Hoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước

Sơn Xuân Thứ ba, ngày 20/11/2018 15:53 PM (GMT+7)
Thực tiễn cho thấy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhất là các tập đoàn kinh tế nhà nước, thì một trong những vấn đề then chốt cần giải quyết đó là hoàn thiện thể chế.
Bình luận 0

Ngày 15.11.2018, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phối hợp đồng tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn với chủ đề: “Xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

img

Toàn cảnh Hội thảo.

Khách mời của Hội thảo có đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương; ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại; GS.TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Bùi Trường Giang, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội; ... và một số nhà khoa học, chuyên gia kinh tế đến từ Hội đồng Lý luận Trung ương, các Học viện, Viện nghiên cứu.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)...

img

Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo.

Chủ trì Hội thảo là đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Vũ Trường Sơn và PGS. TS Vũ Văn Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn khẳng định: Sự ra đời và phát triển của các tập đoàn kinh tế nhà nước đã đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đưa Việt Nam tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

img

PGS.TS Vũ Văn Hà phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc PVN cũng chỉ rõ, trong quá trình hoạt động, mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước ít nhiều đã bộc lộ một số vấn đề cần phải giải quyết. Biểu hiện chủ yếu là phát triển quá nóng, tập trung mở rộng quy mô, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực mà thiếu chú trọng vào lĩnh vực cốt lõi; phát triển vượt quá năng lực tài chính, quản trị... Kết quả, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ (tài nguyên, đất đai, vốn, công nghệ...); gặp khó khăn trong quản lý khi tham gia vào các lĩnh vực rủi ro (tài chính, ngân hàng, bất động sản…). Phạm vi hoạt động của đa số các tập đoàn kinh tế nhà nước chủ yếu là thị trường trong nước, hội nhập khu vực và quốc tế còn hạn chế. Sự liên kết giữa các thành viên trong tập đoàn chưa cao, chưa thể hiện được bản chất của tập đoàn kinh tế, chưa thể hiện rõ được vai trò dẫn dắt, tạo động lực phát triển cho các lĩnh vực, các ngành khác.

Tổng giám đốc PVN cho rằng ảnh hưởng của các tập đoàn kinh tế nhà nước đối với nền kinh tế là rất sâu, rộng. Khi các tập đoàn kinh tế hoạt động hiệu quả sẽ có tác động tích cực, sâu sắc đến không chỉ lĩnh vực kinh tế mà hơn thế nữa, còn tác động tới niềm tin của xã hội vào chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, vào chế độ, chính sách của Nhà nước.

img

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Thực tiễn cho thấy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN nói chung, các tập đoàn kinh tế nhà nước nói riêng, một trong những vấn đề then chốt cần giải quyết đó là hoàn thiện thể chế. Trong đó, một vấn đề cần đặc biệt quan tâm là thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng trong quản lý, điều hành của Nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Hà - Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của DNNN trong nền kinh tế. Theo PGS.TS Vũ Văn Hà, DNNN vẫn đang tồn tại, phát triển và có vai trò nhất định ở hầu hết các quốc gia, từ các nước phát triển cho tới các nền kinh tế mới nổi và các nước có thu nhập thấp.

“Thực tế ở Việt Nam cho thấy, mặc dù quá trình cổ phần hóa được đẩy mạnh, cùng với sự phát triển của khu vực tư nhân, DNNN vẫn là thành phần chính trong các ngành, lĩnh vực then chốt như tài chính, hạ tầng, chế tạo, năng lượng, khai khoáng. Thậm chí, ngày càng nhiều DNNN xuất hiện trong danh mục các công ty có quy mô nhất, nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường vốn... Trong khu vực DNNN, các tập đoàn kinh tế nhà nước có vai trò quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Việc hình thành các tập đoàn kinh tế nhà nước giúp Nhà nước tập trung, kiểm soát các nguồn lực, khai thác ưu thế về thương hiệu, hoạt động đầu tư, thương mại, hệ thống dịch vụ đầu vào, đầu ra, nâng cao khả năng cạnh tranh, tối đa hóa lợi nhuận... Các tập đoàn kinh tế nhà nước đảm nhận nhiệm vụ là trụ cột quan trọng của nền kinh tế, là lực lượng, công cụ quan trọng để mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, giữ vai trò tiên phong đối với quá trình đổi mới khoa học và công nghệ quốc gia...” - PGS.TS Vũ Văn Hà nhấn mạnh.

img

Đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phát biểu kết luận buổi Hội thảo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình vận hành vẫn còn xảy ra tình trạng các tập đoàn kinh tế hoạt động kém hiệu quả, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản Nhà nước, hoạt động đầu tư bên ngoài lĩnh vực chính còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, trong lúc năng lực quản lý và khả năng tài chính còn hạn chế, thiếu kiểm soát chặt chẽ, làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp; chưa thực sự phát huy được vai trò nòng cốt trong nền kinh tế cũng như chưa làm tốt vai trò dẫn dắt, thúc đẩy các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 3.6.2017, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN đặt mục tiêu đến năm 2020 là: “Cơ cấu lại, đổi mới DNNN giai đoạn 2017 - 2020 trên cơ sở các tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc các ngành, lĩnh vực. Phấn đấu hoàn thành thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, tham gia góp vốn; tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài” và đến năm 2030 là: “Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế”.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 131/2018/NĐ-CP ngày 29.9.2018, quy định quyền, trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) là đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty CP, công ty TNHH hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật. Trước mắt, Ủy ban này quản lý vốn và tài sản của 7 tập đoàn kinh tế và 12 tổng công ty nhà nước, gồm hơn 1 triệu tỉ đồng vốn điều lệ và hơn 2,3 triệu tỉ đồng tài sản, chiếm khoảng 2/3 tổng tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Hội thảo “Xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế” thảo luận làm rõ 3 nhóm vấn đề:

Thể chế và vai trò của thể chế đối với sự phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước. Kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc xây dựng thế chế cho phát triển các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Đánh giá thực trạng xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước Việt Nam trong thời gian qua, làm rõ những thành công, hạn chế, nguyên nhân của các hạn chế, đặc biệt là sự đánh giá dưới góc nhìn từ một số tập đoàn kinh tế nhà nước trong thời gian qua.

Những giải pháp, kiến nghị để hoàn thiện thể chế góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của các tập đoàn kinh tế nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Tại các hội thảo, các diễn giả, đại biểu tham dự đều thống nhất cho rằng, để hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế nhà nước, đòi hỏi nhiều yếu tố và điều kiện khác nhau. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, thể chế, đặc biệt là hệ thống pháp luật, chính sách phù hợp là yếu tố quan trọng nhất để phát triển các tập đoàn kinh tế.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ươngnêu rõ: Chủ đề Hội thảo bản thân nó không mới khi đã có rất nhiều Hội thảo đã được tổ chức nhưng lại rất cấp thiết. Một là Hội thảo được tổ chức để chúng ta tiếp tục triển khai một cách tốt nhất Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII vềtiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước. Thứ hai là tình hình đã khác trước, nhiều cái mới đặt ra đòi hỏi chúng ta phải cập nhật, phải suy nghĩ để làm cho phù hợp. Đó là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động sâu rộng trong mọi mặt hoạt động của nền kinh tế.

“Chớp thời cơ, khắc chế nguy cơ, trong đó vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước là rất quan trọng” – đồng chí Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.

Với tính chất đó, Hội thảo đã làm nhận thức sâu sắc hơn vai trò của tập đoàn kinh tế Nhà nước trong bối cảnh mới; nhận thức sâu sắc hơn vai trò của việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển Tập đoàn kinh tế Nhà nước. Thứ nữa là đánh giá lại, nhìn nhận lại xem quá trình đổi mới vừa qua, đặc biệt là từ khi có chủ trương xây dựng và phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước thì vấn đề xây dựng và hoàn thiện thể chế ta đã làm được những gì? Mặt gì tốt? Mặt gì làm chưa được và điểm nghẽn đang nằm ở chỗ nào, nó đang cản trở tập đoàn kinh tế Nhà nước phát triển như thế nào? Vấn đề thứ 3 là trong bối cảnh mới thì chúng ta phải tiếp tục đổi mới quá trình xây dựng thể chế thế nào để thúc đẩy các tập đoàn kinh tế Nhà nước phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, có vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thông qua các ý kiến thảo luận tại Hội thảo phải khẳng định vai trò của các tập đoàn kinh tế Nhà nước là không thể phủ nhận, cũng không được tuyệt đối hoá. Chúng ta phải thấy đúng, thấy đủ là vai trò của các tập đoàn kinh tế Nhà nước là rất quan trọng. Quan trọng trong thực hiện chính sách công. Quan trọng trong thực hiện chiến lược công nghiệp quốc gia. Và phải nói những yếu kém, hạn chế không phải do bản thân tập đoàn kinh tế Nhà nước. Vấn đề sở hữu quan trọng nhưng quan trọng hơn là chất lượng quản trị, hiệu quả quản trị.

Về vai trò về thể chế thì phải nói, muốn phát triển tập đoàn kinh tế Nhà nước thì có nhiều yếu tố nhưng trong đó, yếu tố đóng vai trò quan trọng hàng đầu là vấn đề thể chế. Nó có thể chế chung nhưng đồng thời phải nhấn mạnh phải có thể chế đặc thù phù hợp với tập đoàn kinh tế Nhà nước.

Với vai trò quan trọng của Tập đoàn kinh tế Nhà nước, trong thời gian tới, quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế để thúc đẩy các tập đoàn kinh tế Nhà nước phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả hơn phải được đồng bộ, đảm bảo tính công khai, minh bạch, phù hợp với quy luật thị trường, với cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN nhưng đồng thời phải phù hợp với tình hình thực tế.

Để có một hệ thống thể chế tạo điều cho tập đoàn kinh tế Nhà nước phát triển mạnh thì có 3 tầng.

Tầng thứ nhất là thể chế Nhà nước, trong đó phải tạo điều kiện hỗ trợ, tạo động lực cho tập đoàn kinh tế Nhà nước phát triển; phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ, vừa khuyến khích động viên, tạo cơ chế để tập đoàn kinh tế Nhà nước có thể tự chủ, năng động hơn, chủ động hơn; tạo cơ chế liên kết giữa tập đoàn kinh tế nhà nước với các tập đoàn kinh tế trong nước và ngoài nước, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, không để thất thoát, chống rủi ro, thất bại; xây dựng, hoàn thiện nhưng quan trọng là phải thực thi thể chế, phải trọng sạch hoá, lành mạnh hoá đội ngũ thực thi thể chế.

Tầng thứ 2 là thể chế nội bộ các tập đoàn. Từng tập đoàn phải có thể chế, trong đó cho phép xây dựng một mô hình sản xuất kinh doanh hợp lý nhất. Một mô hình có thể sử dụng, phát huy một cách tối ưu các nguồn lực của các tập đoàn. Thể chế đó cũng cho phép các tập đoàn kinh tế có thể đổi mới, ứng dụng công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phân phối những thành quả sản xuất một cách hợp lý nhất. Đó là cái thể chế mà ở đó các tập đoàn phải vươn lên xây dựng một nền quản trị doanh nghiệp thông minh, hạ tầng doanh nghiệp thông minh và một cộng đồng lao động thông minh.

Và tầng thứ 3 đó là thể chế xã hội để làm sao xã hội là một môi trường nuôi dưỡng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Xã hội ta vẫn chưa nhìn nhận đúng vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân. Phim ảnh, thơ ca, tiểu thuyết về doanh nghiệp chủ yếu viết về doanh nghiệp chủ yếu viết về khía cạnh không tốt chứ chưa tạo ra một xã hội có sự thông cảm, chia sẻ, tôn vinh các tập đoàn kinh tế Nhà nước như những quả đấm thép làm xoay chuyển tình thế kinh tế đất nước. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân phải lo toan trăm thứ mà cuối cùng nhận thức xã hội không đúng. Họ không có động lực. Chúng ta cần có một thể chế xã hội có thể tạo lửa, tạo động lực cho doanh nghiệp sáng tạo, phát triển. Một yếu tố nữa là thể chế đó phải huy động được các nguồn lực xã hội tham gia cùng phát triển doanh nghiệp.

“Xây dựng, hoàn thiện thể chế theo tinh thần đổi mới phải đồng bộ cả 3 tầng này” – đồng chí Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem