Hôm qua là người hùng, hôm nay lại thành "kẻ mạt hạng" trong mắt vợ

Thứ ba, ngày 30/12/2014 14:33 PM (GMT+7)
Enrique Iglesias khiến khán giả khắp thế giới nức nở qua bài Hero. Lời mở đầu được cất lên thống thiết: “Let me be your hero” (hãy để anh là người hùng của em). Lời bài hát dễ chạm vào những con tim yêu, bởi, khi đến với nhau, người đàn ông nào cũng muốn trở thành người hùng trong mắt người mình yêu và người phụ nữ nào cũng mong “một nửa” của mình là người hùng. Nhưng, có khi hôm nay anh là người hùng, nhưng ngày hôm sau anh lại trở thành kẻ mạt hạng trong mắt vợ, rất trớ trêu và cay đắng.
Bình luận 0

“Tiêu chuẩn" thay đổi

Hồi mới ra trường, Linh Phương được nhiều chàng trai theo đuổi, trong đó có một số người đàn ông thành đạt. Người mà Phương chọn là Được, một bạn học chung lớp. Được con nhà nghèo ở tỉnh, vào đời bằng công việc nhân viên ở công ty phát hành sách. Sở dĩ Phương chọn Được vì anh là người sống có hậu. Cha Phương bị liệt vì tai biến, nhà lại chỉ có hai cha con, Được đã xắn tay vào chăm sóc ông. Được tỏ ra tháo vát, “vật lộn” với ông để ông được tắm, chăm sóc vết thương, tự tay nấu cho ông những món vừa miệng. Với cô, Được thực sự là một "người hùng".

Sau đám cưới hai năm, cha Phương mất. Không còn gánh nặng chăm cha, Phương thay đổi nhiều. Cô thoải mái tinh thần, có phần rạng rỡ ra, công việc nhân viên ở một công ty PR có tiếng khiến cô phải ăn mặc sành điệu, mỗi ngày được tiếp xúc những đối tác giàu có. Riêng Được vẫn túc tắc với “giao diện” là một anh chàng đi giao sách, quần áo bạc màu, người lúc nào cũng đầy khói bụi do phải rong ruổi xe máy ngoài đường nhiều.

img 
Ảnh minh họa

Một ngày, Phương nói với chồng, nét mặt lạnh lùng khó tả: “Nói anh đừng buồn, em cảm thấy chán anh quá. Anh cứ làm công việc giao sách hoài vậy à?”. Được chết lặng, không biết nói sao.

Lúc mới cưới, hai vợ chồng nghèo như nhau, nhưng do tính cách của Phương nhanh nhẹn, quảng giao nên dần trở thành người mang lại thu nhập chính cho gia đình. Sau bảy năm đi làm, Được vẫn là nhân viên quèn, thu nhập chưa bằng một nửa của vợ dù anh luôn cần mẫn bậc nhất công ty.

Vợ cứ bóng gió về chuyện những người bạn chung lớp ngày xưa giờ đã trở thành ông này, bà nọ. Được thở dài, thuở xưa, người nào dám lăn vào chăm sóc cho bố vợ tương lai, người đó là anh hùng; người nào chân thật, tốt tính, người đó đáng trân trọng. Nhưng bây giờ, những giá trị đó đã là quá khứ. Phương có vẻ đã dần quên hình ảnh đôn hậu, chất phác ngày nào mà mình từng ngưỡng mộ. Bây giờ, Phương đòi hỏi chồng phải nhanh nhẹn, quyết liệt trong việc thay đổi sự nghiệp.

Hôn nhân là một hành trình mà người trong cuộc phải “theo kịp” sự trưởng thành, phát triển của bạn đời. Nếu một người vẫn tiếp tục bước, người kia giậm chân tại chỗ, ắt để lại khoảng cách. Anh Hoài Nam vốn là thầy giáo dạy piano ở một trung tâm dạy nhạc. Ngày ấy, chị Thanh Hằng đi học đàn, đã rất ngưỡng mộ ngón đàn của “anh thầy”. Khi đã “chính danh” là bạn gái của thầy, Hằng cảm thấy rất may mắn. Những lần thầy Nam đi biểu diễn đàn ở các phòng trà, Hằng “hộ tống” theo, ngồi ở dưới để “canh chừng” người yêu một cách hãnh diện. Với suy nghĩ đơn giản của một người trẻ, Hằng cảm thấy có được thầy Nam là đời mình có tất cả.

Rồi 10 năm sau, thầy Nam vẫn là thầy Nam, trong khi Hằng đã là trưởng phòng một công ty thời trang có tiếng. Thầy Nam rủ “trò” Hằng đi cà phê piano, “trò” bảo ở đó chán ngắt, nằm ở nhà coi ti vi sướng hơn. Thầy Nam hăm hở khoe những sáng tác mới, “trò” Hằng thậm chí không thiết nghe, bảo là bận lắm. Hằng còn bảo chồng “kiếm thêm nghề gì mà làm, chứ đàn ca mãi, phù phiếm lắm”.

Người hùng bền bỉ, được không?

Người vợ nào cũng kỳ vọng vào chồng, và lắm lúc, còn kỳ vọng chồng mình được như… chồng người khác. Vì vậy, sai lầm cố hữu của quý cô, quý bà là đưa chồng mình ra so sánh với chồng người để chồng “sáng” ra việc mình thua kém như thế nào. Họ quên rằng, một khi bị so sánh, đàn ông bị tổn thương... không nhẹ! Dù không nên vương tướng gì, nhưng người đàn ông nào cũng âm thầm nuôi một hình tượng anh hùng trong mắt vợ.

Nhiều phụ nữ dễ rơi vào cách nhìn nhận thiếu khách quan, như cách chị Phương nhìn anh Được kể trên. Thuở mới quen, Phương thấy Được là số một, hình ảnh anh đẹp một cách mê hoặc, khiến chị bị “đánh ngã”. Vậy, sau bảy năm, chị tương đối thành đạt, kiếm được nhiều tiền thì anh Được nhất thiết phải được như vợ? Ca dao có câu “Thế gian được vợ mất chồng / Có phải đâu rồng mà được cả đôi”. Với tính cách thật thà, chất phác, sau bảy năm chứ mười bảy năm, anh Được cũng có thể chỉ là nhân viên “quèn”. Nhưng khi anh Được làm việc ở vị trí nhân viên, không có nghĩa là anh không đáng được tôn trọng.

Một lần, Được uống say, về nhà nói với vợ: “Bây giờ em thành đạt, anh chẳng là cái đinh gì của em nữa, đúng không? Em là trưởng phòng thì anh cũng phải cỡ trưởng phòng trở lên, đúng không? Nhưng anh hỏi em, bà vợ nào cũng muốn chồng làm quản lý, vậy nếu người chồng nào cũng là quản lý thì các công ty chỉ có quản lý, không có nhân viên à?”. Được hỏi có vẻ cắc cớ, nhưng anh có lý của mình. Bởi sự thăng tiến trong sự nghiệp không đánh giá hết được năng lực của một người nào đó. Cũng có người sở hữu năng lực cao, nhưng chẳng thể bước vào con đường hoạn lộ. Anh Được đã nỗ lực từng ngày trong công việc ở công ty, anh hạn chế nhậu nhẹt để lãnh phần đưa đón, chăm sóc con, từ đó, chị Phương mới rảnh tay làm ăn thêm. Anh đáng được là người hùng trong mắt vợ đấy chứ!

Đòi hỏi chồng thăng tiến là một đòi hỏi chính đáng của các bà vợ. Nhưng trong rất nhiều trường hợp, điều kiện sống cùng với tính cách khác biệt khiến không ít ông chồng dù có muốn cũng không thể thăng tiến. Như trường hợp của người “dạy đàn dạo” Hoài Nam. Thuở Hằng mới vào đời, anh Nam đã là ngôi sao trong lòng cô. Dù Hằng có thành đạt, thì làm sao đòi hỏi chồng thăng tiến cho “bắt kịp” cô, khi nghề của anh là dạy đàn, con người của anh có chất “lãng đãng” của nghệ sĩ?

Ngoài việc so sánh chồng mình với chồng người để rồi thất vọng, nhiều chị em còn lấy hình ảnh của chồng hiện tại để so sánh hình ảnh của chính anh ấy lúc mới quen. “Sao ngày xưa anh ga-lăng với em là vậy, mà bây giờ cứ như dùi đục chấm mắm cáy?”, “Sao ngày trước anh luôn hăm hở đón em đi làm, vừa đi vừa huýt sáo vui vẻ mà giờ bảo anh chở đi siêu thị có một chút là anh nhăn?”, “Sao hồi đó, gặp chuyện gì anh cũng quan tâm, nâng đỡ, bảo bọc em mà giờ cứ lơ lơ đi như không có vợ trên đời?”. Đó sẽ là những câu hỏi khiến chồng “cứng họng”, bởi mỗi giai đoạn có một “hoàn cảnh lịch sử” để người trong cuộc xử sự khác nhau.

Và, có một điều chắc chắn, nếu ngày trước, chàng có là người hùng lấp lánh trong lòng nàng, thì không có nghĩa là chàng sẽ thể hiện trọn vẹn hình ảnh người hùng ấy một cách bền bỉ suốt đời. Vậy nên, “anh lại sẽ là người hùng trong lòng em, nhưng theo một cách khác”.

(Theo Phụ nữ Online)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem