Học sinh sẽ có nhiều tiết học vui vẻ, hạnh phúc!

Thứ sáu, ngày 12/02/2021 06:36 AM (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, dù thực hiện chương trình GDPT 2018 hay chương trình hiện hành, Bộ cũng chỉ đạo để các em có các tiết học thú vị, vui vẻ và hạnh phúc.
Bình luận 0

Đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng nhẹ nhàng

+ Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá thế nào về học kỳ đầu triển khai CT GDPT mới, bắt đầu với lớp 1?

Lớp 1 năm học 2020-2021 là lớp đầu tiên khai thông và hiện thực hóa chủ trương lớn của Trung ương Đảng, Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) này, ngành giáo dục cả nước và các địa phương, trong những năm qua, đặc biệt là năm 2019, 2020, đã nỗ lực chuẩn bị các điều kiện từ đội ngũ nhà giáo đến đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học…

"Vạn sự khởi đầu nan", cái mới bao giờ cũng có những bỡ ngỡ. Dù chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và những điều kiện chủ quan khác, nên việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT 2018) bước đầu có những khó khăn.

Học sinh sẽ có nhiều tiết học vui vẻ, hạnh phúc! - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ.

Trước tình hình đó, Bộ GD&ĐT cùng ngành giáo dục các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ nhà trường, giáo viên.

Một bộ phận giáo viên ban đầu còn băn khoăn, lo lắng thì sau một học kỳ dạy học theo chương trình mới, theo ghi nhận thực tế và báo cáo của các địa phương cho thấy các thầy cô đã tự tin, hào hứng thực hiện chương trình.

Sự sôi nổi, tích cực của học trò trong từng tiết học và đặc biệt là kết quả của học kỳ triển khai chương trình GDPT 2018 càng là động lực mạnh mẽ để thầy cô nói riêng và ngành Giáo dục nói chung tiếp tục nỗ lực thực hiện hiệu quả chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông mà Nghị quyết 29 cũng như Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đề ra.

+ Nhân tố quyết định thành công của giáo dục là đội ngũ giáo viên. Vậy, để thực hiện hiệu quả việc đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần của Nghị quyết 29, ngành Giáo dục đã chuẩn bị những gì cho đội ngũ "then chốt" này?

Xác định giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, quyết định thành công của quá trình đổi mới nên Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Bộ đã xây dựng các modul bồi dưỡng, trong đó chú trọng phát triển năng lực nghề nghiệp, kỹ năng sư phạm của giáo viên.

Với chủ trương biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng, Bộ đưa ra công thức 5-3-7 cho các khóa bồi dưỡng. Ứng dụng công nghệ thông tin, các học liệu bồi dưỡng được đưa toàn bộ lên mạng để giáo viên nghiên cứu trước.

Ngoài ra, Bộ GD&DT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn giáo viên, các nhà trường tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh, sinh hoạt chuyên môn theo các phương pháp tích cực…

Thời gian qua, công tác quản trị trường học đã có nhiều đổi mới, tạo môi trường làm việc dân chủ, sáng tạo. Phong trào "nhà giáo đổi mới sáng tạo" là một chủ trương lớn của Bộ đã được các nhà trường tích cực triển khai và điều chỉnh cho phù hợp.

Học sinh sẽ có nhiều tiết học vui vẻ, hạnh phúc! - Ảnh 2.

Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.

+ Hoạt động kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh đã được Bộ GD&ĐT chỉ đạo đổi mới như thế nào để đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của người học, đồng thời giảm áp lực được cho giáo viên, thưa Thứ trưởng?

Để đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 27 về đánh giá học sinh tiểu học, Thông tư 26 về đánh giá học sinh THCS, THPT. Tinh thần của hai văn bản trên đều là hướng tới việc đánh giá vì sự tiến bộ của người học, chú trọng đánh giá quá trình, kết hợp đánh giá thường xuyên với đánh giá định kỳ.

Đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng nhẹ nhàng, linh hoạt hơn, là một trong những giải pháp giảm áp lực cho giáo viên mà Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo triển khai, cùng nhiều giải pháp quyết liệt khác như: giảm hồ sơ sổ sách, xóa bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên.

Việc chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong dạy học, kiểm tra đánh giá, công tác quản lý giáo dục… cũng là giải pháp ngành đang tích cực tiến hành để giáo viên được thuận lợi hơn trong thực hiện hoạt động chuyên môn.

Học sinh sẽ có nhiều tiết học vui vẻ, hạnh phúc! - Ảnh 3.

Hoạt động kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh đã được Bộ GD&ĐT chỉ đạo đổi mới.

Từng tiết học, giáo viên đều phải quan tâm đến chất lượng và hiệu quả

+ Theo Thứ trưởng, giai đoạn tiếp theo, ngành Giáo dục định hướng như thế nào để tiếp tục thực hiện hiệu quả đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo?

Hiện nay, chúng ta triển khai chương trình GDPT mới đối với lớp 1 và năm học 2021-2022 sẽ áp dụng tiếp đối với lớp 2 và lớp 6.

Những gì đã thực hiện hiệu quả đối với lớp 1 sẽ được tiếp tục phát huy đối với lớp 2, lớp 6 và các lớp tiếp theo. Những gì còn bất cập trong quá trình triển khai chương trình mới sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra giải pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả.

Một trong những nội dung quan trọng Bộ GD&ĐT xác định phải thực hiện hiệu quả hơn nữa là khâu biên soạn và thẩm định sách giáo khoa. Công việc này phải được chỉ đạo và thực hiện sát sao hơn.

Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 không có "tuần 0" để làm quen trường lớp, ổn định nề nếp trước khi vào học chính thức nên công tác giáo dục thời gian đầu của các nhà trường gặp một số khó khăn.

Bộ GD&ĐT sẽ xem xét việc từ năm học tới cho học sinh lớp 1, lớp 6 tựu trường trước 2 tuần so với các khối lớp còn lại, để các em làm quen với trường lớp.

Đến thời điểm này các địa phương đã có danh sách giáo viên dạy lớp 2, lớp 6 trong năm học tới. Từ đó, có cơ sở để bồi dưỡng, tập huấn giáo viên chủ động dạy theo chương trình mới.

Với sự chuẩn bị kỹ càng và nỗ lực của ngành Giáo dục; sự đồng hành, phối hợp tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tôi có niềm tin công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo sẽ tiếp tục đạt hiệu quả tích cực.

Học sinh sẽ có nhiều tiết học vui vẻ, hạnh phúc! - Ảnh 4.

Dù thực hiện chương trình GDPT 2018 hay chương trình hiện hành, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo để các em học sinh được học các tiết học thú vị, vui vẻ, hạnh phúc,

+ Bước sang năm mới Tân Sửu, Thứ trưởng có nhắn gửi điều gì tới các cán bộ, giáo viên, học sinh cả nước?

Chúng ta đang thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, trước mắt còn rất nhiều khó khăn hội và thách thức đòi hỏi mỗi giáo viên chúng ta phải không ngừng học hỏi, cố gắng, bởi các thầy cô mới là người trực tiếp tạo ra sản phẩm giáo dục.

Từng tiết dạy học của giáo viên, từng quyết định của cán bộ quản lý, đều phải quan tâm đến chất lượng và hiệu quả, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học một cách thực chất.

Năm mới, tôi mong muốn đội ngũ thầy cô giáo tiếp tục nỗ lực đổi mới, đội ngũ cán bộ quản lý có đột phá trong chỉ đạo điều hành để góp phần triển khai thành công đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Chúc các em học sinh tự tin theo học chương trình giáo dục phổ thông mới, tích cực, chủ động, sáng tạo để đạt được các yêu cầu về năng lực, phẩm chất mà chương trình đã đề ra, chuẩn bị tiền đề cho những thành công của các em trong tương lai.

Dù thực hiện chương trình GDPT 2018 hay chương trình hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo để các em học sinh được học các tiết học thú vị, vui vẻ, hạnh phúc, thể hiện qua đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên. Bộ đang xây dựng chương trình "Nhà trường hạnh phúc" để mỗi ngày các em đến trường là một ngày vui.

+ Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

M.Hà (dantri.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem