“Khéo khôn với tiền”: Người dân không lo tiền tiết kiệm chảy vào trái phiếu và bảo hiểm

PV Thứ năm, ngày 14/12/2023 16:11 PM (GMT+7)
Tại buổi lễ ra mắt truyện tranh tài chính “Khéo khôn với tiền – Tránh những ưu phiền”, TS Lê Xuân Nghĩa cho hay đây là một cuốn sách gia đình, giúp người dân hiểu biết cơ bản về tài chính và giảm thiểu tình trạng tiền tiết kiệm trong ngân hàng phù phép biến thành trái phiếu và bảo hiểm.
Bình luận 0

Ngày 14/12/2023 tại Hà Nội, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức chương trình ra mắt truyện tranh tài chính "Khéo khôn với tiền – Tránh những ưu phiền" (tác giả Lê Thị Thúy Sen  - Vụ trưởng Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Họa sĩ Thăng Fly minh họa). Đây là cuốn truyện tranh thường thức độc đáo, sáng tạo về tài chính- ngân hàng và đầu tư đầu tiên của Việt Nam dành cho gia đình Việt.

Cuốn truyện tranh "Khéo khôn với tiền – Tránh những ưu phiền" với gần ba mươi câu chuyện thấm đẫm tình người xoay quanh các kiến thức cơ bản, thiết thực, dễ hiểu và dễ áp dụng liên quan đến chủ đề tài chính, tiền tệ, đầu tư đang rất được quan tâm hiện nay. Độc giả có thể tránh được những rủi ro tài chính qua câu chuyện được kể trong sách.

“Khéo khôn với tiền”: Người dân không lo tiền tiết kiệm chảy vào trái phiếu và bảo hiểm - Ảnh 1.

Chương trình ra mắt truyện tranh tài chính "Khéo khôn với tiền – Tránh những ưu phiền"

Gần 30 câu chuyện trong sách xoay quanh kiến thức cơ bản liên quan đến tiền (lịch sử của tiền, giá trị kinh tế - xã hội của đồng tiền, tiền điện tử, lạm phát, giảm phát, lãi suất, tỉ giá… tác động ra sao đến cuộc sống, ứng xử trong giao dịch tiền tệ, nội tệ, ngoại tệ…); hiểu biết về đầu tư tài chính (chứng khoán, trái phiếu, bảo hiểm, chứng chỉ quỹ…); hoặc về ngân hàng (lịch sử, lưu ý khi gửi tiết kiệm, vay vốn, thanh toán…). 

Đây cũng là những nội dung mọi người rất quan tâm hiện nay, với nhiều khái niệm và thông tin hữu ích được giải thích một cách dễ hiểu, phù hợp với nhiều lứa tuổi như: Lạm phát, giảm phát khác nhau thế nào? Tỉ giá và lãi suất liên quan gì đến nhau? Đi nước ngoài được mang bao nhiêu ngoại tệ tiền mặt? Tiền cũ nát đổi ở đâu? Hay những kinh nghiệm trong đầu tư: Phân biệt trái phiếu, cổ phiếu và tiền gửi tiết kiệm; Lưu ý gì khi mua bảo hiểm? Lưu ý gì khi gửi tiết kiệm, vay vốn; Lời khuyên trong các giao dịch ngân hàng trên môi trường điện tử; bảo mật thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng thế nào để tránh rủi ro?...

“Khéo khôn với tiền”: Người dân không lo tiền tiết kiệm chảy vào trái phiếu và bảo hiểm - Ảnh 2.

Chương trình ra mắt truyện tranh tài chính "Khéo khôn với tiền – Tránh những ưu phiền"

Mỗi câu chuyện là bài học về tài chính và cuộc sống. Không chỉ nhằm mục đích bổ sung kiến thức, nhiều câu chuyện thấm đẫm tình người, tình cảm gia đình, đồng đội, bạn bè, thầy cô...trong "Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền" đã chạm đến những tầng cảm xúc sâu lắng của người đọc. "Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền" có giá trị kép ở chỗ, bên cạnh kiến thức, hiểu biết về tài chính, người đọc có dịp suy ngẫm về sự hiếu thuận, lòng biết ơn. Những thông điệp đưa ra không hề khiên cưỡng mà tác động nhẹ nhàng nhưng trực diện đến người đọc. Trên tất cả, tình cảm gia đình, trách nhiệm, tình yêu thương giữa người với người chính là sợi dây kết nối giúp các thành viên vượt qua mọi khó khăn, hướng đến an lành và hạnh phúc.

“Khéo khôn với tiền”: Người dân không lo tiền tiết kiệm chảy vào trái phiếu và bảo hiểm - Ảnh 3.

Đây còn là cuốn truyện tranh có cách thể hiện mới mẻ, độc đáo, sáng tạo, giàu tính nhân văn và giáo dục, được dẫn dắt bởi ca dao, tục ngữ, thành ngữ và truyền thống văn hoá Việt Nam.

Về quá trình viết cuốn truyện tranh "Khéo khôn với tiền – Tránh những ưu phiền", tác giả Lê Thị Thúy Sen chia sẻ: "Khó khăn nhất khi tôi viết là truyền đạt kiến thức về tài chính, ngân hàng mà ai đọc cũng gặp hình ảnh của mình ở đó, dễ hiểu, dễ áp dụng và giàu tính nhân văn, giáo dục để hướng đến những điều tốt đẹp. Ca dao, tục ngữ, thành ngữ, truyền thống, văn hóa, lịch sử dân tộc đã giúp tôi dẫn dắt kiến thức tài chính, ngân hàng một cách mộc mạc, dễ hiểu đến bạn đọc".

Các kiến thức tài chính, ngân hàng vốn khô khan, chuyên sâu nhưng được tác giả thể hiện thông qua hình thức truyện tranh rất thú vị và hấp dẫn, phù hợp với nhiều lứa tuổi, biến việc phải đọc, nên đọc trở thành thích đọc.

“Khéo khôn với tiền”: Người dân không lo tiền tiết kiệm chảy vào trái phiếu và bảo hiểm - Ảnh 4.

Tác giả Lê Thị Thuý Sen ký tặng sách bạn đọc

Đây cũng là cuốn truyện tranh lần đầu tiên có nhiều ca dao, tục ngữ, thành ngữ nhất tại Việt Nam đến thời điểm này (với hơn 80 câu), đã truyền cảm hứng về tình yêu thương, nhân ái, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lao động như "Thế gian giàu bởi chữ cần/Có mà lười biếng thì thân chẳng còn", "Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần", "Một hạt thóc vàng, chín giọt mồ hôi"; về lòng hiếu thảo, biết ơn cha mẹ, thầy cô: "Lặng nhìn sợi tóc như sương/Vương trên đầu lược mà thương mẹ già", "Làm người trước liệu hiếu thân/Cảm ơn cha mẹ ân cần nuôi con", "Con ơi ghi nhớ lời này/Công cha nghĩa mẹ ơn thầy chớ quên"; hay những kinh nghiệm quý báu mà cha ông đúc kết: "Muốn may thì phải có kim/ Muốn hay thì ắt phải tìm người xưa"; về tiền bạc "Đồng tiền liền khúc ruột", "Tiền nào của nấy"; về tiết kiệm "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm"; về bảo hiểm "Làm khi lành, để dành khi đau"; về đầu tư "Trông giỏ bỏ thóc", "Chọn mặt gửi vàng", "Non cao cũng có đường trèo/Đường dù hiểm nghèo vẫn có lối đi", "Tiền trong nhà tiền chửa, tiền ra cửa tiền đẻ"…

Sau 1 tuần mở đặt trước (từ 7/7/2023) – cuốn truyện tranh đã trở thành hiện tượng xuất bản – với số lượng sách đặt trước nhiều nhất từ trước đến nay trong hệ thống sách kiến thức khoa học của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Từ ngày 12/12/2023, cuốn truyện tranh "Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền" của tác giả Lê Thị Thúy Sen có mặt tại các nhà sách thuộc hệ thống Kim Đồng tại Hà Nội, và sẽ có mặt tại TP.HCM và các tỉnh, thành trên toàn quốc.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem