Hội nghị thượng đỉnh APEC 20: Liên kết để tăng trưởng

Thứ bảy, ngày 08/09/2012 16:35 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hôm nay (8.9), các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới dự khai mạc hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 20 (APEC) được tổ chức tại Vladivostoc, Nga.
Bình luận 0

Hội nghị có các nội dung về liên kết kinh tế, chính sách tiền tệ, an ninh lương thực, các vấn đề về cơ sở hạ tầng…

Với chủ đề: “Liên kết tăng trưởng, sáng tạo để thịnh vượng”, trong hai ngày làm việc (8 và 9.9), hội nghị sẽ tổ chức 17 phiên họp chuyên đề và các hội thảo bàn tròn. Các thành viên của Hội nghị thượng đỉnh cũng sẽ thảo luận về những sáng kiến đề xuất và kế hoạch cho năm hoạt động của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC - cơ chế làm việc then chốt của Diễn đàn, thông qua đó tạo lập sự hiệp lực với giới doanh nghiệp của các nền kinh tế trong khu vực.

img
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào gặp gỡ bên lề APEC 20.

Trong ngày 7.9, Hội nghị cấp cao doanh nghiệp diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị APEC-2012 trong hai ngày 8 và 9.9 tại với sự tham dự của hơn 700 nhà lãnh đạo các nền kinh tế khu vực cùng với hơn 300 giám đốc điều hành (CEO) đến từ các tập đoàn và công ty hàng đầu thế giới. Năm vấn đề trọng yếu được đưa ra thảo luận tại hội nghị lần này gồm Liên kết kinh tế; Chính sách tiền tệ; Nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững về sinh thái; An ninh lương thực và Vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, các phiên họp cũng sẽ xem xét đề xuất của Nga về phát triển các tuyến đường vận tải hàng hóa đối trọng giữa châu Âu và châu Á để giúp Nga và các thành viên APEC đến năm 2020 tiết kiệm gần 300 tỷ USD trong các hoạt động thương mại song phương và gần 370 tỷ USD trong vận tải quá cảnh. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử APEC, quan hệ đối tác trong lĩnh vực an ninh lương thực phải được hình thành và phát triển trong vòng một năm Nga đảm đương cương vị Chủ tịch Diễn đàn này.

Quan hệ đối tác về an ninh lương thực của APEC gồm 21 thành viên, được thể hiện qua kế hoạch công tác thời kỳ 2012-2014 với mục tiêu nâng cao hiệu quả của ngành nông nghiệp, hạn chế thất thoát trong vận chuyển và bảo quản lương thực, tối ưu hóa khâu cung cấp nông sản.

Trước thềm hội nghị, các cuộc tiếp xúc song phương đã lần lượt diễn ra, trong đó có tiếp xúc của các nhà lãnh đạo Việt- Trung, Nga- Trung, Nga- Brunei… Bên lề hội nghị, ngày 7.9, Chủ tịch nước VN Trương Tấn Sang và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có cuộc gặp, trao đổi về quan hệ song phương.

Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cho rằng trong tình hình hiện nay việc không ngừng tăng cường sự tin cậy về chính trị, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Hai vị Lãnh đạo đã nhất trí về nhiều phương hướng lớn thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới như duy trì và tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước; thúc đẩy hợp tác thực chất cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế - thương mại; tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ hai nước...

Về vấn đề trên biển, hai bên cần kiên trì thông qua đàm phán, đối thoại giải quyết thỏa đáng vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của quan hệ hai nước.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ trong quá trình giải quyết vấn đề Biển Đông, hai bên cần thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, giải quyết thỏa đáng mọi tranh chấp và những vấn đề mới nảy sinh thông qua đàm phán hòa bình, trên cơ sở Luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC)...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem