Vẫn đóng lệ phí
Tâm điểm buổi họp giữa VFF và đại diện 14 CLB V.League, 10 CLB hạng Nhất chính là chuyện… tiền. Chưa ai quên khi “cướp diễn đàn” hôm 29.9, bầu Kiên từng khẳng định các cổ đông (là các CLB) sau khi góp vốn theo tỷ lệ vào VPF thì sẽ không phải đóng lệ phí hàng năm (500 triệu đồng) và VPF sẽ lo hoàn toàn chuyện ăn, ở, đi lại… cho các giám sát, trọng tài để bảo đảm sự minh bạch.
|
Người hâm mộ vẫn đang mỏi cổ chờ sự đổi mới của bóng đá Việt Nam. |
Nhưng đến hôm qua, bất ngờ những người được giao trách nhiệm liên quan tới sự ra đời của VPF lại khiến một số đại biểu ngỡ ngàng khi tuyên bố các CLB vẫn phải đóng lệ phí như… thường. Lý do là sau khi cân đối, VPF thấy khó “chịu nổi” nên phải có sự điều chỉnh lại.
Khi được đặt vấn đề về sự mâu thuẫn chỉ trong vòng 2 tháng, ông Nguyễn Hồng Thanh-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá SLNA nói: “Việc thành lập Công ty thì đương nhiên các cổ đông phải đóng cổ phần của mình rồi. Còn chuyện không phải đóng lệ phí thi đấu thì trước đây tôi chưa nghe thấy” (?!).
Ông Lê Hùng Dũng - Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF đã phải đưa ra hai phương án biểu quyết: Hoặc các CLB không đóng lệ phí cho VPF và tự lo cho giám sát, trọng tài như các năm trước; hoặc các CLB đóng lệ phí, và VPF lo cho giám sát trọng tài.
Đương nhiên, chẳng đại biểu nào đồng ý phương án thứ nhất vì như thế hóa ra lại tự quay về cái cũ. Phương án hai “miễn cưỡng” được chấp nhận và sẽ chờ tiếng nói quyết định tại Đại hội cổ đông VPF.
Thủ tục quá rườm rà
Trong buổi họp kéo dài hơn 2 tiếng giữa VFF và các CLB hôm qua, ít ai ngờ khâu mất thời gian nhất lại là việc để các CLB ký nháy vào từng trang tán thành điều lệ VPF (dày tới hàng chục trang), và các văn bản cần thiết khác. Chiều qua hoặc muộn nhất là sáng nay, VFF sẽ hoàn thiện hồ sơ gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp phép thành lập Công ty.
“Phải 5 ngày sau khi nhận đủ hồ sơ, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội mới cấp phép. Sau khi có giấy phép hoạt động, phải 7 ngày sau mới tổ chức đại hội cổ đông. Như vậy, nhanh nhất cũng phải 12 ngày nữa mới có thể diễn ra Đại hội cổ đông VPF” - ông Phạm Ngọc Viễn - Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF, người được giao vai trò chính trong quá trình chuẩn bị thành lập VPF cho biết.
Khi đăng đàn hùng hồn cách đây 2 tháng, bầu Kiên còn khẳng định chắc chắn VPF sẽ làm ăn có lãi, các CLB sẽ được chia lợi nhuận, chế độ của các trọng tài sẽ đạt từ 30-50 triệu đồng/tháng, cao hơn hẳn so với trước đây.
Chính sự rườm rà đó đã khiến những thành viên trong tổ công tác thành lập VPF “giật mình” khi nhà tài trợ Bảo hiểm Thái Sơn bỏ đội hạng Nhất Quảng Nam, và trả đội bóng về cho Sở. Với “sự cố” này, Quảng Nam đã không còn là đội bóng đã chuyển đổi xong sang mô hình doanh nghiệp nữa, và VFF phải chọn XSKT Cần Thơ (mới chuyển đổi xong sang mô hình doanh nghiệp) vào cho đủ 10 đội hạng Nhất đóng góp cổ phần trong VPF (vốn điều lệ của VPF là 30 tỷ đồng, trong đó VFF góp 10 tỷ 620 triệu đồng (35,4%), 14 CLB ngoại hạng góp 16 tỷ 380 triệu đồng (54,6%, 1 tỷ 170 triệu đồng/đội). 10 CLB hạng nhất góp 3 tỷ đồng (10%, 300 triệu đồng/đội).
“Nếu không bổ sung thì số cổ đông đang từ 25 (14 V.League, 10 hạng Nhất và VFF) sẽ còn 24, và phải thay đổi nhiều số liệu, làm quá trình thành lập VPF chậm lại thêm, không bảo đảm đúng kế hoạch tổ chức mùa giải 2012.
Về vấn đề nhân sự, trong khi ông Phạm Ngọc Viễn - người được nhiều ông bầu đề cử vào vị trí Tổng Giám đốc VPF nói: “Tôi chỉ vào vai trò tiếp nhận và hoàn thiện các thủ tục cần thiết để thành lập VPF”, thì ông Lê Hùng Dũng cũng khẳng định: “Mọi vấn đề nhân sự phải chờ đại hội cổ đông quyết định”. Rõ ràng, VPF đang rất khó khăn trong việc tìm nhân sự chủ chốt khi các quan chức VFF đều đang ở “thế lưỡng lự”.
Sẽ hạn chế ngoại binh
Tại cuộc họp hôm qua, VFF và đại diện các CLB cũng bàn về nguyên nhân thất bại của U23 Việt Nam tại SEA Games 2011: “Nguyên nhân cơ bản là do V.League, Giải hạng Nhất dùng quá nhiều ngoại binh. Đó là lý do mà chúng tôi sẽ trình Đại hội cổ đông VPF về kế hoạch hạn chế ngoại binh để tạo cơ hội cho các cầu thủ nội, trong đó có nhiều cầu thủ trẻ thể hiện mình” - ông Lê Hùng Dũng nói.
Về giải pháp công nhận cầu thủ có bố hoặc mẹ là người Việt sẽ được coi là nội binh ở mùa giải 2012 vẫn đang có sự tranh luận giữa các ý kiến khác nhau, chưa đi tới quyết định.
Theo lộ trình, tới mùa giải 2013, mỗi đội bóng ngoại hạng chỉ được đăng ký 3 ngoại binh thi đấu ở V.League (2 ngoại binh đá trên sân). Còn Giải hạng Nhất sẽ không sử dụng ngoại binh. Số lượng cầu thủ U21 trong danh sách mỗi đội là 5 người, trong đó có 2 người đăng ký trong danh sách thi đấu. Việc phân bố trọng tài trong từng trận đấu sẽ do ban trọng tài trực thuộc VFF thực hiện. Còn phân bố giám sát sẽ thuộc quyền của VPF.
Tuệ Minh
Những “ông lớn” vắng mặt
Không biết có phải tính chất cuộc họp không quan trọng hay vì lý do gì khác mà hôm qua không có sự xuất hiện của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ và 3 ông bầu “lớn”: Bầu Kiên, bầu Đức, bầu Thắng.
Ông Nguyễn Văn Đệ-Chủ tịch CLB Thanh Hóa, người cùng thuộc nhóm 6 ông bầu đề xuất ý tưởng thành lập VPF khi được hỏi đã nói: “Tôi không biết họ bận việc gì hay đang đi công tác xa”.
Chính Minh
Lê Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.