Họp báo vụ chặt 100ha rừng thông trồng mắc ca: Còn nợ nhiều câu hỏi

Lê Kiến Thứ năm, ngày 31/08/2017 17:04 PM (GMT+7)
Sáng 31.8, Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum đã tổ chức họp báo liên quan đến việc chuyển đổi rừng thông tại huyện Kon Plông (nơi được mệnh danh là "Đà Lạt thứ hai" sang trồng cây mắc ca.
Bình luận 0

Tham dự có đơn vị chủ rừng là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông, Sở Tài nguyên - Môi trường và một số ban ngành khác nhưng không có mặt của đại diện chính quyền địa phương là huyện Kon Plông.

img

Buổi họp báo do Sở Nông nghiệp Kon Tum chủ trì

Ông Nguyễn Trung Hải – Giám đốc Sở NNPTNT Kon Tum cho biết: "Đến nay, huyện Kon Plong có 6 dự án phát triển nông nghiệp và đã có chủ trương đầu tư với tổng diện tích 480ha, trong đó chuyển đổi rừng thông trồng là hơn 400ha. Mặt khác, khu vực dự kiến trồng mắc ca là diện tích rừng thông trồng sinh trưởng kém, không có hiệu quả kinh tế. Việc chuyển đổi rừng trồng sang làm dự án nếu có ảnh hưởng đến môi trường thì sẽ ảnh hưởng không nhiều vì đây là rừng trồng, trước sau gì cũng chặt để trồng mới. Việc chuyển đổi này là trồng cây nông nghiệp chứ không phải dự án khác, mà cây mắc ca cũng là cây rừng".

Theo ông Hải, việc chuyển đổi rừng sang trồng trồng mắc ca đều thực hiện đúng theo chủ trương của tỉnh và trung ương. Trong đó, ông Hải nhấn mạnh: Kon Plông có điều kiện lập địa, khí hậu khá tương đồng với huyện Krông Năng – Đắk Lắk nên việc áp dụng trồng cây mắc ca là phù hợp. Theo tính toán của chúng tôi, việc trồng mắc ca cho lãi rất cao, lợi nhuận 300 triệu đồng/ha. Việc trồng có hiệu quả hay không là chuyện của doanh nghiệp, trách nhiệm của Sở chỉ dừng ở mức độ khuyến cáo.

img

Hàng trăm ha trên 20 tuổi bị san phẳng làm dự án

Vừa nhận dự án trồng mắc ca, đã xin trồng cây ăn quả?

Tại cuộc họp báo, các phóng viên có đặt câu hỏi: Có thông tin, công ty Đăng Vinh mới đây đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tiến độ thực hiện dự án và xin trồng cây ngắn ngày, cây ăn quả trên đất đã được cấp phép trồng mắc ca. Việc này cụ thể như thế nào, đề nghị của công ty Đăng Vinh có được cơ quan chức năng chấp thuận hay không? Có hay không việc xin dự án rồi chuyển đổi trồng cây khác để chiếm đất?”.

Theo đó, Công ty Đăng Vinh đề nghị 2 nội dung xin: Trồng cây ngắn ngày để cải tạo đất” và trồng xen canh các loại cây ăn quả trên đất dự án như: cam, bơ, bưởi. Bởi theo công ty Đăng Vinh, vì Hiệp hội mắc ca có khuyến cáo nhiều nơi trồng mắc ca có năng suất thấp hoặc không trái, trong khi cây ăn trái phù hợp với thổ nhưỡng Kon Plông.

Trước câu hỏi này, ông Hải – GĐ Sở NNPTNT cho biết: Sở chưa nghe thông tin này. Cụ thể ra sao thì cần kiểm tra lại. Cùng câu hỏi trên, ông Nguyễn Hải Vân – Trưởng Phòng Quy hoạch (Sở Tài Nguyên và Môi trường Kon Tum) nói: Việc chiếm đất thì không xảy ra. Nếu dự án trong 1 năm mà không triển khai đúng quy định thì sẽ bị thu hồi hoặc chuyển doanh nghiệp khác.

Tại buổi họp, phóng viên đã có một số câu hỏi như: “Tại sao cùng thời điểm xin phép dự án, tại sao công ty Đăng Vinh được tỉnh cấp phép trồng mắc ca nhưng một công ty khác là công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Măng Đen lại không được cấp phép. Liệu có sự “ưu đãi” gì khác?”; “Đánh giá tác động môi trường khi trồng mắc ca thất bại, trong khi rừng đã mất?”… nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Trả lời các câu hỏi này, ông Hải  yêu cầu các phòng trực thuộc Sở NNPTNT phối hợp với Sở TNMT, Sở Kế hoạch đầu tư kiểm tra, trả lời chi tiết bằng văn bản sau.

Chưa khảo nghiệm, tỉnh Kon Tum đã cho trồng dự án lớn

Ngày 21.4.2015, UBND tỉnh Kon Tum ra văn bản số 754/UBND-KTN về việc phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Kon Tum gửi các sở ngành và các huyện nói rõ: Cây mắc ca là cây trồng mới, đang được trồng khảo nghiệm chưa có quy hoạch. Do đó, đề nghị Sở NNPTNT theo dõi, tránh tình trạng trồng tự phá gây rủi ro. Tuy nhiên, 4 tháng sau UBND tỉnh Kon Tum lại ra Quyết định 607/QĐ-UBND về chấp thuận chủ trương cho nhà đầu tư là Công ty Đăng Vinh thực hiện dự án đầu tư trồng cây mắc ca với quy mô 200ha. Tháng 1-2017, tỉnh ra quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất và cho công ty này thuê đất để thực hiện dự án.

img

Rừng thông rất đẹp bị phá tan hoang

Trong khi đó, ngày 30.5.2017, Sở NNPTNT Kon Tum có báo cáo “đánh giá thực trạng và khả năng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Kon Tum”. Theo đó, qua rà soát trên địa bàn hiện có 146ha mắc ca. Từ thực tế kiểm tra, Đoàn công tác Tổng cục Lâm nghiệp về phát triển cây mắc ca sinh trưởng, phát triển kém đến trung bình. Do đó, đánh giá về hiệu quả của cây mắc ca và so với các loại cây trồng khác chưa đánh giá được. Đồng thời đề nghị Bộ NNPTNT xem xét chưa thực hiện phát triển nhân rộng sản xuất cây mắc ca trong giai đoạn từ nay đến 2020.

Tại buổi họp báo, ông Trần Văn Sơn – Phó Phòng Kế hoạch tài chính (Sở NNPTNT Kon Tum) cho biết: Ở Kon Tum có 3 tiểu vùng có điều kiện để trồng cây mắc ca là huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đắk Glei. Vừa qua, cây mắc ca đã được trồng khảo nghiệm tại huyện Đắk Hà, còn ở huyện Kon Plông thì chưa.

Tiếp đó, ông Vũ Văn Bắc - Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Kon Plong thì khẳng định: cách đây 3 năm ông từng đến vườn trồng mắc ca của hộ bà Mỹ (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) thì thấy cây phát triển rất tốt, trái ra từng chùm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NNPTNT cách đây 3 tháng thì diện tích trồng mắc ca của bà Nguyễn Thị Thiện Mỹ trồng 1,6ha, cho quả rất ít dưới 1kg/cây, sinh trưởng kém, lá vàng. Các vườn khác trên địa bàn Kon Tum năng suất 0,5-0,7kg/cây.

Trước đó, Dân Việt đã viết bài “Kon Tum: Chặt 100ha rừng thông đẹp như trong phim trồng mắc ca” phản ánh việc UBND tỉnh Kon Tum có chủ trương cho phép chuyển đổi hàng trăm ha rừng thông tại huyện Kon Plông – nơi có vùng du lịch sinh thái quốc gia được ví là 1 Đà Lạt thứ 2 tại Tây Nguyên với khí hậu lạnh, mát lành với độ che phủ rừng hơn 80%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem