọn người kế vị, Hòa Thân đã làm một chuyện không nên làm.
Bởi vì Hòa Thân không thích Thập Ngũ A Ca Ngung Diễm (cũng tức là Gia Khánh đế sau này) cho nên thường bôi nhọ, nói xấu Ngung Diễm trước mặt Càn Long, thậm chí còn vu khống Ngung Diễm câu kết bè phái có ý đồ mưu phản, suýt chút nữa khiến Càn Long phế bỏ Ngung Diễm.
Sau này, khi Càn Long đã trở thành Thái thượng hoàng nhưng vẫn không chịu buông bỏ quyền lực, thậm chí ngọc tỷ của Hoàng đế cũng không chịu trao cho Gia Khánh, còn thường xuyên lên triều can dự chuyện triều chính, khiến Gia Khánh bấy giờ giống như một vị Hoàng đế bù nhìn.
Hơn thế, Càn Long còn tạo ra một "vũ khí" mới để chèn ép Gia Khánh - ấy chính là Hòa Thân, vậy nên khi ấy Hòa Thân mới có danh hiệu "Hoàng đế thứ hai". Nghĩ sơ qua cũng biết Gia Khánh căm hận Hòa Thân đến mức nào.
Chính vì thế cho nên ngay khi Càn Long vừa qua đời, Gia Khánh vẫn còn đang trong thời gian chịu tang đã nóng lòng vội vã lệnh bắt giam Hòa Thân, soát nhà tịch thu tài sản, xử phạt theo luật để xả nỗi oán hận suốt bao nhiêu năm của mình.
Vậy mới nói, cái chết của Hòa Thân không phải do ông ta tham ô mà bởi vì ông ta đã phạm phải điều cấm kỵ của bậc quân vương.
Nếu Hòa Thân thông minh hơn, biết chừa lại một con đường lui cho bản thân sau này, thì đáng lẽ ra ông nên tránh xa "bãi mìn" việc Hoàng đế chọn người kế vị này.
Cho dù không biết nên đặt cược vào vị Hoàng tử nào thì cũng không nên đắc ý công kích, gây thù oán với một trong những vị Hoàng tử ấy, nếu làm được như thế, cho dù là ai lên ngôi đi nữa thì cũng sẽ không ra tay tính toán với ông ta.
Bởi vậy cho nên mới nói, nếu không kết thù oán với Gia Khánh, thì sau này khi Gia Khánh lên ngôi, chỉ bằng tài năng về mảng tài chính của mình, Hòa Thân rất có thể vẫn sẽ được Gia Khánh trọng dụng.
Suy cho cùng, đến thời của Gia Khánh lại càng cần dùng đến tiền hơn đời Càn Long cha mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.