Hồi ức của người lính Tây Nam trong cuộc chiến kinh hoàng với Khmer Đỏ

Tần Tần Thứ sáu, ngày 03/07/2020 08:31 AM (GMT+7)
Văn chương viết về chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam chưa nhiều, nhưng cũng đủ khắc họa sự khốc liệt, để từ đó, bạn đọc thêm nâng niu giá trị của hòa bình.
Bình luận 0

"Lịch sử văn học Việt Nam là lịch sử của chiến trận, của người lính”, ai đó nhận xét như vậy. Điều này không sai, nhìn lại những tác phẩm đã xuất bản trong nhiều năm qua người đọc có thể thấy rõ điều ấy. Về chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, chúng ta đã thấy một số lượng tác phẩm hùng hậu, mang chiều sâu về nội dung.

Còn về chiến tranh biên giới Tây Nam có ít hơn hẳn. Một phần vì độ lùi của chiến tranh có thể vẫn chưa đủ xa. Khi mà “người ta vẫn ngửi thấy đậm đặc mùi khói súng thì không thể viết về khói súng”. Phần vì những người lính trẻ năm nào vẫn còn trong cơn mưu sinh hàng ngày, họ chưa có thời gian để chiêm nghiệm, viết về những điều đã qua. Phải chăng vì thế mà khi đã có tuổi, tạm yên ổn với việc mưu sinh, con cái, họ bắt đầu viết về bạn bè, kỷ niệm của mình năm nào.

Viết về chiến tranh với cảm hứng nhân đạo

Trong số những tác phẩm viết về chiến tranh biên giới Tây Nam có Miền hoang - tiểu thuyết đầu tay của nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh. Tiểu thuyết xoay quanh bốn nhân vật: Sa Ly - cô y tá câm thuộc lực lượng Pol Pot, Lục Thum - một ông lớn chỉ huy nhóm tàn quân Pol Pot, Rô - một tên lính áo đen trong tàn quân, và Tùng - một anh lính tình nguyện trẻ Việt Nam.

Hồi ức của người lính Tây Nam trong cuộc chiến kinh hoàng với Khmer Đỏ - Ảnh 1.

Tiểu thuyết Miền hoang của Sương Nguyệt Minh.

Bốn con người bị lạc trong thăm thẳm rừng Miên, không có bản đồ quân sự, cộng với cái đói khát đã bóc trần bản chất "con", cùng bản chất "người" trong mỗi cá thể.

Khi ấy, họ chẳng còn phân biệt ta hay địch vì phải dựa vào nhau để sống, nhưng lúc nào cũng phải nơm nớp đề phòng đối phương có thể giết mình để thoát khỏi rừng bất cứ lúc nào. Tất cả đều phải đấu tranh để thoát khỏi tình trạng hoang dã hóa.

Miền hoang là một tiểu thuyết đầy ắp cảm hứng nhân đạo. Khi nhà văn không chỉ kể các câu chuyện về chiến tranh khốc liệt dữ dội, sinh tồn nơi rừng hoang, mà nhân vật người lính tình nguyện Việt Nam còn mang trong mình nghĩa vụ cứu cả dân tộc Khmer sắp diệt chủng dưới bàn tay của bè lũ phản động Pol Pot – Ieng Sary.

Đặc biệt, cảm hứng xa nhà, cảm hứng về ngày mai, ngày mốt nơi đất bạn xa xôi muôn nẻo đã ăn đậm vào trong những tác phẩm của những nhà văn đã trải qua cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Như nhân vật Huy trong tiểu thuyết Mùa xa nhà của Nguyễn Thành Nhân.

Huy, một chàng trai thành phố đi nghĩa vụ quân sự, có mặt, sống và chiến đấu ở một đơn vị hỏa lực bộ binh trong những năm giữa thập niên 80 ở một vùng phía tây bắc Campuchia xa xôi. Từ một chàng trai thư sinh, mềm yếu Huy đã quen với cuộc sống khắc nghiệt nơi đất bạn, nơi mà bất cứ đâu cái chết cũng có thể âm thầm gieo xuống đầu người lính.

Ở đây Huy đã được gặp nhiều chàng trai cùng lứa với mình, cùng hiểu và thông cảm với nhau những nỗi nhớ, niềm yêu, cả những niềm u uất không dễ giãi bày. Để rồi trải qua ba năm lính tình nguyện Huy đã thành một con người khác hẳn, một cán bộ trung đội rắn rỏi, bản lĩnh. Anh yên lành trở về thành phố, kết thúc mùa xa nhà trong sự thay đổi đến ngỡ ngàng của bản thân và cuộc sống ngoài kia.

Một thời tuổi trẻ để lại, thân thương như máu thịt mình

Nếu nói tiểu thuyết là hư cấu thì hồi ức chính là những mảnh ghép chân thực nhất về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Tập hồi ức Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn đã kể về cuộc chiến tranh bắt buộc ngay sau ngày thống nhất đất nước. Chiến trường K giai đoạn cuối năm 1978 đến giữa những năm 1980 là nơi bộ đội Việt Nam phải đối mặt với một kẻ địch nguy hiểm, liều lĩnh và môi trường xa lạ, khắc nghiệt hơn cả hai cuộc kháng chiến trước đó.

Trong bối cảnh âm thầm mà khốc liệt của gần 40 năm về trước ấy, truyện đưa người đọc theo dấu chân tuổi 18 của nhân vật “tôi” - người lính sư đoàn 307, đi tới tận những miền rừng núi heo hút xứ người. Đó là cuộc hành quân dài hàng ngàn cây số: từ Pleiku, theo đường 19 tiến về hướng Tây, để đẩy lùi và tiêu diệt tàn quân Khmer Đỏ ở vùng Đông - Bắc Campuchia.

Hồi ức của người lính Tây Nam trong cuộc chiến kinh hoàng với Khmer Đỏ - Ảnh 2.

Sách Chuyện lính Tây Nam.

Thế hệ người lính nhập ngũ sau 1975 cũng đã khác trước. Họ phần nhiều là những học trò vừa rời ghế nhà trường từ các tỉnh miền Bắc: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa,... đến những thanh niên miền Nam mới làm quen với cuộc sống mới. Phải chiến đấu trên mảnh đất không phải quê hương mình, trước những sức ép kinh khủng của chiến tranh, những người lính trẻ vấp phải vô số thử thách về phẩm chất con người lẫn cạm bẫy của việc từ bỏ hàng ngũ.

Nhưng họ đã ở lại, đã chiến đấu, hy sinh, năm này qua năm khác… Để ngày trở về, mang theo thứ tài sản vô giá của cuộc đời quân ngũ: tình đồng đội. Năm năm ở chiến trường K của Đoàn Tuấn, với lịch sử chỉ như thoáng chốc, nhưng với mỗi người lính mười tám, đôi mươi ngày ấy là cả một thời tuổi trẻ để lại; thân thương như máu thịt mình.

Còn ở tập hồi ức Chuyện lính Tây Nam, tác phẩm không chỉ có những gian khổ, khó khăn, hy sinh, mất mát mà người lính quân tình nguyện Việt Nam gặp phải nơi đất bạn. Nơi đây còn có những hào hoa của anh lính Hà Nội mang đi từ mảnh đất ngàn năm văn hiến. Hình ảnh “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” năm nào trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng đã được tái hiện lại trong những trang viết mượt mà, giàu cảm xúc của người lính thủ đô. Người lính không chỉ biết chiến đấu, hy sinh mà còn biết và nhớ về cái đẹp vĩnh hằng nơi Tổ quốc.

Khác với những hồi ức lính, tập ký sự Về từ hành tinh ký ức của Võ Diệu Thanh tái hiện lại hình ảnh những người dân thường hiền lành, nhỏ bé người Việt, sống ở vùng giáp biên Campuchia khi đối diện với quân Pol Pot. Họ là những chứng nhân vụ thảm sát Ba Chúc kinh hoàng. Họ đang còn lay lắt sống đến giờ, có người đã chết, đã bị lịch sử với vô vàn sự kiện nhấn chìm.

Hồi ức của người lính Tây Nam trong cuộc chiến kinh hoàng với Khmer Đỏ - Ảnh 3.

Sách Về từ hành tinh ký ức.

Nhưng trách nhiệm của người viết là phải tái hiện lại phần nào cuộc đời họ, để những nạn nhân ấy không bị lãng quên, để cuộc thảm sát ấy không chìm vào dĩ vãng, và để nhớ rằng hòa bình không bao giờ miễn phí.

Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đã qua đi được vài chục năm, trong vài chục năm ấy những tác phẩm văn học viết về cuộc chiến này thực vẫn chưa đủ so với những gì kinh hoàng, khốc liệt mà cuộc chiến ấy đã gây ra.

“Độ lùi” đến lúc này, chắc đã đủ để những gì cần viết phải được viết ra, để thế hệ trẻ đang lớn lên còn biết có một mùa chinh chiến, một mùa xa nhà trên đất bạn năm xưa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem