Indonesia quyết xử bắn 8 tử tù bất chấp sức ép quốc tế

Trí Dũng Thứ hai, ngày 27/04/2015 19:00 PM (GMT+7)
Bất chấp những động thái can thiệp của Liên Hợp Quốc và Úc, chính phủ Indonesia vẫn quyết đưa 8 tử tù ra xử bắn trong vòng 72 giờ tới.
Bình luận 0

Ngày 27/4, Indonesia đã ra thông báo chính thức cho 8 tử tù quốc tịch Úc, Brazil, Nigeria, Ghana và Philippines rằng họ sẽ phải ra pháp trường và bị xử bắn trong vòng 72 giờ tới, bất chấp những nỗ lực can thiệp của cộng đồng quốc tế nhằm gây sức ép buộc Indonesia hủy vụ tử hình tập thể này.

Các tử tù trên bị kết án tử hình cách đây 9 năm, sau khi đường dây buôn bán ma túy của họ bị cảnh sát Indonesia phá vỡ nhờ tin mật báo từ phía cảnh sát Úc.

Truyền thông Indonesia cũng đã đăng những bức ảnh cho thấy nhà chức trách nước này đã chuẩn bị sẵn quan tài và thập giá có in tên và ngày mất của các tử tù này. Ngày mất in trên thập giá là ngày 29/4, chứng tỏ những tử tù bị kết tội buôn ma túy này sẽ bị tử hình ngay sau nửa đêm thứ Ba tới đây.

img
Quan tài đã được chuẩn bị sẵn cho các tử tù

Trước đó, cảnh sát Indonesia đã chuyển 8 tù nhân gồm 7 nam và 1 nữ này tới đảo Nusakambangan ở Trung Java, nơi các án tử hình được thi hành. Họ cũng đã cho phết những chấm đen lên ngực áo của tử tù để đánh dấu vị trí của tim, nơi đội hành quyết sẽ nhắm bắn.

Quyết định trên của Indonesia được đưa ra bất chấp những nỗ lực can thiệp cuối cùng của cộng đồng quốc tế nhằm cứu lấy tính mạng của những tử tù này. Trước đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi Indonesia ngừng vụ tử hình và xem xét lệnh ân xá cho 9 tử tù có liên quan đến đường dây ma túy này.

Trong tuyên bố của mình, ông Ban Ki-moon kêu gọi Tổng thống Indonesia Joko Widodo “khẩn cấp xem xét việc tuyên bố ngừng thi hành án tử hình ở Indonesia và hướng tới bãi bỏ án tử hình”.

img
Những cây thánh giá ghi sẵn ngày mất của các tử tù là 29/4

Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh: “Theo luật pháp quốc tế, án tử hình chỉ được áp dụng đối với những tội phạm nghiêm trọng nhất, chẳng hạn như cố tình giết người, và phải được thực thi bằng những biện pháp phù hợp. Tội phạm ma túy thường không được coi là loại ‘tội phạm nguy hiểm nhất’.”

Trong khi đó, chính phủ Úc cũng có những phản ứng quyết liệt trước việc Indonesia quyết tâm xử tử các tử tù này, trong đó có 2 công dân Úc. Canbera đang lên kế hoạch hạ cấp quan hệ ngoại giao với Jakarta nếu vụ tử hình vẫn được thi hành theo đúng kế hoạch.

Chính phủ Úc tuyên bố sẽ rút đại sứ ở Jakarta về nước nếu 2 công dân của họ thuộc nhóm “Bộ Chín Bali” – những tử tù bị kết án trong đường dây ma túy này – bị phía Indonesia xử tử. Úc cũng quyết liệt phản đối việc Indonesia công bố những bức ảnh chụp các quan tài và thập giá cho những tử tù trên sau khi chết.

Trước đó, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop đã yêu cầu Indonesia không đưa ra thông báo tử hình đối với các tử tù trên, tuy nhiên yêu cầu này của phía Úc đã bị phía Indonesia phớt lờ.

img
Một trong những tử tù người Úc sắp bị Indonesia thi hành án

Indonesia bắt đầu thực hiện trở lại án tử hình vào năm 2013, sau 5 năm gián đoạn, và cho đến nay nước này đã thi hành 6 án tử hình. Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Widodo đã quyết tâm mạnh tay với tội phạm ma túy, khi ông cho rằng ma túy đang trở thành “vấn đề khẩn cấp” giết chết thế hệ trẻ ở Indonesia.

Theo quy định của luật pháp Indonesia, sau khi nhận được thông báo tử hình, các tử tù sẽ được chuyển vào buồng biệt giam để chờ đợi, và chính phủ của họ sẽ được thông báo về quyết định này.

Ngoài ra, Indonesia còn tạo điều kiện cho các tử tù được gặp gỡ gia đình, người thân trong vài giờ trước khi thi hành án tử hình. Tử tù được phép lựa chọn tư thế đứng, quỳ hoặc ngồi khi ra trường bắn, trong khi họ bị trói chặt tay chân và bị bịt mắt.

img
An ninh được thắt chặt xung quanh khu vực trường bắn

Khoảng một giờ trước khi thi hành án, một đội xạ thủ 12 người được tuyển chọn từ lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Indonesia sẽ tập hợp ở địa điểm xử bắn. Chỉ huy đội bắn sẽ lần lượt cho một viên đạn vào mỗi khẩu súng, nhưng chỉ có 3 trong số đó là đạn thật, đồng nghĩa với việc sẽ không ai biết rằng mình là người bắn chết tử tù.

Khi đội trưởng đội thi hành án vung thanh gươm lên, các xạ thủ giương súng ngắm thẳng vào điểm đen trên ngực của tử tù. Loạt đạn sẽ vang lên khi người đội trưởng hạ gươm xuống. Sau đó, nếu bác sĩ kết luận rằng tử tù vẫn còn sống, đội trưởng sẽ dùng súng ngắn bắn “phát đạn ân huệ” vào đầu tử tù.

Thi thể của những tử tù này sau đó sẽ được bàn giao cho gia đình đang chờ đợi bên ngoài khu vực thi hành án.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem