Sáng nay (17/12), trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Thạc Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, đã nắm được thông tin sau khi báo đăng tải bài viết. Ông Hùng đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Ông Nguyễn Quý Mạnh – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường nói đơn vị đang vào cuộc kiểm tra, khi nào có kết quả sẽ phúc đáp Báo điện tử Dân Việt.
Sống chung với bụi và nguy cơ cháy nổ
Theo phản ánh, đất tại Cụm 1 là đất thổ cư không được phép xây dựng nhà xưởng. Cụm 1 cũng là nơi có mật độ dân cư cao, tuy nhiên nhiều năm nay hàng chục nhà xưởng vẫn xây dựng và hoạt động dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Điều làm người dân ở đây bức xúc là các xưởng gỗ này hoạt động ngay cạnh UBND xã Liên Trung, họ đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị nhưng không không được giải quyết dứt điểm.
Ghi nhận thực tế của PV Dân Việt cho thấy, tại Cụm 1 có khoảng 10 xưởng gỗ hoạt động, các xưởng nằm đối diện UBND xã Liên Trung, đa số được xây dựng sát nhà dân, phía sau là trường mầm non Liên Trung và trường THCS Liên Trung.
Đi một vòng quanh Cụm 1, PV thấy cảnh bụi bặm, ồn ào gần như diễn ra cả ngày, mùi sơn phảng phất trong không khí. Mái nhà của các hộ dân quanh các xưởng gần như bị phủ bụi, nhiều hộ phải dùng các tấm bạt để che chắn cửa cho bụi khỏi vào nhà.
Dù được che chắn cẩn thận, nhưng hành lang, đồ đạc trong nhà dân lúc nào cũng dính bụi phải thường xuyên lau chùi. Nhà một số hộ luôn trong tình trạng "cửa đóng then cài" để tránh bụi, tránh tiếng ồn. Thế nhưng, dù có đóng cửa thì vẫn thường xuyên nghe tiếng máy cưa, máy xẻ kêu re ré bên tai.
Theo các hộ dân, đỉnh điểm của sự bức xúc là vào ngày 27/11 vừa qua, tại cụm xảy ra vụ cháy 5 xưởng gỗ. Vụ cháy tuy không có thiệt hại về người nhưng đã làm ô nhiễm khói bụi nặng nề và khiến người dân ở đây vô cùng hoang mang, lo lắng. Vụ cháy còn làm cháy xém một góc tường ngôi nhà đang xây dở của chị Nguyễn Thị Ánh.
Ngoài ra, cũng theo tìm hiểu, nhiều năm trước xã Liên Trung đã xây dựng riêng một điểm công nghiệp làng nghề phía ngoài đê, các xưởng gỗ phải di chuyển ra hoạt động tại đây, nhưng đến nay các xưởng tại Cụm 1 vẫn chưa được di chuyển.
Các xưởng gỗ hoạt động trong khu dân cư nhiều năm nhưng chưa được di dời. Từ giây 19 đến giây 40 là hình ảnh vụ cháy xảy ra ngày 27/11. Clip: Đình Việt.
Trước đó, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn An Sơn – Chủ tịch UBND xã Liên Trung xác nhận việc các xưởng gỗ hoạt động trong khu dân cư là sai. Theo ông Sơn, tại Cụm 1 có khoảng 10 xưởng đang hoạt động, được xây dựng trên đất thổ cư và đất nông nghiệp.
Chủ tịch UBND xã Liên Trung cho biết đã nhiều lần xử phạt. Năm 2019 xã đã xử phạt 40 trường hợp, hiện thì một số xưởng đã bị tạm dừng hoạt động.
Tuy nhiên ông Sơn cho biết việc xử phạt cũng khó vì thẩm quyền của xã chỉ được phạt tối đa 5 triệu đồng, ngoài ra thiết bị để xác định ô nhiễm cũng hạn chế nên chưa xử lý dứt điểm được. Thậm chí có xưởng bị phạt nhưng không nộp tiền. Xã đã báo cáo tình hình lên cấp huyện.
Theo ông An Sơn, theo kế hoạch trong năm 2021 các xưởng phải di chuyển hết ra bên ngoài nhưng vì dịch Covid-19 nên kế hoạch bị chậm, phải dời qua năm 2022. Xã đã có điểm công nghiệp, các xưởng phải di dời ra ngoài đó để sản xuất, trong năm sau nếu ai không đi sẽ tiến hành cưỡng chế.
Chủ tịch UBND xã Liên Trung cũng khẳng định không có việc nể nang trong việc xử lý các xưởng gỗ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.