Kẻ sát nhân khoác áo bệnh nhân tâm thần sau cánh cửa gia đình

Chủ nhật, ngày 24/12/2017 08:31 AM (GMT+7)
Thời gian vừa qua, có không ít vụ thảm án mà hung thủ là người tâm thần vừa được bệnh viện cho điều trị ngoại trú. Để tránh những hậu quả đau lòng có thể xảy ra sau khi người tâm thần xuất viện, gia đình bệnh nhân và cộng đồng cần phải trang bị kiến thức để chăm sóc, điều trị và có những ứng xử phù hợp...
Bình luận 0

1. Đầu tháng 12.2016, một vụ thảm án đau lòng đã xảy ra tại tỉnh Hà Giang. Nghi can Phù Minh Tuấn (32 tuổi, trú tại Tân Trịnh, Quang Bình, Hà Giang) vừa được Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho xuất viện vào tháng 7.2016. Trước đó, Tuấn cũng từng một lần nổi cơn điên và sát hại chính con đẻ của anh ta.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, khoảng 4 giờ 20 phút ngày 1.12.2016, Tuấn đã dùng dao tấn công khiến 4 người tử vong tại chỗ gồm ông Phù Láo Tả (59 tuổi, bố ruột hung thủ), anh Tải Lở Mở (51 tuổi), anh Phù Văn Thịnh (23 tuổi) và cháu Phù Ánh Tuyết (SN 2015) cùng trú tại thôn Tả Ngảo (Tân Trịnh, Quang Bình). Anh Phù Láo Sán (26 tuổi) bị Tuấn chém trọng thương.

Chị Sìn Thị Hằng, vợ đối tượng Phù Minh Tuấn cho biết, chị và Tuấn bén duyên rồi xây dựng gia đình với nhau khoảng hơn chục năm trước. Thời gian đầu, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ khá bình yên. Tuấn bản chất là người chăm chỉ, hiền lành. Hai đứa con trai lần lượt ra đời, vợ chồng bảo ban nhau làm việc chăm chỉ hơn để có tiền nuôi con ăn học.

Vài năm trở lại đây, Tuấn bắt đầu có những biểu hiện bất thường. Thi thoảng Tuấn lại có hành vi rất “khác người” và thường nói lẩm bẩm những câu vô nghĩa vào lúc nửa đêm. Ban đầu, chị Hằng nghĩ do chồng làm việc mệt nên mới thế, chị Hằng không để tâm và cũng chẳng đề phòng. Không ngờ bi kịch kinh hoàng đã xảy ra.

img

Một góc BV Tâm thần TW I (Thường Tín, Hà Nội).

Chị Hằng còn nhớ rõ thời gian đó là vào khoảng 3 giờ chiều ngày 6.1.2015. "Lúc đó cháu lớn đang đi học, cháu bé đang ngủ trong nhà, tôi cũng ở trong nhà cùng cháu còn Phù Minh Tuấn thì ở ngoài sân. Đột ngột, Tuấn lao thẳng vào nhà, trên tay lăm lăm con dao hướng thẳng về đứa bé đang ngủ say trên giường".

Bản năng của người mẹ trỗi dậy, chị Hằng lao đến bế xốc đứa bé lên vai vụt chạy ra ngoài và cứ thế nhằm thẳng hướng nhà người bác chồng cách đấy một đoạn để tránh bị Tuấn truy sát. Không ngờ, Tuấn tiếp tục cầm dao đuổi theo. Sức vóc của người phụ nữ lại phải bế con trên vai khiến chị Hằng không thể chạy nhanh.

Chị Hằng chạy được 50m thì hai mẹ con bị Tuấn bắt kịp. Trong cơn điên loạn, gã vung dao nhằm thẳng vào đứa con trai đang vắt vẻo trên vai vợ. Đứa bé tắt thở ngay trên bờ vai mẹ sau nhát dao oan nghiệt của bố. Phù Minh Tuấn cũng bị bắt ngay sau đó. Sau khi có kết quả giám định đối tượng bị mắc chứng bệnh tâm thần, lực lượng chức năng đã đưa Tuấn đi điều trị bắt buộc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Thường Tín, Hà Nội).

Còn nhớ tháng 3.2016 chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương và được tiếp xúc với nhiều bệnh nhân phải vào đây điều trị bắt buộc. Ngay từ giây phút giáp mặt đầu tiên với bệnh nhân Đặng Văn Thanh (48 tuổi, trú tại Hồng Châu, Yên Lạc, Vĩnh Phúc) tôi đã thoáng rùng mình. Người đàn ông có thân hình cao to, rắn chắc song khuôn mặt thì phải nói là... lạnh như đóng băng. Đặc biệt là đôi mắt lúc nào cũng nhìn trừng trừng, như thể sắp ăn tươi nuốt sống người đối diện.

Giống như Phù Minh Tuấn,  Đặng Văn Thanh mắc chứng tâm thần phân liệt. Và khi cơn bệnh nổi lên, chính tay Thanh đã sát hại cháu ruột của mình (cách đây gần 20 năm), và cả con gái của mình (năm 2015).

Thanh vốn là một nông dân cần cù chất phác ở xã Hồng Châu, cả đời chỉ biết đến cây lúa, củ khoai. Nhưng thật đáng sợ, trong bộ não của ông ta lại ẩn chứa căn bệnh nguy hiểm - tâm thần phân liệt. Khi gặp một kích thích ông ta có thể có những hành động ghê rợn mà ít ai có thể tưởng tượng được.

Vào một buổi chiều đầu tháng 3.2015, Đặng Văn Thanh ở nhà xem tivi. Lúc đó cô con gái Đặng Thị Thủy cũng đang ở nhà. Thủy sinh năm 1992, làm nghề cắt tóc gội đầu. Từ nhỏ đến lớn, Thủy luôn là cô gái ngoan ngoãn, có hiếu với cha mẹ. Mặc dù đã lấy chồng, song Thủy thường xuyên qua nhà thăm nom, có món ăn gì ngon là Thủy đều mang sang cho bố mẹ. Nhưng thật không ngờ, buổi chiều hôm đó lại là ngày cuối cùng của Thủy.

Sau nhiều ngày mất ngủ, đầu óc ông Thanh lúc nào cũng căng như dây đàn. Ông ta không thể điều chỉnh nổi hành vi của mình. Và khi cơn điên nổi lên, người đàn ông vốn là lực điền ấy đã dùng dao chém nhiều nhát vào người con gái, khiến cô tử vong tại chỗ. Bản thân Thanh sau khi gây án cũng đã cắt cổ tay tự sát, đồng thời còn dùng dây điện quấn vào tay, nối vào ổ điện. Tuy nhiên ông ta đã không chết.

Thanh kể, khi gây án ông ta không hề biết một tí gì. Ông không nhớ đã lấy con dao ở đâu, không nhớ chém vào chỗ nào, cũng không biết đã tự sát. “Lúc đó tôi chỉ thấy đầu óc mơ mơ tỉnh tỉnh, chân tay hoạt động một cách vô thức”. Khi mà nhận thức được vấn đề thì ông đang ở trong bệnh viện. Hành vi man rợ kia ông chỉ được biết qua lời kể của bạn bè và các chiến sỹ công an mà thôi.

Thanh chỉ nhớ mang máng rằng, thời điểm trước khi gây án ông ta bị mất ngủ triền miên. Đêm nào cũng thức chòng chọc từ chập tối đến sáng bảnh, và đầu óc cứ lộn tùng phèo. Thanh cố lết ra tiệm thuốc đầu làng mua một vốc thuốc ngủ. Rồi mỗi lần ông uống 3-4 viên, chợp mắt được 1-2 giờ đồng hồ rồi lại tỉnh dậy. Nhiều hôm liền như thế thì gây ra sự việc tày trời ở trên.

Sau vụ án, cơ quan điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc xác định nguyên nhân là do bệnh tâm thần tái phát, Đặng Văn Thanh được đình chỉ điều tra và đưa đi chữa bệnh bắt buộc. Bà vợ không chịu nổi cú sốc, đã bươn bải vào TP HCM sống cùng cậu con trai. Cũng với cái giọng u buồn, lạnh lẽo, Đặng Văn Thanh cho biết dù sự việc đã xảy ra được hơn một năm song cứ nghĩ đến hình ảnh con gái, Thanh lại khóc.

Theo bác sỹ ở Khoa Cấp tính nam, khi được đưa vào đây bệnh nhân Thanh có biểu hiện bị trầm cảm nặng. Thanh không giao tiếp với ai, cũng hiếm người có thể giao tiếp được với ông ta. Thanh không biết, không nhớ được vì sao lại bị đưa vào bệnh viện. Qua một thời gian dài điều trị, sức khỏe tâm thần của ông ta mới dần trở lại bình thường. Nhưng không ai dám chắc rằng, khi được trở về nhà, thiếu sự chăm sóc, theo dõi của những người có chuyên môn, căn bệnh kia sẽ không bao giờ tái phát!

2. Theo bác sỹ Trần Thị Hồng Thu, Trưởng Khoa Lâm sàng Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, hiện nước ta có khoảng 700 ngàn người bệnh tâm thần phân liệt. Và không phải bệnh nhân nào cũng được điều trị nội trú tại bệnh viện mà đa số họ đang được chăm sóc tại gia đình. Thực trạng này đòi hỏi gia đình bệnh nhân có trình độ nhận thức nhất định trong việc chăm sóc người bệnh tại nhà.

img

Đối tượng Phù Minh Tuấn.

Tâm thần phân liệt là một bệnh lý mà nguyên nhân là do những biến đổi sinh học rất phức tạp của não và chịu tác động rất mạnh của môi trường tâm lý xã hội không thuận lợi. Nếu gia đình và cộng đồng hiểu rõ bản chất và nguyên nhân của bệnh, mọi người sẽ có sự nhìn nhận và ứng xử theo chiều hướng tích cực. Việc uống thuốc hàng ngày là cần thiết để ổn định bệnh, bệnh có ổn định thì người bệnh mới thực hiện được tái thích ứng với gia đình và xã hội. Gia đình cũng xác định việc chăm sóc người bệnh tâm thần phân liệt không phải chỉ có thuốc là đủ mà phải toàn diện, đặc biệt là chăm sóc về tâm lý để phục hồi chức năng tâm lý xã hội.

Khi trong nhà có người thân bị bệnh tâm thần phân liệt, mọi thành viên khác đều phải chịu sức ép về tâm lý ở một mức độ nào đó. Cũng vì thế mà cả gia đình phải nghiêm túc đối mặt để vượt qua thách thức, thậm chí phải động viên nhau có nghị lực mạnh mẽ để nâng đỡ người bệnh và cũng là người thân của mình.

Trước hết họ phải có cách ứng xử một cách khéo léo không để người bệnh nhận thấy sự khác thường trong cách cư xử. Đồng thời luôn dành cho họ tình cảm, sự yêu thương, quan tâm chăm sóc, đưa lại cho người bệnh cảm giác được bảo đảm an toàn hơn, ấm áp dễ hòa nhập hơn với xung quanh.

Các thành viên trong gia đình cũng phải tìm hiểu về căn bệnh này, cảm thông chia sẻ những mặc cảm của người bệnh, giúp người bệnh thích ứng được với cuộc sống xã hội bằng cách tạo điều kiện để người bệnh tham gia lao động tập thể, học nghề, sinh hoạt giải trí thích hợp. Hoặc tối thiểu là lao động phục vụ sinh hoạt hằng ngày như nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh, sinh hoạt giải trí, thể thao, ca nhạc, văn hóa - xã hội...

Đặc biệt là không được trừng phạt người bệnh bằng thái độ xa lánh, không nói chuyện hoặc nói rất ít với người bệnh, không lắng nghe người bệnh nói, không thân thiết với người bệnh... Vì như vậy sẽ càng làm cho bệnh tật của họ nặng thêm. Gia đình cũng cần tránh cho người bệnh lâm vào những trạng thái như: cảm xúc căng thẳng, lo lắng sợ hãi, buồn chán, phiền muộn... mà nguyên nhân có thể là do những lời nói, cử chỉ, hành vi thiếu thận trọng của người xung quanh hoặc do những xung đột trong mối quan hệ gia đình, cộng đồng...

img

Bệnh nhân Đặng Văn Thanh đang điều trị tại BV Tâm thần TW I.

Khi người bệnh làm được một việc tốt, gia đình hãy biểu dương khen thưởng hành vi đó tùy mức độ và điều kiện. Khi đó người bệnh sẽ cảm thấy rằng gia đình yêu mến họ, sự thật họ vẫn là người có ích và sẽ dễ dàng chấp nhận sự hướng dẫn của gia đình.

Đặc biệt gia đình rất cần phải giúp người bệnh tự làm lấy những công việc thông thường trong sinh hoạt hằng ngày càng nhiều càng tốt. Nếu người bệnh đã có một thời gian dài không biết cách tự chăm sóc bản thân, gia đình hãy hướng dẫn họ dần dần (như tắm giặt, vệ sinh cá nhân, gấp chăn màn, quét nhà, dọn dẹp nhà...). Không để cho người bệnh ở trạng thái thụ động, hãy làm việc gì đó với họ, đưa họ đi chơi đây đó, tạo cơ hội giao tiếp với xã hội. Cũng đừng nóng vội mà bắt họ làm việc quá khả năng của họ.

Giống như nhiều bệnh cơ thể khác (bệnh lao, bệnh sốt rét, bệnh đái tháo đường...), tâm thần phân liệt là bệnh mãn tính và hay tái phát. Hai nhân tố chính làm bệnh dễ tái phát là dùng thuốc an thần kinh không đều và yếu tố nâng đỡ kém. Yếu tố nâng đỡ bao gồm hệ thống nâng đỡ của cả gia đình và xã hội về các sinh hoạt, nhà ở, việc làm, chăm sóc tại cộng đồng.

Trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, khi những hỗ trợ từ phía xã hội còn chưa được coi trọng thích đáng, các dịch vụ phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần còn chưa sẵn có, gia đình cần phải hiểu rõ trách nhiệm lớn lao của họ trước khi trông đợi vào sự trợ giúp từ cộng đồng và xã hội, vai trò gia đình hơn bao giờ hết phải được phát huy hàng đầu.

Để phát hiện và can thiệp sớm các giai đoạn tái phát của bệnh, gia đình cần theo dõi để nhận biết những cách cư xử khác thường của người bệnh, đó là: Họ thu mình lại và rất trầm lặng, thậm chí hỏi cũng không trả lời, không ăn. Họ trở nên hiếu động và nói luôn miệng. Hoặc họ trở nên sợ hãi, kích động... Khi đó hãy đưa họ đến nhân viên y tế. Nếu họ có ý định gây thương tích cho bản thân hoặc tấn công, dọa nạt những người xung quanh, cần chuyển họ đi bệnh viện ngay.

Minh Tiến (An ninh thế giới)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem