Albert Carlow và Ruby Gilmour gặp nhau trong giai đoạn Thế chiến 2.
Theo BBC, đến khi cầm giấy khai sinh trên tay, Albert phát hiện bí mật gia đình giấu kín suốt hơn 20 năm qua.
Albert trải qua tuổi thơ khá bình yên. Năm 1965, ở tuổi 21, Albert phát hiện người chị cả thực ra chính là mẹ mình. “Thật khó có thể nuốt trôi viên thuốc đắng này”, Albert kể lại.
Phát hiện bí mật gia đình giấu kín
Albert yêu cầu “người chị” Ruby Gilmour, nhưng thực ra là mẹ ruột, giải thích. Trong giấy khai sinh, Albert cũng chỉ thấy có tên mẹ còn phần của cha bỏ trống. Những gì xảy ra sau đó khiến Albert ngỡ ngàng.
Cha của Albert tên Albert Carlow, đến từ Calais, Maine, là một trong số 300.000 lính Mỹ đóng quân ở Bắc Ireland trong Thế chiến 2.
Ruby chỉ mới 17 khi gặp chàng lính trẻ, khi anh ta đóng quân gần nhà riêng của gia đình ở Eglinton, County Londonderry.
Giấy khai sinh của Albert bị bỏ trống cột tên cha.
Cha của Albert được điều động đến chiến trường Normandy vào mùa xuân năm 1944, trong cuộc đổ bộ D-Day đẫm máu nhất của quân đồng minh trong Thế chiến 2.
Đến tháng 11.1944, Ruby sinh một bé trai và đặt tên theo tên người cha, được cho là đã tử trận ở Normandy.
“Thật không từ nào diễn tả được cảm giác khi phát hiện người mà bản thân vẫn tin là bố mẹ ruột lại thực chất là ông bà của mình.
Ông bà tôi đã giấu tôi trong suốt một khoảng thời gian dài. "Chị cả" của tôi, người tôi vẫn một mực xem là chị gái, vậy mà lại là mẹ ruột của tôi. Trước đó, không hề có dấu hiệu nào bất thường về các mối quan hệ trong gia đình. Khi khám phá ra sự thật, tôi thật sự thấy trống rỗng. Tôi không còn biết điều gì nữa", Albert nói.
Albert nói ông có chút giận bà Ruby vì sự không thành thật của bà. Nhưng Albert hiểu rằng các thành viên trong gia đình khi đó không muốn ông sinh ra mà không có cha. "Nếu bạn được sinh ra ngoài giá thú, nó giống như thể bạn không hề tồn tại", Albert chia sẻ.
Hội ngộ với gia đình người cha ở Mỹ
Albert Gilmour chỉ biết sự thật ở năm 21 tuổi.
Gần 35 năm sau thời điểm Albert biết về thân phận của mình, Karen Cooke - con gái của ông, sau khi tình cờ biết được câu chuyện của cha mình, đã quyết định tìm cho ra sự thật của năm đó.
Karen nói: "Tôi tìm thấy một vài thông tin về Albert Carlow, nhưng mọi chuyện không hề dễ dàng vào năm 1997, khi nơi duy nhất có thể tìm thông tin là thư viện”.
Sau nhiều khó khăn trắc trở, cuối cùng Karen và Albert cũng có được tin tức về ông Carlow. Cha ruột của ông Albert hóa ra không tử trận ở Normandy, mà vẫn tiếp tục chiến đấu trên mặt trận Bắc Phi rồi được đưa thẳng về nhà sau khi chiến tranh kết thúc. Carlow qua đời được 20 năm, tính từ thời điểm năm 1997.
Nhưng tin vui là bà nội cùng hai người anh em cùng cha khác mẹ với ông Albert vẫn còn sống ở Mỹ. Ông Albert và Karen sau đó bắt chuyến bay đến Mỹ để gặp gia đình Carlow, cả hai không thể ngờ rằng cuối cùng giấc mơ cũng trở thành sự thật. Albert nói: "Khi vừa bước ra khỏi máy bay đến Mỹ lần đầu tiên, tôi cảm thấy rằng mình thuộc về nơi đây. Nó giống như tôi được trở về nhà vậy."
Hình ảnh giống nhau của Albert Carlow và Albert Gilmour.
Lần đầu tiên nhìn thấy Albert, bà Belle – mẹ của Albert Carlow khi đó 97 tuổi đã phải kinh ngạc thốt lên "Con trai Carlow của tôi đã trở về" vì sự giống nhau giữa hai cha con.
Em trai của Albert là Gary sau đó đã đưa ông đến viếng mộ người cha Carlow. Trở về Ireland, ông Albert vẫn tiếp tục giữ liên lạc với những người thân ở Mỹ.
Ông nói rằng nếu không có Karen, ông không biết bản thân đến bao giờ mới tìm được gia đình bố ruột của mình. "Nó giống như một gánh nặng cứ treo lơ lửng trên đầu của tôi trong suốt một thời gian dài”.
Ông Albert nói kể lại chi tiết câu chuyện của mình vì muốn truyền cảm hứng cho những người đang ở trong hoàn cảnh tương tự. "Chắc hẳn vẫn còn nhiều người ngoài kia đang có cùng cảnh ngộ với tôi và họ cần được khuyến khích để thực hiện điều mà họ vẫn luôn mong muốn”.
Người đàn ông 62 tuổi đi tìm lại cha mẹ ruột và hoàn toàn bất ngờ khi biết được sự thật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.