Trước đây, kỷ lục ở độ “chịu chơi,
chịu chi” thuộc về Olympic mùa hè Bắc Kinh 2008 với kinh phí hơn 44 tỷ USD. Tuy
nhiên, đến kỳ Olympic mùa đông Sochi 2014, kỷ lục mới đã được thiết lập. Trong
tháng 1, tổng thống Nga Putin đã khẳng định với giới truyền thông rằng nước Nga
chỉ chi 214 tỷ rúp, tương đương 7 tỷ USD, trong đó có gần 50% là tiền của nhà
nước để tổ chức Olympic mùa đông Sochi 2014.
Tuy nhiên, giới truyền thông quốc
tế vẫn ước tính rằng, Thế vận hội mùa đông lần này được tổ chức với chi phí vô
cùng tốn kém. Một tuần trước ngày khai mạc, Thủ tướng Nga Medvedev đã xác nhận
trên kênh CNN rằng chi phí thực tế là hơn 50 tỷ USD. Đây là mức chi cao gấp 4
lần so với con số hơn 12 tỷ USD mà nước Nga đã cam kết sẽ đầu tư khi vận động
giành quyền đăng cai Olympic mùa đông 2014.
Olympic mùa đông Sochi 2014 đi vào lịch sử khi trở thành đại hội thể thao tốn kém nhất từ trước tới nay.
Thực tế, nguyên nhân của sự tốn kém
này bắt nguồn từ việc đầu tư vào các công trình Olympic của Nga tăng vọt so với
dự toán ban đầu. Dẫn chứng điển hình là chi phí cho tổ hợp nhà thi đấu RusSki
Gorki ban đầu dự toán chỉ là hơn 40 triệu USD, nhưng trên thực tế đã lên đến
265 triệu USD, cao gấp gần 7 lần so với ước tính ban đầu. Còn sân vận động
Fisht có tổng mức đầu tư hơn 700 triệu USD, cao gấp hơn 2,5 lần so với dự toán
trong khi sân hockey trên băng Bolshoy Ice Dome có chi phí hơn 300 triệu USD,
cao gấp 2,6 lần dự toán. Theo ước tính, để tổ chức cho mỗi môn thi đấu tại
Olympic mùa đông lần này, nước Nga đã chi tới 520 triệu USD, một con số vô cùng
ấn tượng và là kỷ lục vô tiền khoáng hậu.
Chi phí đắt đỏ nên hiển nhiên nước Nga
rất hy vọng đây là Thế vận hội mùa đông hoành tráng và thành công nhất trong
lịch sử. Thành phố du lịch Sochi
nằm ven bờ Biển Đen vốn đã nổi tiếng nên đây là cơ hội rất tốt để quảng bá hình
ảnh. Từ ngày 7 đến 23.2, Sochi sẽ là tâm điểm của thể thao thế giới và người
Nga đang nỗ lực chứng tỏ rằng, Olympic lần này không chỉ “nổi tiếng” về độ tốn
kém mà còn thực sự hấp dẫn về lĩnh vực thể thao cũng như độ tráng lệ.
Đối diện với nguy cơ khủng bố, bắt cóc,
nước Nga đã thắt chặt an ninh ở mức tối đa. Trong suốt thời gian diễn ra
Olympic mùa đông, chỉ có một số phương tiện đã đăng ký mới được phép vào Sochi
và thường xuyên phải qua trạm kiểm tra an ninh để cảnh sát và chó nghiệp vụ
kiểm tra.
Trong khi đó, tổng thống Nga Putin cho biết: Có khoảng 40.000 cảnh
sát và lực lượng quân đội được điều động tham gia bảo vệ an ninh cho Thế vận
hội mùa đông. Khẩu hiệu của Olympic mùa đông là “Nóng! Lạnh! Tất cả của các
bạn”, còn tiêu chí của đại hội lần này, theo người đứng đầu ban tổ chức
Alexander Zhukov cho biết là: “Huy động tối đa lực lượng an ninh để bảo đảm sự
an toàn ở mức cao nhất và không ảnh hưởng đến tinh thần thể thao”.
Olympic mùa đông Sochi 2014 có sự tham gia của gần
6.000 vận động viên đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tranh
tài ở 15 môn thể thao mùa đông trong 17 ngày thi đấu.
|
Long Nguyên (Long Nguyên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.