Ông Phan Anh Tuấn – Trưởng thôn Trung Đạo, xã Đại Hưng chia sẻ, từ nhiều năm nay, đời sống của 172 hộ dân ở thôn Trung Đạo bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi phải sử dụng nguồn nước nhiễm phèn vôi và phèn đỏ rất nặng từ các giếng đào, giếng khoan.
Khoảng 2.000 hộ ở xã Đại Hưng đang gặp khó khăn về nguồn nước. Ảnh: Đ.H
“Mỗi lần lấy nước đun sôi để nguội, trên mặt nước đều đóng một lớp màng giống dầu, đáy ấm thì có một lớp vôi trắng. Để hạn chế phèn, cũng như có nguồn nước sinh hoạt cho gia đình, hầu như nhà nào trong thôn cũng chủ động xây dựng bể chứa, đổ cát vào để lọc lấy nước dùng tạm. Do nhiều năm sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn, trong thôn đã có nhiều người mắc bệnh sỏi thận…” – ông Tuấn chia sẻ.
Theo ghi nhận của phóng viên NTNN, đa phần nguồn nước tại các thôn ở Đại Hưng, nhất là thôn An Điềm đã bị nhiễm phèn muối, phèn vôi và phèn đỏ rất nặng, không thể dùng để ăn uống. Đặc biệt, có một số nơi, người dân không thể sử dụng nguồn nước để sinh hoạt hằng ngày, dù đã qua lọc thô. Hộ nào khá giả thì mua nước lọc bình về để ăn uống hằng ngày, còn hộ khó khăn thì chấp nhận sống chung với nguồn nước ô nhiễm.
Ông Hà Xuân Minh - Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho hay, toàn xã có 10 thôn thì có tới 6 thôn, với khoảng 2.000 hộ gặp khó khăn về nước uống lẫn nước sinh hoạt như các thôn Mậu Lâm, Đại Mỹ, An Điềm, Trung Đạo, Thạnh Đại… Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt lẫn nước ngầm tại địa phương như: Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, xả rác ra nguồn nước, ô nhiễm từ mỏ than An Điềm… Cùng với đó là sự suy kiệt nguồn do biến đổi khí hậu, sự tàn phá của thiên tai, lũ lụt...
“Nhiều cuộc họp ở huyện, đặc biệt là tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, bà con nhân dân trong xã, chính quyền đã bày tỏ nguyện vọng mong Nhà nước đầu tư một dự án nước sạch, đến nay đã có đoàn về lấy mẫu kiểm tra chất lượng nguồn nước nhưng vẫn chưa có kết quả” - ông Minh nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.