Hồi ức vua Bảo Đại: Nỗi niềm chua chát, hoàng đế “diễn viên sân khấu”

Thứ tư, ngày 10/10/2018 12:31 PM (GMT+7)
Trong hồi ký của mình, nói về nỗi niềm của mình thời thực dân Pháp đô hộ, chính ông Bảo Đại đã chua chát: “Chính ngay tại nước mình mà tôi được tiếp đón như khách, chứ không phải chủ nhân thì vai trò của tôi quá bé nhỏ, làm sao mà dân chúng đợi chờ ở tôi được. Tất cả mọi việc từ to đến nhỏ, từ đời sống hàng ngày của dân chúng đến tương lai của đất nước, ở đâu tôi cũng được dòm đến? Tôi chỉ là một diễn viên sân khấu, thi thoảng xuất hiện cho xôm trò chứ đâu phải là người đạo diễn?...
Bình luận 0

img

Huế 1926, Lễ đăng quang của Bảo Đại. Nhà vua viếng Thế miếu

Vậy thì ý niệm làm hoàng đế như tôi đã từng tin tưởng theo đúng tinh thần cơ bản, cổ truyền về nhiệm vụ của người thiên tử, để cho triều đại được huy hoàng, vĩ đại thật đã quá xa vời, xa vời quá dỗi...”.

Cuộc cải cách bổ nhiệm mới hàng loạt quan đầu triểu

“Sau khi tôi về nước thì Nguyễn Hữu Bài làm thượng thư bộ Lại. Như tôi đã nói ở trên, ông đã giữ nhiều vai trò quan trọng dưới ba triều vua liên tiếp. Mỗi khi có toàn quyền hay khâm sứ Pháp nào qua Huế, đến viếng thăm bà góa phụ của vua Đồng Khánh, bà không bao giờ quên đề cập đến các vấn đề mà viên thượng thư này đã căn dặn từ trước, đến độ thuộc lòng. 

Tôi là cháu đích tôn của vua Đồng Khánh, được bà mến yêu, và muốn cho tôi kế vị làm vua. Đến nay coi như giờ của tôi đã điểm. Bà biết rằng tôi là hoàng đế và đã từng du học mười năm ở Pháp. Bà chỉ muốn tôi giữ lấy nền nếp cổ để phụng thờ tôn miếu, và nghĩ đến công lao của tiền triều liệt thánh, còn thì bà tin cậy nơi tôi và để tôi được toàn quyền hành động. Bà đã sửa soạn cho tôi trở về, và nhờ sự can thiệp của bà, bà đã giúp đỡ tôi rất nhẹ nhàng việc tuyển lựa lớp trẻ để đưa vào Nội các.

Trong bọn trẻ tuổi này, có một thanh niên người Bắc, từng làm việc với viên Khâm sứ Robin, tên là Nguyễn Đệ, người Hà Nội, mà mẫu thân ông ta là nữ quan của Từ Cung Thái hậu. Ông ta viết báo Pháp. Cũng theo đạo công giáo như Nguyễn Hữu Bài mà ông ta giao du, đây là một chuyên viên về kinh tế. Có căn bản văn hóa Pháp, ông ta thuộc lớp trẻ mà người ta muốn phụ tá cho tôi. Tôi lấy ông ta làm thư ký riêng.

Nguyễn Hữu Bài năm ấy đã 70 tuổi.Để trẻ trung hóa guồng máy quan lại, lấy những người mới, có gợi ý tôi nên thay bằng Phạm Quỳnh.

Tôi cho vời ông này tới, và cho ông ta biết ý định muốn canh tân đất nước bằng lớp người trẻ. Phạm Quỳnh là người Bắc, tự học, viết văn, làm báo, mới có 35 tuổi.

img

Lễ đăng quang của vua Bảo Đại ngày 8/1/1926 tại điện Cần Chánh

Rất thành thực, ông ta trình bày lập trường của ông ta rất phù hợp với tôi. Tôi liền bổ ông ta vào chức Tổng lý Ngự tiền Văn phòng, hàm Thượng thư. Đó là lần đầu tiên mà một người chưa từng có quan chức gì được ở vào làm Thượng thư ở triều đình Huế. Phạm Quỳnh muốn trở lại cơ cấu tốt đẹp cũ, là Pháp nên trả lại cho chính phủ hoàng gia sự cai trị nội bộ với Hội đồng dân biểu. Muốn thực hiện sự cải cách ấy, cần phải có sự tham gia của phái trẻ và tân học.

Ngày 10/12/1932, tôi cho công bố một đạo dụ, thông báo ý định cầm quyền của tôi dưới ý định quân chủ lập hiến, và cải tổ lại bộ máy cần phải chiếu cố trước tiên là ngành quan lại, ngành quốc gia giáo dục, và ngành tư pháp.

Lời tuyên bố ấy đã được dân chúng nhiệt liệt hoan nghênh, nhất là đối với giới trẻ đang muốn canh tân.

Sau lời tuyên bố ấy ngày 2.5.1933, lại một đạo dụ khác nhằm đặt cơ cấu của sự cải cách.Tôi xác nhận rằng, việc đầu tiên là chính tôi đảm nhiệm trực tiếp quyền lãnh đạo. Sau đó đến mọi cải cách quan trọng về tổ chức lại chính quyền. Không có chức Thủ tướng, cũng không có chức Thượng thư bộ Lại vì không thực tế, do tất cả các binh sĩ khố xanh cũng như khố đỏ, hay cảnh sát đều nằm trong tay chính phủ Pháp.

Tôi cho vời một viên quan tỉnh trẻ tuổi nhất là Ngô Đình Diệm, lúc ấy làm Tuần vũ tỉnh Phan Thiết, đảm trách bộ Lại. Vốn dòng quan lại, Diệm năm ấy mới 31 tuổi, nổi tiếng là thông minh, liêm khiết, là một người quốc gia bảo thủ. Ngoài chức vụ Thượng thư, Diệm còn là Tổng thư ký cho Hội đồng Hỗn hợp về canh tân đã được ban bố năm trước, bao gồm các Thượng thư Việt Nam và hàng công chức cao cấp Pháp. Ngô Đình Diệm được Nguyễn Hữu Bài trước khi về hưu, tiến cử.

Tôi lại giao bộ Hình (Tư pháp) cho một người Bắc là Bùi Bằng Đoàn, vốn là quan lại có bằng luật khoa, đã 51 tuổi.

Tương lai có nhiều hứa hẹn tốt đẹp. Tôi nghĩ rằng không nên mạnh tay quá, nếu không muốn bị chung số phận của mấy vị tiên đế hẩm hiu trước. Tôi đặt hết niềm tin vào đôi xe Phạm Quỳnh/ Ngô Đình Diệm này. Ngô Đình Diệm tỏ ý chỉ nhận chức Thượng thư với điều kiện được cải tổ xã hội. Tiếng tăm của ông ta làm tôi tin rằng ông ta có thể tiến nhanh được. Vị trí của Phạm Quỳnh kín đáo vốn được sự yểm trợ của chính phủ Pháp, sẽ giúp cho công cuộc cải cách được dễ dàng.

Ngô Đình Diệm từ chức sau bốn tháng

Thật không thể hiểu nổi chính phủ Pháp, nhất là cái gọi là cơ quan hành chánh của họ. Dựa vào các phần tử bảo thủ, lạc hậu, họ chống đối ngấm ngầm mọi cố gắng về cải cách. Mà những cải cách này là cần thiết. Nên biết rằng thời ấy, nếu có người Việt Nam nào được bổ vào ngạch Tây, cùng chức, cùng trật như đồng nghiệp người  Pháp, họ cũng không được hưởng cùng qui chế lương bổng như người Pháp.

Chính vì vậy, một vị tổng đốc đầu tỉnh, như anh của Ngô Đình Diệm, lương tháng còn kém xa lương một viên cảnh sát Tây ở Hà Nội. Trong những trường hợp ấy, muốn được phong thể đàng hoàng, sự ăn hối lộ không thể tránh được. Đó là nguyên nhân của hối lộ và tham nhũng. Mặt khác, sự đối xử chênh lệch ấy lại còn có những hậu quả tai hại khác.

Đó là nó đã làm nản lòng những phần tử tốt, không chịu đi vào ngạch hành chánh hay chuyên môn để phục vụ đất nước thì lại đi vào những lãnh vực tư để sinh nhai.

img

Vua Bảo Đại tại lễ đón tiếp khi đến thăm Tòa thị chính Đà Nẵng ngày 8/9/1932. Bên tay phải nhà vua là Khâm sứ Châtel, bên tay trái là Thượng thư Bộ lại Nguyễn Hữu Bài

Chính phủ Pháp khỏe hơn giữ đằng chuôi, nên nỗ lực của mình hoàn toàn tê liệt. Sau bốn tháng, vào đầu tháng 9.1933, Ngô Đình Diệm không tìm thấy ở Phạm Quỳnh một sự giúp đỡ gì, liền xin gặp tôi: 

- Tâu Hoàng thượng, hạ thần đến để xin Hoàng thượng cho từ chức và cũng xin Hoàng thượng cho giải nhiệm luôn những chức vụ mà Hoàng thượng đã trao phó từ trước.

- Quan Thượng, viên thư ký Nguyễn Đệ đã tâu trình trẫm tất cả nỗi khó khăn của ông, nhưng trẫm nghĩ rằng ông nên tiếp tục ở lại.

- Tâu Hoàng thượng, xin hoàng thượng tha tội cho kẻ hạ thần nhưng quả không thể nào ở được. Ở lại chức vụ này quả nhiên là một trò hề đau khổ của hạ thần mà hạ thần không thể nào kham nổi. Người Pháp đã nắm lấy hết quyền hành, họ đã cai trị trực tiếp, luôn nhân danh hòa ước bảo hộ, nhưng họ không lúc nào không vi phạm từng ngày, từng giờ.

 - Quan Thượng, trẫm hiểu tinh thần trách nhiệm của quan Thượng. Sự liêm khiết ấy đã tôn vinh ông lên rất nhiều, nhưng cần phải chờ thời. Trẫm biết ông và quan thượng Nguyễn Hữu Bài vẫn có liên lạc chặt chẽ. Như thế hẳn cụ Bài không quên nhắn nhủ ông những điều lo ngại của cụ. Chiến tranh khó có thể tránh được ở châu Âu, và như thế sẽ có nhiều hậu quả đối với châu Á, mà Nhật Bản có thể là vai trò chủ chốt.  

- Tâu Hoàng thượng, thật quả là điều mà hạ thần không thể kham nổi. Kẻ hạ thần không được quyền ở lại.Kính xin Hoàng thượng cho phép kẻ hạ thần dược rút lui.

Ông ta khăng khăng một mực xin từ chức.

- Được, trẫm chấp thuận cho quan thượng từ chức. Quan Thượng đã muốn vậy thì trẫm cũng chẳng thể nào làm gì được hơn. Mong rằng sự ra đi của quan Thượng sẽ mở mắt cho người Pháp, để cho họ có một tầm nhãn quan rộng lớn hơn. Dù sao nữa, mong quan Thượng hãy sẵn sàng, có thể có ngày nào Trẫm lại cần đến quan Thượng và Trẫm sẽ cho vời.

Ngô Đình Diệm đi rồi, tôi hoàn toàn thất vọng. Tất nhiên, người này đã khó tính, và sự khó tính ấy nó như mang tính chất của giáo phái. Hơn nữa, ông ta chịu ảnh hưởng của Nguyễn Hữu Bài, vốn không thích Phạm Quỳnh.

Nhà vua cô đơn

Sau khi biết tin Ngô Đình Diệm đã được từ chức, Nguyễn Đệ, trung thành với tình bạn đối với họ Ngô, cũng đến xin từ chức. Ông ta trình bày một cách thành thực:

  - Kính tâu Hoàng thượng, mặc dù tiểu thần rất kính yêu Hoàng thượng, tiểu thần cũng không thể nào muốn được lưu lại ở chức vụ này, chì làm tiểu thần mất thì giờ vô ích.Trong sáu tháng được ở trong ngành, kinh nghiệm đã cho thấy rõ, ai cũng mong được làm quan, nhưng đó không phải trường hợp của tiểu thần.

Làm chánh văn phòng cho Hoàng thượng, tiểu thần chỉ được có một trăm hai mươi đồng một tháng. Trong khi đó, tại nhà băng Đông Pháp, họ đã tuyển người quản lý lương tháng được ba trăm đồng. Ngành của tiểu thần là tính toán lời lãi.  

img

Hình chụp năm 1933: “Tôi chỉ là một diễn viên sân khấu, thi thoảng xuất hiện cho xôm trò chứ đâu phải là người đạo diễn?”

- Trường hợp ấy, Trẫm cho phép khanh nghỉ dài hạn, nhưng Trẫm không muốn khanh từ chức.

- Tâu Hoàng thượng, xin tuân lệnh nhưng xin hoàng thượng biết cho rằng, nếu tiểu thần phải rời chức vụ này, không phải do sự đào tẩu. Tiểu thần chỉ muốn hoạt động sang lãnh vực khác, cốt để tìm nền độc lập kinh tế mà thôi. Bởi vì khi mà người Pháp còn nắm quyền cai trị, thì nền thương mại ở tay bọn người nước ngoài hết.

Biết bao nhiêu các bạn trẻ Việt Nam đã chọn nghề tự do. Vậy thì chúng ta cũng cần phải có những nhà kinh doanh.Thực sự, chẳng phải thần ham chức đại lý nhà băng Đông Dương, mà chỉ muốn thay thế viên mại bản người nước ngoài. Tất cả đồng bào ta, khi muốn mở mang cơ sở gì mà cần đến vốn của nhà băng, đều bắt buộc phải qua tay viên mại bản này. Đó cũng là một hình thức lệ thuộc đè nặng lên xứ sở của mình.  

- Khanh có chắc không?

- Tâu Hoàng thượng, không chắc lắm.Nhưng tiểu thần mới ba mươi hai tuổi. Tiểu thần xin hứa với Hoàng thượng rằng chẳng bao lâu, sẽ chứng minh được rằng người Việt mình cũng thừa khả năng kinh doanh như người nước ngoài.

Thế là tôi cô đơn, chỉ có một mình.

Lỗi đó là ở người Pháp, đường lối canh tân của tôi bị ngăn chặn hoàn toàn. Dùng hình thức chống đối bạo động, chẳng đi đến đâu. Còn hiện tại: Thời gian chưa tới. Chính phủ Pháp vừa cho tôi một quả thất bại. Có thể bọn chúng đang vui sướng. Mỗi một sự tan vỡ nào của tôi cũng làm cho chúng thích thú.  

Từ đó tôi để mặc cho Phạm Quỳnh lèo lái, múa may trên sân khấu. Tôi cho ông ta làm Thượng thư bộ Lại thay cho Ngô Đình Diệm, và đổi Thái Văn Toản từ Viện cơ mật sang Nội các. Ông này vẫn ở bên Cơ mật dưới thời Nguyễn Hữu Bài làm Viện trưởng.

Chắc hẳn người Pháp cho rằng tôi đã ngoan ngoãn biết nghe theo lời của họ. 

Sau này, khi đến thăm Hà Nội, Bảo Đại đã hồi ức: “Đến Hà Nội, tòa quyền Pierre Pasquier đã tổ chức nhiều buổi đón tiếp long trọng để chào mừng tôi. Trong hai tuần lễ liên tiếp, họ đã đưa tôi đi thăm nhiều tỉnh giáp ranh Hà Nội. Họ đưa tôi đến thăm trường Mỹ thuật, rồi ra Hòn Gai thăm mỏ than. Đây là loại viếng thăm chính thức, nên đã được tổ chức chu đáo. Tất cả đều tốt đẹp, đâu ra đấy cả, trong ba tuần lễ.

img

“Chính ngay tại nước mình mà tôi được tiếp đón như khách, chứ không phải chủ nhân thì vai trò của tôi quá bé nhỏ, làm sao mà dân chúng đợi chờ ở tôi được” 

Rõ ràng rằng cuộc đi chơi thăm thú này đã cho tôi trong thấy kích thước mới của đất nước. Những khả năng công kỹ nghệ của Bắc Kỳ có thừa sức đưa đất nước lên hàng các quốc gia tiên tiến, chẳng thua bất cứ nước nào. So sánh với vùng Huế vốn mơ màng thơ mộng với vùng nông nghiệp lạc hậu với con trâu cái cày, miền Bắc Việt Nam đã cho thấy tiềm năng phấn khởi về tương lai của đất nước.

Khi hồi triều, tôi cảm giác khá nhiều thất vọng. Bởi vì, chính ngay tại nước mình mà tôi được tiếp đón như khách, chứ không phải chủ nhân thì vai trò của tôi quá bé nhỏ, làm sao mà dân chúng đợi chờ ở tôi được. Tất cả mọi việc từ to đến nhỏ, từ đời sống hàng ngày của dân chúng đến tương lai của đất nước, ở đâu tôi cũng được dòm đến? Tôi chỉ là một diễn viên sân khấu, thi thoảng xuất hiện cho xôm trò chứ đâu phải là người đạo diễn?

Vậy thì ý niệm làm hoàng đế như tôi đã từng tin tưởng theo đúng tinh thần cơ bản, cổ truyền về nhiệm vụ của người thiên tử, để cho triều đại được huy hoàng, vĩ đại thật đã quá xa vời, xa vời quá đỗi”.

Theo giải thích của Bảo Đại, thời phong kiến” “Nhà vua cai trị với sự phụ lực của hai cơ cấu điều hành, có những bộ trưởng phụ trách.

Cơ cấu thứ nhất gọi là Viện Cơ Mật. Viện này phải chịu trách nhiệm cho tất cả các vấn đề quan trọng trong nước. Có bốn vị Đại thần, gồm hai vị Chánh nhất phẩm và hai vị Tòng nhất phẩm, cả bốn được gọi là tứ trụ triều đình, ở dưới có đủ các quan lại để điều hành và phụ chính khi vua có lý do mà khiếm khuyết.

Cơ cấu thứ hai là Nội các, coi như chính phủ trung ương, đứng trung gian giữa vua và các bộ trưởng. Chia làm sáu bộ do các vị Thượng thư cầm đầu gồm bộ Lại (tức là bộ Nội vụ), bộ Hộ (tức bộ tài chánh), bộ Hình (bộ Tư pháp), bộ Binh (tức bộ Quốc phòng) và bộ Công (tức là Công chính).

Nội các điều hành toàn thể công chức viên chức trong nước. Mỗi bộ có một viên thượng thư đứng đầu, hai vị phó, hai vị cố vấn gọi là phụ thẩm hay trợ lý. Ngoài ra, còn có nhiều viên chức và đại diện. Một Đô sát viện được cử đi công cán trên toàn quốc để bổ túc vào nền hành chính trung ương ấy”.

Lê Tám (biên soạn) (Pháp luật Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem