Học trò thi đua đoạt giải cao, hiệu trưởng sầu lo vì không có tiền thưởng
Học trò thi đua đoạt giải cao, hiệu trưởng sầu lo vì không có tiền thưởng
Thứ hai, ngày 29/05/2023 07:36 AM (GMT+7)
"Buồn lắm, trường nằm trên cù lao, điều kiện khó khăn. Năm nay có nhiều học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh nhưng tổng kết sắp tới trường chưa có nguồn để phát thưởng", thầy Võ Minh Dũng xót xa.
Tuần tới, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Đồn (Bình Đại, Bến Tre) sẽ tổng kết năm học 2022-2023, nhưng cả Hội khuyến học xã lẫn Ban Giám hiệu nhà trường vẫn tất bật đi khắp nơi để vận động xã hội hóa khen thưởng cho các cháu.
Hiệu trưởng Võ Minh Dũng cho biết: "Tôi có hứa với các em học tốt sẽ có thưởng, nay các em đạt giải huyện, giải tỉnh nhiều, nhưng trường chưa biết lấy gì tặng trong lễ tổng kết mấy ngày tới".
Từ khi còn là học sinh tới khi quay lại trường làm giáo viên, cơ sở vật chất hầu như không đổi
Trường Tiểu học Nguyễn Văn Đồn nằm trên cù lao Tam Hiệp (Bình Đại, Bến Tre). Muốn đến đây, đoàn chúng tôi phải qua phà, mỗi chuyến chờ đợi 30 phút.
Giữa cái nắng như đổ lửa cuối tháng 5, không khí dạy học vẫn rất sôi nổi mặc cho quạt trần ở tất cả các lớp đều hoen gỉ, bất động từ lâu. Đã vậy, vì thiếu giáo viên nên trường buộc phải dồn lớp, sĩ số vượt chuẩn khiến không gian mỗi phòng càng thêm ngột ngạt hơn.
Chỉ bài cho trò vừa dứt lời, vừa quay lên bục giảng thầy Đỗ Hữu Hạnh vừa lấy chiếc khăn lau ngang trán. Chiếc áo sơ mi của thầy đã thấm ướt mồ hôi bết vào da từng mảng.
"Còn có mấy năm nữa là mình về hưu rồi. Cũng mong có sự thay đổi, để các bạn nhỏ học sinh được sướng hơn đôi chút", thầy Hạnh cười xòa.
Dẫn chúng tôi đến lớp học cuối hành lang, thầy Dũng cho biết đây là phòng học có quạt máy, do thầy chủ nhiệm tự bỏ tiền túi mua cho trò.
"Học sinh than nóng nực nhiều, thầy cô các lớp đề xuất trường chi kinh phí mua quạt, nhưng tôi không dám vì còn phải dành tiền cho nhiều khoản khác của chuyên môn", thầy Dũng bày tỏ.
Thầy Nguyễn Thành An - chủ nhiệm lớp 3/2, là giáo viên trẻ nhất trường, chưa lập gia đình. Vừa dạy chuyên môn, thầy An vừa kiêm dạy luôn môn mỹ thuật; nhận trách nhiệm bồi dưỡng cho học sinh có năng khiếu của trường.
"Trường chưa có giáo viên mỹ thuật nên đang nhờ thầy An kiêm nhiệm, thế nhưng mức lương cũng chỉ có hơn 4 triệu đồng. Thầy là thạc sĩ trẻ, cũng là người con của xứ đảo, thuận tiện hơn nên trường cũng nhờ thầy bớt thời gian ngoài giờ dạy kèm các học sinh có năng khiếu đặc biệt", hiệu trưởng cho hay.
Thầy An chia sẻ, thầy từng là học sinh của trường, rồi sau này quay lại làm giáo viên ở trường, thế nhưng bảng đen, lớp học trong 2 lần gắn bó gần như không có nhiều thay đổi.
Thầy An đã tốt nghiệp Thạc sĩ, có cơ hội làm trên thành phố, điều kiện tốt, lương cao hơn nhưng lại chọn quay về xã đảo vì "thấy trường nhiều năm liền không đủ giáo viên, chỉ mong góp được một chút gì đó cho chính con em của xứ mình".
"Mình độc thân, nhà gần trường nên tiết kiệm thì cũng để dành ra được một ít tiền, đôi lúc mua cái này, cái nọ cho các em. Đầu hè, thấy học sinh chịu cảnh nóng nực khổ quá, mình bỏ tiền ra mua 2 chiếc quạt cho lớp, chỉ mong các em được mát mẻ, thoải mái, tiếp thu bài tốt hơn và đạt hiệu quả cao hơn", thầy An nói.
Lớp của cô Ngọc Trăm cũng không có quạt, nhưng trông hiện đại hơn vì ánh đèn máy chiếu. Khác trường ở thành phố, máy chiếu ở đây không gắn cố định lên tường mà kê trên hộp cát tông ọp ẹp.
"Trường chỉ có 2 chiếc máy chiếu cho 8 lớp, nên đành để vậy cho dễ bê đi bê lại", nữ giáo viên nói.
Mong có kinh phí khen thưởng cho học sinh
Thầy Dũng cho biết, trường có 8 lớp với 227 học sinh, 13 giáo viên gồm cả Ban Giám hiệu và nhân viên y tế. Biên chế còn thiếu, nhưng thầy cô trong trường luôn quyết tâm, cống hiến, nhờ vậy kết quả dạy học luôn khiến ngành, địa phương bất ngờ.
"Theo chỉ tiêu, trường còn thiếu 4 biên chế nữa mới đủ giáo viên, nhưng vì điều kiện khó khăn nên không ai chịu về nhận việc. Thiếu thầy, trường buộc phải dồn lớp, cơ sở vật chất càng không đảm bảo.
Thầy cô trên đảo thì không có sẵn, thầy cô trên đất liền nếu qua đây công tác, mỗi ngày đi về cũng mấy chục km. Dù là cù lao nhưng lương vẫn như ở đất liền. Các thầy cô lại tốn mấy chục nghìn tiền phà, chờ sang sông cả tiếng đồng hồ nên rất khó tuyển người", thầy Dũng kể.
Theo Hiệu trưởng, vì ít học sinh nên kinh phí cũng vô cùng hạn chế, trong khi các hoạt động vẫn phải đảm bảo yêu cầu của chương trình đào tạo. Phòng học của trường ở điểm chính xây dựng từ năm 2013 đã xuống cấp nghiêm trọng, phòng ở điểm lẻ còn khó khăn hơn.
"Trường chưa có phòng Đội, phòng y tế cố định, thiết bị, sách vở còn thiếu nhiều. Trống Đội, đồ nghi thức đội, máy tính… thiếu rất nhiều thứ", thầy Dũng nói.
Hết nhiệm kỳ này thầy Dũng đến tuổi nghỉ hưu, nhưng mãi đến vài tháng trước phòng hiệu trưởng mới được trường trang bị máy tính. Cô Phó Hiệu trưởng đang phải tạm mượn máy vi tính của bộ phận khác để làm việc.
Năm học sắp kết thúc, điều khiến Trường Tiểu học Nguyễn Văn Đồn trăn trở nhất là không có kinh phí để tặng thưởng khuyến học cho học sinh.
"Năm nay trường có 26 giải học sinh giỏi cả cấp huyện và tỉnh cho tất cả các môn. Thế mà buồn lắm, trường có học sinh giỏi đạt giải các kì thi, nhưng tổng kết gần kề mà trường chưa có kinh phí, tập vở để tặng các em", hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Văn Đồn trầm tư.
Ban Giám hiệu nhà trường cho biết, quỹ khuyến học hiện tại vẫn trống rỗng, chỉ còn mấy ngày nữa là tổng kết nhưng "đến giờ này gần như vô vọng".
Ông Võ Văn Trung, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Đại chia sẻ: "Địa phương và ngành đã ghi nhận những khó khăn ở Trường THCS Nguyễn Văn Đồn. Do trường nhỏ, ngân sách ít nên việc cân đối mọi thứ cũng khó.
Hàng năm ngành và địa phương có hỗ trợ thêm cho trường 20-30 triệu đồng, tuy nhiên chỉ giảm bớt được phần nào thiếu thốn. Rất mong nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng để thầy trò trong trường có điều kiện dạy học tốt hơn".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.