Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Một vị khách nước ngoài đặt ra mục tiêu mỗi ngày thử một loại cà phê: nâu đá, cà phê sữa dừa, cà phê muối… trong chuyến du lịch Việt Nam.
Siham Basir, cây bút đến từ Pakistan, vốn không phải người ghiền cà phê nhưng rất ấn tượng với thức uống "quốc dân" này của người Việt trong chuyến du lịch Việt Nam gần đây.
"Tôi có cảm giác rằng. mình không thể quay lại đất nước này mà không thử cà phê Việt Nam, vì vậy tôi mỗi ngày tôi đều tìm mua cà phê", Siham bày tỏ trên Asia News Network.
Khách du lịch dễ dàng tìm thấy quán cà phê hoặc xe bán rong cà phê ở hầu hết mọi nơi ở Việt Nam. Các quán cà phê ở Việt Nam cũng nhan nhản khắp đường phố như quầy bán trà chai dhaba ở Pakistan, ngoại trừ số lượng "nhiều gấp ba".
Siham quan sát văn hóa uống cà phê của người Việt khi ghé quán chỉ việc ngồi xuống và thư giãn. "Những chiếc ghế rất thấp - bạn gần như phải khuỵu xuống - và không ai yêu cầu bạn đứng dậy sau khi uống hết", nữ du khách bày tỏ.
Điều thú vị hơn Siham để ý là người Việt thư giãn tại quán cà phê vào tất cả các khung giờ trong ngày - lúc 11, 12 giờ trưa, 2 giờ chiều, 6 giờ tối... Họ ngồi cà phê và ngắm đường phố nhiều hơn là quay mặt về phía bạn đồng hành để trò chuyện.
"Có vẻ như cách sắp xếp chỗ ngồi như vậy được ưa chuộng hơn, vì tôi thấy rất ít người xoay ghế để đối mặt với bạn bè của họ. Những người ngồi ở quán cà phê một mình dễ dàng tránh né những cuộc trò chuyện hay ánh mắt của mọi người", Siham nhận xét. "Ở Pakistan, trải nghiệm ngồi một mình ở quán cà phê không thú vị bằng một nửa".
Theo cô, cà phê ở Việt Nam nhìn chung rẻ, giá gần bằng một nửa so với ở Pakistan. Tùy quán, du khách có thể mua một ly cà phê đá ở Việt Nam với giá từ 30.000 đến 100.000 đồng Việt Nam (khoảng 1,18 USD đến 3,93 USD). Sân bay là nơi bán cà phê đắt nhất, nhưng Siham cho rằng giá cả đắt đỏ không phải chuyện lạ ở các sân bay.
Ấn tượng đầu tiên của Siham về cà phê Việt Nam là hương vị khiêm tốn. Trong một thế giới coi trọng hương thơm và nốt hương, cà phê Việt Nam không quá đậm đà hay quá đắng. Đó chính xác là những gì Siham mong muốn - một thức uống vui vẻ, mát lạnh, ngọt ngào vào một ngày nắng nóng.
Một điều thú vị là cà phê Việt Nam, hoặc ít nhất là những loại cà phê Siham thử, không pha với sữa tươi mà dùng sữa đặc. Đây là tin tốt đối với Siham, bởi cô mắc chứng bất dung nạp lactose có trong sữa bò.
Tổng kết chuyến du lịch vòng quanh Việt Nam, Siham đã thử đến 8 loại cà phê. Đầu tiên là cà phê sữa đá ngọt ngào, mát lạnh - thức uống đơn giản mà Siham cho rằng khách du lịch có thể tìm mua ở bất kỳ đâu. Tiếp đó là cà phê dừa - phiên bản Siham đánh giá sẽ được nhiều người yêu thích.
Cà phê muối là thứ Siham gọi và nghĩ rằng mình có thể sẽ không thích. Bởi, cô vốn là người hảo ngọt, và cà phê muối - đúng như tên gọi - lại có vị mặn. Nhưng Siham hoàn toàn bất ngờ với trải nghiệm chưa từng có này, khi muối thêm vào một hương vị mới lạ cho cà phê.
Cà phê mocha đá là phiên bản không chinh phục được khẩu vị của Siham. Cô cho rằng vị cà phê mocha khá giống chocolate, không có gì mới mẻ.
Cà phê trứng là phiên bản khiến Siham ái ngại ngay từ khi nghe tên. Cô tự hỏi: "Ai lại cho trứng sống vào cà phê?". Nhưng trải nghiệm hoàn toàn khiến cô bất ngờ khi nếm lớp kem trứng đánh bông vô cùng ngọt ngào bồng bềnh phía trên phần cà phê đắng.
"Nó không có mùi hay vị trứng như tôi lo sợ", nữ du khách cho hay. Cô càng hào hứng hơn khi biết đến câu chuyện lịch sử của loại cà phê đặc sản này.
"Thành thật mà nói, đây là loại cà phê yêu thích của tôi. Tôi nghĩ phiên bản đá của thức uống này vượt trội hơn nhiều so với kiểu uống nóng", Siham bày tỏ và cho biết cô sẽ tự pha một ly cà phê trứng uống với đá lạnh khi trở về nhà.
Khép lại những chia sẻ của mình, Siham tâm đắc: "Hãy đến Việt Nam và uống thử cà phê nhé".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.