Iran chuẩn bị các tàu liều chết?
Báo "Haaretz" của Israel dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Đức nhận định một cuộc tấn công của quân đội Israel nhằm vào các cơ sở hạt nhân Iran "rất khó" thành công, nhấn mạnh rằng hành động đó sẽ gây "tổn thất về chính trị rõ ràng".
|
Mỹ cải tiến siêu bom trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Iran. |
Ông Thomas nhấn mạnh, Đức và châu Âu đã quyết định thực hiện chiến lược trừng phạt mạnh đối với Iran thông qua các biện pháp sẽ có hiệu lực vào tháng 7 tới. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết Israel chưa quyết định cách thức phản ứng với những lo ngại về chương trình hạt nhân Iran.
Trong khi đó, Hãng tin Reuters dẫn lời Phó Đô đốc Mark Fox, Tư lệnh Hạm đội 5 của Mỹ đóng căn cứ tại Bahrain cho biết, Iran đã tăng cường lực lượng hải quân và chuẩn bị các tàu có thể sử dụng cho những vụ tấn công liều chết ở vịnh Ba Tư.
Theo đó, Iran đã tăng cường số tàu ngầm và số tàu tấn công loại nhẹ có khả năng cơ động cao. Các chuyên gia quân sự cho biết, Hạm đội 5 của Mỹ luôn duy trì sự có mặt ở vùng Vịnh với ít nhất 1 tàu sân bay cỡ lớn và 1 hạm đội các tàu chiến hỗ trợ, chiếm ưu thế vượt trội về sức mạnh so với Hải quân Iran.
Kể từ sau vụ tấn công bằng tàu nhỏ chứa thuốc nổ làm chìm khu trục hạm USS Cole ở tại Yemen vào năm 1996, khiến 17 binh sĩ Mỹ thiệt mạng, Washington đang rất quan ngại về khả năng những tàu chiến lớn của nước này trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công tương tự từ phía Hải quân Iran.
Tuy nhiên, ông Fox nhấn mạnh, Hải quân Mỹ vẫn có thể ngăn chặn nước này phong tỏa eo biển Hormuz chiến lược trung chuyển 40% sản lượng dầu thế giới.
Mỹ cải tiến siêu vũ khí phá boongke
Ngày 13.2, giới truyền thông Mỹ cho biết, Quốc hội nước này đã chấp thuận đề nghị của Lầu Năm Góc về khoản kinh phí bổ sung hơn 81 triệu USD để cải tiến và triển khai loại siêu bom xuyên phá boongke, hầm ngầm. Quyết định này được thông qua sau khi các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định yêu cầu cấp bách về bổ sung kinh phí triển khai siêu bom có tên gọi tắt là MOP này.
Một số nguồn tin quân sự cho rằng đây là một phần trong kế hoạch của Lầu Năm Góc nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng đối phó với Iran sau khi nước Cộng hòa Hồi giáo này tiến hành làm giàu uraium tại một boongke ngầm ở cơ sở hạt nhân Fordo gần thành phố thiêng Qom.
Iran cho biết, cơ sở làm giàu hạt nhân ngầm Fordo sẽ được đưa vào hoạt động đầy đủ trong vài ngày tới. Fordo được sử dụng để tinh chế urani làm giàu ở mức 20%.
Bom MOP nặng 13 tấn, dài 6m, chứa 2,5 tấn thuốc nổ, có thể xuyên qua lớp bê tông cốt thép dày 60m trước khi phát nổ với sức công phá mạnh gấp 10 lần so với loại bom cùng loại BLU-109.
Siêu bom này được trang bị thiết bị GPS dẫn đường nhằm tiêu diệt các mục tiêu tiềm tàng như các cơ sở hạt nhân nằm sâu dưới lòng đất mà những loại bom hiện nay không thể xuyên tới.
Theo giới chuyên gia, 60m chưa phải là độ sâu xuyên phá cuối cùng của bom MOP và chỉ số này có thể tăng sau khi được nâng cấp. Lực lượng Không quân Mỹ đã được được bổ sung bom MOP từ tháng 9.2011.
Lâu nay, Mỹ nghi ngờ phần lớn cơ sở hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên đều nằm sâu dưới lòng đất nhằm tránh bị phát hiện và ít bị hư hại trong trường hợp bị tấn công. Từ năm 2007, các chuyên gia quân sự quốc phòng Mỹ đã nghiên cứu phát triển bom MOP và đã chế tạo được 20 quả.
Gia Khánh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.