Thử kiên nhẫn của Mỹ
Tên lửa Triều Tiên đã đặt lên bệ phóng, điều này được giới tình báo Mỹ, Hàn gần như khẳng định chắc chắn. Tuy nhiên, những động thái còn lại của Triều Tiên, chỉ là một trong nhiều chiêu trò để đánh lạc hướng của dư luận, cũng như thử độ kiên nhẫn của đối phương.
Mỹ cho biết hệ thống radar dải tần X đặt trên biển của quân đội nước này hiện đã được triển khai vào vị trí nhằm phát hiện bất cứ vụ phóng tên lửa nào của Triều Tiên.
Hiện Mỹ đã triển khai 2 tàu khu trục lớp Arleigh trang bị vũ khí chống tên lửa tới khu vực Tây Thái Bình Dương trong khi các khẩu đội tên lửa đánh chặn THAAD đặt trên mặt đất cũng đã được bố trí tới đảo Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ cách Triều Tiên khoảng 3.380km về phía Đông Nam.
|
Binh sĩ Hàn Quốc theo dõi sát hành động từ Triều Tiên. Ảnh DM |
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng nhấn mạnh rằng, những hành động và lời lẽ khiêu khích của Triều Tiên không giúp xoa dịu một tình huống sôi sục. "Mỹ và tất cả các đồng minh của Mỹ muốn thấy những lời lẽ đó cần được hạ thấp, những hành động đó cần được hủy bỏ. Nếu điều đó không xảy ra, Mỹ được chuẩn bị đầy đủ để đối phó với bất kỳ tình huống nào, trước bất kỳ hành động nào mà Triều Tiên có thể đưa ra hoặc bất kỳ sự khiêu khích nào mà họ có thể kích động”, ông Chuck Hagel tuyên bố.
Triều Tiên ngày 11.4 đã đe dọa sẽ đóng cửa vĩnh viễn khu công nghiệp chung Kaesong, nơi có 123 công ty Hàn Quốc trong đó sử dụng khoảng 53.000 công dân Triều Tiên.
Cũng trong ngày 11.4, Bộ Quốc phòng Hàn quốc cũng tuyên bố sẵn sàng dùng hệ thống tên lửa Patriot để bắn hạ các tên lửa Triều Tiên nếu chúng tấn công lãnh thổ Hàn Quốc.
Hàn Quốc hiện đang vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-2, vốn có khả năng bắn hạ các tên lửa và máy bay đối phương ở độ cao 30km. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết: “Quân đội Hàn Quốc đang ở tư thế sẵn sàng trước những lo ngại rằng các tên lửa Triều Tiên có thể đe doạ sự an toàn lãnh thổ và các công dân Hàn Quốc”.
Hàn Quốc cũng đã kêu gọi Triều Tiên ngồi vào bàn đối thoại để tháo gỡ thế bế tắc chính trị trên bán đảo Triều Tiên. Trong một thông cáo chính thức, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-jae, tuyên bố: "Việc đình chỉ hoạt động của Khu công nghiệp chung Kaesong-một biểu tượng của sự hòa giải và hợp tác liên Triều, là hành động không mang lại tốt đẹp cho tương lai trên bán đảo Triều Tiên. Việc bình thường hóa hoạt động của Khu công nghiệp Kaesong cần phải được thông qua đối thoại".
Ngoài ra, ông Ryoo Kihl-jae còn hối thúc Bình Những "ngồi vào bàn đối thoại để thảo luận những gì Triều Tiên mong muốn".
Khả năng chiến tranh là 70%?
Trong khi những thể hiện của Triều Tiên được ví von như một trò chơi chiến tranh, thì một chuyên gia hàng đầu chuyên nghiên cứu về Triều Tiên tại Trung Quốc cảnh báo rằng khả năng chiến tranh bùng nổ tại bán đảo Triều Tiên là hơn 70%.
Tờ Bưu điện Trung Hoa sáng ngày 11.4 dẫn lời ông Zhang Liangui-giáo sư nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Trường Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, để đưa ra xác suất rằng 70% khả năng chiến tranh sẽ xảy ra.
Ông Lianggui đưa ra xác suất này sau khi Bình Nhưỡng thông báo cấm khách du lịch qua biên giới Trung - Triều. Theo phân tích của vị giáo sư này, ngay cả khi các bên liên quan tránh gây ra chiến tranh thì vẫn tồn tại một yêu cầu cấp bách, đó là giải pháp để tránh xung đột trong tương lai và đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, một chuyên gia về Triều Tiên khác là ông Alexander Mansourov-giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Johns Hopkins, nhận định: "Nếu Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là nước đầu tư nhiều nhất của Triều Tiên thì chúng ta có thể trông đợi họ sẽ thúc đẩy cho những chính sách có hiệu quả hơn về mặt kinh tế và những chính sách xã hội tốt hơn ở Bình Nhưỡng”.
Ông Mansourov cho rằng sự thúc đẩy như vậy của Trung Quốc sẽ làm cho Triều Tiên thay đổi từ bên trong.
Ông Mansourov cho biết: "Kết cuộc thì thay vì gây sức ép lên Triều Tiên, Trung Quốc có thể giúp đỡ cộng đồng quốc tế qua việc tạo ra những sự thay đổi bên trong Triều Tiên – những sự thay đổi về kinh tế và xã hội mà hy vọng là một ngày nào đó sẽ đưa lên bề mặt những lực lượng chính trị mới, những lực lượng có thể tạo ra những sự thay đổi về chính trị”.
Tuy nhiên, điều này vẫn còn đang ở “thì tương lai”. Hiện Mỹ và các nước đồng minh đang cần một sự can thiệp từ Bắc Kinh để làm dịu những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên mà thực tế Trung Quốc chưa làm được gì nhiều so với sự mong đợi này.
Quang Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.