Sau 8 ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, vào 17h10 phút chiều 13.2 bệnh nhân bị nhiễm cúm A/H1N1 đã tử vong.
Một hộ lý đã chăm sóc bệnh nhân này cũng đang phải điều trị tại bệnh viện này vì có dấu hiện bệnh cúm, nghi bị lây nhiễm từ bệnh nhân …
Chiều 13.2, ông Phạm Đình Chi – Trưởng Khoa hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, bệnh nhân Huỳnh Thanh T. (30 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang, Khánh Hòa) bị nhiễm cúm A/H1N1 đã tử vong vào 17h10 phút cùng ngày.
Trước đó, lúc 11 giờ, ngày 5.2 bệnh nhân T. nhập viện tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa trong tình trạng mệt, ho, suy hô hấp nặng, suy đa tạng. Kết quả xét nghiệm của Trung tâm nghiên cứu y khoa nhiệt đới của Đại học Oxford tại TP.HCM và Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP.HCM, các bệnh phẩm của bệnh nhân Tuấn đều cho kết quả dương tính với vi rút cúm A/H1N1. Bệnh nhân được cách ly, cho thở máy, tiến hành lọc máu liên tục và điều trị theo phác đồ cúm A/H5N1 của Bộ Y tế. Nhưng sau 8 ngày điều trị tích cực, không có dấu hiệu thuyên chuyển và đã tử vong. Theo người nhà, 5 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt. Trước đó, bệnh nhân có ăn thịt gà không rõ nguồn gốc mua ở chợ, sát nhà bệnh nhân có hộ nuôi gà.
Sáng 13.2, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa cho biết, ngoài bệnh nhân T, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa đang điều trị cho 4 bệnh nhân khác nghi nhiễm cúm A. Trong đó một sản phụ đã làm thịt và ăn thịt vịt, chẩn đoán viêm phổi nặng nghi do cúm A. Ngoài ra còn 3 trường hợp khác nghi ngờ có liên quan đến cúm A. Đặc biệt có một trường hợp là hộ lý của khoa hồi sức tích cực – chống độc, nghi là đã bị nhiễm cúm từ bệnh nhân T trong quá trình chăm sóc bệnh nhân này. Hiện tất cả 4 bệnh nhân này đã được lấy mẫu, chờ kết quả xét nghiệm
Theo ông Lê Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Khánh Hòa, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số ổ dịch cúm gia cầm trên đàn vịt thịt chạy đồng do chưa được tiêm phòng. Nguyên nhân dịch cúm gia cầm xuất hiện trở lại trên địa bàn tỉnh là do sau Tết Nguyên đán, nhiều hộ chăn nuôi tái đàn. Nhiều đàn gia cầm đã hết thời gian miễn dịch, mật độ chăn nuôi cao, vận chuyển gia cầm tăng trong dịp Tết. Khí hậu thuận lợi cho vi rút phát triển, trong khi dịch cúm gia cầm đang diễn ra phức tạp và lan rộng.
Mai Khuê (Mai Khuê)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.