Khánh thành cầu Bạch Đằng 2 kết nối Bình Dương và Đồng Nai
Cầu Bạch Đằng 2 kết nối niềm tin và khát vọng vào tương lai tốt đẹp hơn cho Bình Dương và Đồng Nai
Nguyên Vỹ
Thứ ba, ngày 24/09/2024 16:42 PM (GMT+7)
Cầu Bạch Đằng 2 kết nối Bình Dương và Đồng Nai đưa vào sử dụng, giúp nhân dân 2 bên sông ngày càng xích lại gần nhau, mở ra không gian và động lực phát triển mới cho 2 tỉnh và cả khu vực miền Đông. Từ đây những nhịp cầu, những con đường kết nối mới sẽ tiếp tục mở ra.
Bà Ngô Thị Minh Lan, người dân sống ở xã Bạch Đằng (TP.Tân Uyên, Bình Dương) vẫn có nhớ như in ngày mà chiếc cọc đầu tiên cắm xuống sông Đồng Nai để bắc thêm cây cầu thứ 2.
Bà Lan kể, từ trước năm 2010, đời sống, sinh hoạt của người dân nông thôn phải lệ thuộc đò, phà; gặp nhiều khó khăn. Sự thay da đổi thịt của xã Bạch Đằng chỉ bắt đầu khi cầu Bạch Đằng 1 nối liền xã Bạch Đằng với phường Uyên Hưng (TP.Tân Uyên, Bình Dương).
Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để phá thế tách biệt của xã cù lao. Nhất là với hơn 300 công nhân đang làm việc tại Công Ty TNHH Chang Shin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai); cũng như đông đảo người dân khi có nhu cầu qua, lại Đồng Nai. Tất cả vẫn phụ thuộc vào phà Bạch Đằng - Bình Lợi.
Cuối năm 2021, người dân vui mừng đón nhận thông tin 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai khởi công xây dựng cầu vượt sông Đồng Nai, cầu Bạch Đằng 2.
Ngày 23/9/2024, cây cầu Bạch Đằng 2 chính thức thông xe nhưng từ nhiều hôm trước, bà Lan đã ra bờ sông để ngắm công trình sắp đưa vào sử dụng. "Niềm vui như nhân lên gấp đôi, bởi, với riêng người dân trong xã, cầu Bạch Đằng 2 có ý nghĩa vô cùng quan trọng" bà Lan nói.
Cây cầu mới không chỉ phục vụ cho việc đi lại, kết nối giao thương mà còn tạo điều kiện cho người dân nông thôn được giao lưu, học hỏi nhiều kiến thức bổ ích, phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn xã nông thôn mới Bạch Đằng.
Sau lễ khánh thành, những chiếc đò, chiếc chiếc phà đã từng một thời gắn bó với vùng đất cù lao sẽ rời xa bến cũ. Trong lòng mỗi người dân nơi đây chắc hẳn sẽ có nhiều cảm xúc bồi hồi.
Lão nông Dương Văn Minh, ngụ cùng xã Bạch Đằng cho biết, không khí thanh bình và trong lành là đặc trưng của xã cù lao. Giao thông kết nối, nếp sống đô thị sẽ kéo nhanh về vùng nông thôn. Thế nhưng, ông Minh không quá lo lắng.
Những chiếc phà không còn bắt kịp với xu thế hội nhập, buộc phải lùi lại phía sau; nhường bước cho những chiếc cầu khang trang, kiên cố, an toàn và tiện ích.
"Xã nông thôn mới cũng phải bắt nhịp với xu thế hiện đại, và người dân sẽ được lợi nhiều hơn. Hương bưởi Bạch Đằng, đặc sản đất cù lao càng có điều kiện bay xa hơn", ông Minh tin tưởng.
Do điều kiện ngăn cách bởi sông Đồng Nai, việc lưu thông qua lại lâu nay giữa 2 tỉnh chỉ thông qua vài cây cầu như: Cầu Đồng Nai (quốc lộ 1), cầu Hóa An (tuyến quốc lộ 1K), cầu Thủ Biên trên Vành đai 4, và một số bến đò ngang.
Theo xu thế phát triển của 2 tỉnh, đặc biệt là 2 trung tâm hành chính, kinh tế lớn Thủ Dầu Một và Biên Hòa, vài cầu nói trên không thể đáp ứng được nhu cầu giao thông tăng nhanh trong các năm tới.
Ông Võ Tấn Đức - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, việc xây dựng thêm cầu bắc qua sông Đồng Nai trước hết tạo thuận lợi cho người dân 2 bên bờ. Việc đi lại, vận chuyển hàng hóa sẽ an toàn hơn so với qua lại bằng đò ngang.
Đồng thời, cầu Bạch Đằng 2 là 1 phần trong việc hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ liên vùng nói chung, và giữa tỉnh Đồng Nai với tỉnh Bình Dương nói riêng.
Sau gần 3 năm xây dựng, đến nay cầu Bạch Đằng 2 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. "Thời gian di chuyển giữa các tỉnh Đông Nam Bộ được rút ngắn, cầu Bạch Đằng 2 sẽ mở ra không gian phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ cho 2 tỉnh và cả khu vực miền Đông", ông Đức nói.
Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết, cầu Bạch Đằng 2 đưa vào sử dụng, nhân dân 2 bên sông ngày càng xích lại gần nhau hơn.
Cầu Bạch Đằng 2 là 1 trong những "cửa ngõ" để Bình Dương kết nối về sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam, hệ thống cảng biển quốc tế phía đông TP.HCM, đường vành đai 3. Đây là cơ sở để mở rộng không gian, tạo thêm tiền đề và là động lực quan trọng để 2 tỉnh phát triển hơn nữa.
Quá trình thi công dự án gặp không ít khó khăn trong thời gian dịch Covid-19. Với sự quyết tâm, đồng lòng vượt qua khó khăn, dự án đảm bảo tiến độ đề ra.
"Có thể nói, đây là cây cầu của niềm tin, cây cầu của khát vọng, kết nối, trách nhiệm, thân thiện và tin tưởng vào tương lai tốt đẹp hơn của Đảng bộ chính quyền và nhân dân hai tỉnh Bình Dương Đồng Nai", ông Dũng nhấn mạnh.
Thêm nhiều tuyến kết nối khác để phát huy hiệu quả cầu Bạch Đằng 2
Sông Đồng Nai chảy qua địa bàn huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) dài gần 60km. Dọc tuyến này, bến đò Bà Miêu trên địa bàn xã Thạnh Phú là 1 trong những điểm kết nối Đồng Nai với xã Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương).
Chị Tăng Thị Minh, người dân xã Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên) làm công nhân tại KCN Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) đã gần 10 năm. Bến đò này là cung đường duy nhất đưa chị đến nơi làm việc. Để tránh lúc phà đông người, phải chờ đợi lâu, chị thường đi làm sớm hơn 30 phút.
Cũng như chị Minh, bến đò Bà Miêu là con đường huyết mạch của nhiều người từ Bình Dương sang huyện Vĩnh Cửu mua bán, làm ăn. Chị Minh cùng nhiều người dân khác mong sớm có cầu để chủ động hơn trong việc đi lại.
UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết, nhu cầu dân sinh của người dân 2 bên sông Đồng Nai rất lớn. Thế nhưng, địa phương chỉ có 2 cây cầu bắc qua sông, kết nối với Bình Dương là cầu Thủ Biên (trên tuyến đường Vành đai 4) và cầu Bạch Đằng 2 vừa khánh thành.
Ông Võ Tấn Đức - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, để kết nối với cầu Bạch Đằng 2, phía Đồng Nai đã triển khai nhiều dự án giao thông khác như nâng cấp, mở rộng Hương Lộ 7, Hương Lộ 9. Hương lộ 15 đang giải phóng mặt bằng. Đường vành đai TP.Biên Hòa đang hoàn tất công tác lập hồ sơ thiết kế.
Các tuyến ĐT768B, ĐT768 nối dài cũng đang được phía Đồng Nai cứu triển khai thực hiện, tạo thuận lợi kết nối liên hoàn, phát huy tối đa vai trò kết nối 2 tỉnh của dự án cầu Bạch Đằng 2.
Lãnh đạo 2 tỉnh cũng đã bổ sung các dự án và cầu kết nối khác gồm cầu Hiếu Liêm 2, cầu Tân An - Lạc An, cầu Tân Hiền - Thường Tân, cầu Thạnh Hội 2, tuyến đường sắt kết nối sân bay Biên Hòa.
"2 tỉnh sẽ phối hợp đề xuất đầu tư thêm các dự án kết nối kế tiếp để dành hoàn thiện các công trình kết nối vùng, kết nối 2 tỉnh", ông Đức chia sẻ.
Đồng tình, ông Mai Hùng Dũng cho biết, sau lễ khánh thành cầu Bạch Đằng 2, vẫn còn rất nhiều công việc, trách nhiệm phía trước. Đó là kế hoạch sử dụng, khai thác công trình thật hiệu quả, gắn với chỉnh trang đô thị, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương.
Trách nhiệm của các địa phương là phải tạo được sự khác biệt của vùng đất tại 2 đầu cầu so với thời điểm chưa xây dựng cầu Bạch Đằng 2.
"Các sở ngành liên quan của 2 tỉnh cần tiếp tục chủ động phối hợp khảo sát, nghiên cứu phương án, tham mưu UBND tỉnh sớm đầu tư các dự án cầu bắc qua sông Đồng Nai như đã quy hoạch", ông Dũng đề nghị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.